Từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi (TACN) liên tục tăng giá. Ngay sau đợt tăng giá của tháng 4, từ ngày 1.5, giá mặt hàng này lại tăng. Điều này không chỉ khiến nhiều nông hộ “treo chuồng”, mà còn đẩy giá thực phẩm tăng mạnh.
Giá đẩy giá
Trao đổi với Lao Động, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Từ ngày 1.5, giá bán TACN sẽ tăng thêm 2-3% so với mức hiện hành. Nguyên nhân các DN đề xuất tăng giá là do chi phí đầu vào như xăng dầu tăng cao.
Trên thực tế, đây chính là một kiểu tác động quay vòng theo kiểu “giá đẩy giá”. Các DN cho rằng khi giá xăng dầu tăng cao, các DN buộc phải tăng giá bán TACN do chi phí đầu vào tăng. Khi đó người nông dân chăn nuôi cũng lại buộc phải tăng giá bán thịt lợn nhằm bù đắp chi phí. Khi đó, giá cả thị trường thực phẩm một lần nữa cũng bị tác động.
Theo ông Văn Đức Mười - TGĐ Cty Vissan - thì người chăn nuôi heo luôn bị thiệt thòi mỗi khi giá TACN tăng. Tuy nhiên, điều đáng nói là ở chỗ nếu như người nông dân bị động trước sự tăng giá TACN thì DN cung cấp TACN lại luôn nắm thế chủ động tạo nên sức ép này. Trong thời gian qua, cứ mỗi lần giá thịt lợn hơi tăng đôi chút để nông dân bù đắp chi phí thì giá TACN lại tăng. Thậm chí có ý kiến cho rằng, ngành TACN làm giàu trên lưng người nông dân chăn nuôi.
Vậy vì sao có tình trạng này? Theo các chuyên gia thì đây có lẽ là mấu chốt của vấn đề. Hiện nay ngành sản xuất và cung cấp TACN hầu hết do DN nước ngoài hoặc liên doanh nắm giữ. Các DN này nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu sản xuất từ ngô, đậu... để sản xuất và cung cấp TACN.
Chính sự bị động nguồn cung này đã khiến người nông dân lệ thuộc phần lớn vào nguồn TACN do các DN này cung cấp. Khi đó, cứ có lý do để tăng giá là các DN này lại tạo sức ép. Thực tế là dù hiện nay mặt hàng này nằm trong danh mục bình ổn giá và đăng ký giá đối với Bộ Tài chính trước khi tăng giá, thế nhưng dường như cứ lần nào các DN đề xuất tăng giá thì luôn có được sự đồng thuận là... cho phép tăng giá.
Chính sự tác động quay vòng này đã khiến giá thực phẩm - nhất là thịt lợn gần đây tăng cao. Theo phản ánh của số đông người dân thì nếu như sau Tết Nguyên đán, giá thịt lợn ngon đã biến động tăng khoảng trên dưới 20% với mức tăng tương ứng khoảng từ 15.000 - hơn 20.000đ/kg.
Cần kiểm soát chặt chẽ
Theo phân tích của các chuyên gia thì giá TACN chiếm tới 70% giá thành của nguồn thực phẩm. Nhưng điều mà các chuyên gia cảnh báo là nếu không kiểm soát thật chặt tình trạng này thì rất có thể ngành chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi đó tác động quay vòng còn tiêu cực hơn. Theo ghi nhận của phóng viên, thì hiện nay nhiều nông hộ do vừa phải đối mặt với dịch bệnh, vừa phải đối mặt với giá TACN tăng cao nên đã “treo chuồng” tìm kiếm các công việc làm khác cho thu nhập ổn định hơn.
Các chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ giá thực phẩm tăng mạnh sẽ khiến NTD thay đổi. Về góc độ xã hội, nếu giá thịt lợn tăng cao thì NTD sẽ quay sang mua các loại thực phẩm khác thay thế làm lệch cán cân nguồn cầu. Khi đó những hộ đeo bám chăn nuôi lại phải đối mặt với sự ế ẩm, bán giá cao thì không ai mua, bán giá thấp thì thua lỗ. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo về khả năng phải nhập khẩu thực phẩm nếu như nguồn cung tiếp tục bị hạn chế.
Theo khảo sát của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thì giá thịt lợn hiện nay đúng là đã tăng cao so với sau tết và trong tháng 4.2011 giá mặt hàng này đã tăng khoảng 15.000đ/kg so với tháng 3.2011. Đây là điều khó tránh khỏi khi mà giá TACN tăng cao. Và khi giá thực phẩm tăng cao thì việc khả năng NTD hạn chế sử dụng, tìm kiếm nguồn thực phẩm thay thế là yếu tố có thể tiên liệu được. Bên cạnh đó, việc nông hộ “treo chuồng” cũng là nguy cơ tiềm ẩn khiến cho giá mặt hàng này có thể tăng tiếp và tác động đến việc phải gia tăng nhập khẩu.
Chính vì thế, để hạn chế tác động quay vòng này, việc kiểm soát chi phí đầu vào, hạn chế sự tăng giá là cực kỳ cần thiết. Các chuyên gia cho rằng, hiện nay giá nhiều mặt hàng nguyên liệu TACN đã giảm về mức 0%. Vì vậy, trong trường hợp giá TACN tăng cao, ngành tài chính cần vào cuộc để kiểm tra các yếu tố cấu thành giá, quyết liệt xử lý các DN vi phạm. Mặt khác, các DN cũng phải có trách nhiệm thực hiện bình ổn giá trong những thời điểm nhất định, chứ không thể tạo sức ép tăng giá cục bộ.