Hiện nay, hầu hết các hộ sản xuất rau đều dựa vào kinh nghiệm là chính, bên cạnh đó sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trôi nổi trên thị trường, dùng nước tưới không đảm bảo vệ sinh...
Tháng 3/2006, Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam kết hợp với hai huyện Thường Tín và Hoài Đức (Hà Tây) với sự tài trợ của Sở Khoa học- Công nghệ Hà Tây, đã triển khai đề tài "Nghiên cứu mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ RAT trên địa bàn tỉnh Hà Tây".
Sau 21 tháng triển khai (3/2006- 12/2007), đề tài đã bước đầu thu được những kết quả tốt.
Đề tài được triển khai trên địa bàn tại hai xã Hà Hồi (Thường Tín) và Song Phương (Hoài Đức), nhằm xây dựng các nhóm sản xuất RAT. Các thành viên trong nhóm đã cùng nhau xây dựng được hệ thống nhà lưới và tháp nưới tưới nhỏ sử dụng nước ngầm, đưa nguồn điện ra khu sản xuất, thống nhất được quy trình sản xuất RAT. Các nhóm đã soạn ra bộ quy chế giám sát, bầu ban giám sát để kiểm tra định kỳ hoạt động sản xuất.
Qua thời gian thử nghiệm, khu sản xuất RAT của các nhóm đã cho những lứa rau đầu tiên. Bao bì sản phẩm đều có nhãn mác và xuất xứ rõ ràng, có tên từng hộ sản xuất. Nhóm sẽ tự công bố chất lượng sản phẩm của mình, chịu trách nhiệm đến cùng với người tiêu dùng về sản phẩm. Bước đầu, các nhóm đã tìm được một số đối tác: Cửa hàng rau chất lượng cao Thủy Thức (332 Phố Ga, thị trấn Thường Tín). Một số công ty phân phối và các siêu thị tại Hà Nội cũng sẵn sàng tiêu thụ rau của nhóm sản xuất RAT Hà Hồi.
Hiện tại, nhóm sản xuất RAT Hà Hồi có nguyện vọng thành lập HTX sản xuất RAT và mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, nhóm cũng đang gặp khó khăn trong việc được xác nhận vùng đủ điều kiện sản xuất RAT và chứng nhận chất lượng rau, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng địa phương.
Mô hình sản xuất RAT Hà Hồi tuy nhỏ nhưng sẽ là mô hình điểm để tiếp tục nhân rộng. Trong tương lai, sản phẩm RAT Hà Hồi sẽ trở thành thương hiệu tin cậy của người tiêu dùng.