Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hai nguy cơ của ngành chăn nuôi 2009: Người tiêu dùng quay lưng, giá khó tăng
22 | 01 | 2009
Năm 2008, ngành chăn nuôi thiệt hại nặng nề. Bước sang năm 2009, ngành này tiếp tục đối mặt với những khó khăn chồng chất về mặt bằng giá cả, thiên tai dịch bệnh, và đặc biệt là sự thay đổi thói quen tiêu dùng: người tiêu dùng cần sản phẩm an toàn.
 

Tăng trưởng nhờ giá đầu vào và đầu ra thuận chiều

Ngành chăn nuôi đã bị thiệt hại nặng nề. Đợt rét đậm, rét hại hồi đầu năm và đợt dịch bệnh hồi tháng 4, tháng 5 làm suy giảm 366 nghìn con gia súc, gia cầm các loại, chi phí đầu vào tăng cao (giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống). Tuy nhiên, đến thời điểm 1.10.2008 sản lượng thịt hơi các loại vẫn đạt 3,486 triệu tấn, tăng 5,82% so với cùng kỳ năm 2007. Tăng trưởng của ngành chăn nuôi vẫn đạt 6,0%, cao hơn mức 4,6% của năm 2007 nhưng vẫn thấp hơn 3,4% so với kế hoạch đặt ra của ngành (9,4%). Nếu trong quý 2, ngành chăn nuôi tăng trưởng âm (giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2007) thì đến quý 4, ngành chăn nuôi đã tăng trưởng vượt bậc (tăng gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm 2007).

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng cùng diễn biến tăng của giá thịt trong năm 2008 đã làm cho tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2008 cao hơn so với năm 2007, nhờ diễn biến giá đầu vào đầu ra thuận chiều.

Giá đầu vào quay lại mức thấp: giá thức ăn chăn nuôi (TACN) liên tục tăng cao trong bảy tháng đầu năm nhưng sau đó đã quay đầu giảm dần. Đến hết tháng 11.2008, giá TACN đã giảm khoảng 10 – 15% so với mức giá đỉnh điểm hồi tháng 7 nhưng vẫn cao hơn 20% so với mức giá hồi đầu năm.

Giá tiêu thụ đầu ra tăng trở lại: giá thịt heo và thịt bò trong năm 2008 đã tăng mạnh so với năm 2007. So với quý 4/2007, giá các loại thịt trong quý 4/2008 tại TP.HCM đã tăng từ 25 – 60% như: giá thịt bò tăng 36%, giá thịt lợn hơi tăng 58%, giá thịt heo đùi tăng 26%.

Người tiêu dùng thay đổi

Theo bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng sản lượng thịt bò và thịt bê năm 2009 dự báo sẽ giảm gần 1% (khoảng 295.000 tấn) xuống còn 59 triệu tấn do sự sụt giảm về sản lượng của các nước thuộc Liên minh châu Âu, Argentina, Úc và Nga. Cũng theo USDA, tổng sản lượng thịt lợn dự báo tăng 1% so với năm 2008, lên mức 97,9 triệu tấn. Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia có sản lượng thịt lợn chiếm khoảng 50% tổng sản lượng thịt lợn của thế giới dự báo sẽ tăng khoảng 3% (tương đương 1,2 triệu tấn).

Năm 2009 được dự báo tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Theo dự báo của AGROINFO, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi năm 2009 dự kiến đạt 5,7%, thấp hơn 0,3% so với tốc độ tăng trưởng của năm 2008. Giá các loại thịt khó có khả năng tăng cao hơn nữa khi mặt bằng giá hiện nay đã khá cao, đặc biệt khi nền kinh tế đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát.

Thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, có thể bùng phát trở lại, gây ảnh hưởng tới số lượng đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt đối với vấn đề dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, khi dịch bệnh xảy ra nó không những ảnh hưởng tới nguồn cung thịt mà còn ảnh hưởng tới cầu tiêu dùng của người dân. Theo một cuộc điều tra của AGROINFO về tiêu dùng thực phẩm của người dân tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM thì có đến 96,7% người tiêu dùng thừa nhận dịch bệnh có ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng thực phẩm của họ. Trong đó, có 61,3% người tiêu dùng chọn sẽ giảm tiêu dùng khi có dịch; 59,1% chọn vẫn tiếp tục tiêu dùng nhưng sẽ chỉ mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và thương hiệu uy tín và 35,4% cho rằng sẽ chuyển sang sử dụng một loại thực phẩm khác thay thế. Chỉ có 3,2% ý kiến cho rằng dịch bệnh không ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng thực phẩm của họ.



Ngọc Yến – Minh Nguyệt (AGROINFO)
Báo cáo phân tích thị trường