Một mặt, Cục Tài chính doanh nghiệp có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức (như hỗ trợ về thuế, lãi suất, tín dụng, xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp...), mặt khác, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát phù hợp với tình hình thực tế.
Trong các tháng còn lại của năm 2011 cũng như nhiệm vụ các năm tiếp theo, Cục Tài chính doanh nghiệp tham mưu cho Lãnh đạo Bộ cơ chế, chính sách nhóm các công việc về nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách tài chính doanh nghiệp, tài chính kinh tế tập thể và hợp tác xã, tài chính phục vụ chuyển đổi sở hữu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, tài chính đối với hoạt động đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài, “hậu” cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, tập trung vào nhóm các công việc về quản lý tài chính doanh nghiệp Nhà nước, xử lý tài chính doanh nghiệp có vốn Nhà nước, hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp và tham gia xây dựng chiến lược phát triển các lĩnh vực kinh tế, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch Ngân sách Nhà nước hàng năm…; đổi mới và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Đối với Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ trưởng Vương Đình Huệ yêu cầu tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm chuẩn bị các báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua Chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, chủ động xây dựng lộ trình triển khai các đề án để sau khi Chiến lược đã được thông qua để có thể đưa vào triển khai thực hiện ngay. Trước các biến động của chỉ số kinh tế vĩ mô, Cục chủ động theo dõi, phân tích và báo cáo Lãnh đạo Bộ để nghiên cứu báo cáo Chính phủ phương án điều hành quản lý chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.
Về công tác điều hành ngân sách năm 2011 và xây dựng dự toán ngân sách 2012, Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Hành chính sự nghiệp chủ động phối hợp và hướng dẫn xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh liên quan đến sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên 10%, sắp xếp lại các khoản chi, mua sắm phương tiện, trang thiết bị để thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Việc xây dựng dự toán 2012 cần đặt trong bối cảnh kinh tế, yêu cầu cân đối tài chính chung của ngân sách quốc gia đối với nguồn thu từ lĩnh vực sự nghiệp, cần tính toán tích cực để đáp ứng nhu cầu bổ sung nguồn chi trong dự toán 2012. Đồng thời theo dõi, phối hợp kiểm tra nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA ở các bộ, ngành.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ còn yêu cầu Vụ Đầu tư tổng hợp tình hình thực hiện cắt giảm đầu tư công của các Bộ, ngành và địa phương, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ, kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thực trạng tạm ứng vốn đầu tư và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư, chủ động đề xuất các giải pháp nhằm xử lý có hiệu quả nợ đọng vốn đầu tư, từng bước thu hồi dần số vốn đã ứng trước./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản