Được và mất, cái nào lớn hơn?Ông Trần Đức Tụng, cựu chuyên viên cao cấp của Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), là người đã theo dõi sát sao thị trường nông sản suốt mấy chục năm qua. Nhìn lại những diễn biến của thị trường nông sản năm 2008, ông Tụng vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng “Thị trường nông sản biến động quá bất thường, ngoài dự đoán. Những năm trước đây, giá cả nông sản vẫn luôn có lúc lên, lúc xuống, nhưng nếu xuống thì theo kiểu chậm dần đều. Nếu lên, cũng theo hướng nhanh dần đều. Còn năm 2008, nhiều mặt hàng nông sản đã lên rồi xuống giá theo sóng hình sin, với biên độ doãng ra rất rộng, ngoài khả năng ứng phó của nhà của các cơ quan quản lý, DN và nông dân”.
Điển hình trong trường hợp này là giá gạo. Hồi đầu năm 2008, giá gạo 5% ở mức 365 USD/tấn đã được coi là quá “đẹp” vì giá gạo trung bình cả năm 2007 chỉ là 300 USD/tấn. Nhưng rồi giá gạo cứ thế vùn vụt leo lên, liên tục phá vỡ các mốc 400, 500, 600, 700 USD/tấn, rồi đạt tới mức đỉnh điểm 1.100 USD/tấn. Sau đó, giá gạo liên tục giảm mạnh xuống, và đến cuối tháng 11, chỉ còn trên 400 USD/tấn. Tương tự, giá cao su xuất khẩu cùng đã từng vọt lên tới xấp xỉ 60 triệu đ/tấn, rồi lại giảm mạnh xuống hơn 10 triệu đ/tấn...
Giá nông sản trong những tháng cuối năm tuy giảm mạnh, nhưng đợt tăng giá mạnh mẽ trong những tháng đầu năm, cũng đã góp phần quan trọng trong việc đưa giá trị xuất khẩu nông – lâm - thuỷ sản năm 2008 đạt mức kỷ lục trên 15 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng đã đạt tới mức giá trị xuất khẩu kỷ lục, cao hơn hẳn so với định hướng hồi đầu năm.
Xuất khẩu gạo đến hết tháng 11 đã được 4,3 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,7 tỷ USD, cao hơn tới 1 tỷ USD so với dự báo hồi đầu năm (4,5 triệu tấn và 1,7 tỷ USD) và cao hơn tới 1,3 tỷ USD so với kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2007. Theo kế hoạch đề ra, xuất khẩu cà phê cả năm nay sẽ đạt 1,1 triệu tấn, trị giá 1,8 tỷ USD. Nhưng đến hết tháng 11, lượng cà phê xuất khẩu mới chỉ đạt 863 ngàn tấn, mà kim ngạch đã là 1,78 tỷ USD, xấp xỉ mức đề ra. Dự tính đến hết năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt xấp xỉ 2 tỷ USD. Ở ngành hàng cao su, kim ngạch xuất khẩu cả năm cũng có thể đạt 1,8 tỷ USD, cao hơn 400 triệu USD so với năm 2007…
Tuy nhiên, trong cái được ấy, cũng có những cái mất không nhỏ. Trong đó, thiệt thòi nhất vẫn là người nông dân ở những khu vực sản xuất hàng hóa. Những tháng đầu năm, giá nông sản tăng cao, người trồng lúa, trồng cà phê, cao su, tiêu… phấn khởi ra mặt. Giá nhiều loại nông sản quá tốt khiến cho nông dân ở nhiều địa phương sẵn sàng phá vỡ quy hoạch, lờ đi những khuyến cáo của các cơ quan chức năng, lao vào sản xuất theo phong trào. Chính vì vậy, theo ông Trần Đức Tụng, chưa bao giờ phong trào “trồng - chặt”, “đào - lấp” diễn ra ào ạt như trong năm qua. Trước đây, việc “trồng - chặt” thường chỉ xảy ra với những cây trồng dài ngày như cây ăn trái, cây công nghiệp, và chu kỳ khoảng 2-3 năm mới diễn ra một lần. Giờ quy luật ấy bị phá vỡ.
|
Chế biến nhân điều xuất khẩu |
SX nông sản phải nhìn túi người mua
Những năm trước, giá cả nông sản thường có xu hướng tăng vào lúc cuối vụ. Chính vì vậy, những nông dân có điều kiện trữ hàng lại, chờ khi được giá hoặc hết vụ mới bán, đều thu lãi nhiều hơn hẳn so với những người thu hoạch xong là bán ngay.
Nhưng năm nay, giá cả nhiều mặt hàng nông sản lại không diễn biến theo chiều hướng ấy. Chẳng hạn, hạt tiêu, sau khi đã hết vụ, giá lại giảm mạnh, khiến cho nhiều hộ trồng tiêu khá giả, tính trữ hàng đợi giá lên, bị thua lỗ nặng. Còn những hộ có thói quen thu hoạch xong là bán ngay, thì lại được giá tốt hơn.
Ông Nguyễn Thông, một nhà kinh doanh gạo lâu năm ở ĐBSCL, thổ lộ: “Trước đây, tôi chỉ nghĩ cán cân cung - cầu đơn giản là sản lượng một loại nông sản nào đó thấp hơn, bằng hay cao hơn nhu cầu ăn, uống của người tiêu dùng. Nhưng theo dõi những diễn biến của thị trường nông sản, nhất là thị trường gạo trong năm 2008, tôi mới nhận ra rằng cán cân cung - cầu còn phụ thuộc vào những yếu tố khác như tỷ giá, tình hình tài chính tiền tệ. Giống lúa IR 50404, mọi năm bán chạy là nhờ các nước châu Phi mua nhiều gạo phẩm cấp thấp 25% tấm. Năm nay, châu Phi vẫn thiếu gạo trầm trọng, nhưng họ lại chẳng được các ngân hàng châu Âu cho vay tiền để mua, thành ra IR 50404 mới bị ế nặng như vậy. Do đó, theo tôi, xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ nông sản, không chỉ nhìn vào cái bụng của khách hàng mà còn phải tính được cả tiền trong túi của họ nữa”.
Còn theo ông Trần Đức Tụng, bài học lớn nhất rút ra từ cái được, cái mất bởi những diễn biến bất thường của thị trường nông sản trong năm qua là phải nhanh chóng tiến đến sản xuất bền vững và đảm bảo an sinh cho khu vực nông thôn. Như vậy mới có thể giảm thiểu được những tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế thế giới đến sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản và đời sống người dân nông thôn.
Giá các loại nông sản trong cả năm 2008, nhìn chung cao hơn nhiều so với giá bình quân của những năm trước, nhưng nông dân gần như không được lợi từ sự tăng giá ấy. Sở dĩ có điều nghịch lý này, là do nông dân vẫn phải chịu thiệt kép. Nghĩa là giá nông sản chưa lên thì vật tư đầu vào đã lên đón đầu. Chẳng hạn, với người nông dân trồng tiêu, giá tiêu đen khoảng 34.000-35.000 đ/kg trong năm 2008, chỉ cho lợi nhuận tương đương với giá tiêu khoảng 20.000 đ/kg trong những năm 2005, 2006. |