Nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng rằng việc quay về với thị trường nội địa - thị trường đã bị bỏ rơi qua trong nhiều năm sẽ - là một giải pháp giúp DN cũng như nền kinh tế VN vượt qua khó khăn. Bởi, thị trường trong nước - với hơn 85 triệu dân - sẽ là nơi tiêu thụ lượng sản phẩm không nhỏ. Thế nhưng trên thực tế, khi xâm nhập thị trường trong nước, không ít DN đã vấp phải nhiều lực cản bởi thị trường đã và đang bị hàng ngoại nhập giá rẻ lấn sân ồ ạt. Trong khi đó, sản phẩm và cơ chế hoạt động của các DN còn một số điểm yếu.
Thất thế ngay trên sân nhà
Rất nhiều ngành, DN đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập ngay trên sân nhà. Dù các DN ngành nhựa, dệt - may, giày dép đã nỗ lực giảm giá bán, vẫn không thể nào sánh kịp tốc độ đổ bộ của các sản phẩm ngoại nhập giá cực rẻ, vừa thay đổi mẫu mã liên tục. Ông Võ Văn Đức Bảy - Phó GĐ Cty nhựa Chợ Lớn - cho rằng, tuy giá bán sản phẩm đã giảm 15-20%, nhưng hàng hóa sản xuất ra vẫn khó tiêu thụ.
Theo Hiệp hội Nhựa TPHCM, có khoảng 50% số DN nhựa đã phải ngừng hoặc giảm công suất vì hàng sản xuất ra khó tiêu thụ. Khó khăn nhất là các DN sản xuất hàng dệt - may, giày da bởi không chỉ thua về yếu tố giá, hàng sản xuất trong nước còn yếu về kiểu dáng, mẫu mã và hệ thống phân phối.
Giám đốc một DN sản xuất giày da tại TPHCM cho biết: "Sản phẩm của Trung Quốc giá chỉ 10.000 - 15.000 đồng/đôi dép hoặc 50.000 - 70.000 đồng/đôi giày - được nhập lậu hoặc qua đường tiểu ngạch và tuồn về TPHCM tiêu thụ đến khắp các chợ, ngõ ngách, khiến các DN trong nước không sao cạnh tranh nổi".
Những ngành công nghiệp như sản xuất thép, giấy... cũng gặp không ít khó khăn. Theo Hiệp hội Thép VN, từ tháng 12.2008 các DN thép VN đã chịu áp lực cạnh tranh rất lớn khi Trung Quốc giảm thuế xuất khẩu các loại thép cuộn, thép tấm, thép dây mạ và hợp kim từ 5% xuống 0%, khiến trên thị trường trong nhiều tháng, giá thép ngoại thấp hơn thép sản xuất trong nước 700.000 - 1 triệu đồng/tấn.
Tại hội thảo "Đẩy mạnh bán hàng VN trên thị trường nội địa", ông Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM - cho rằng: Hàng VN đang mất dần ưu thế ở kênh phân phối truyền thống, bởi các chiêu thức tiếp thị chuyên nghiệp của các Cty nước ngoài khá mạnh. Nhưng hàng VN cũng khó thâm nhập vào kênh phân phối hiện đại do thiếu kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu của siêu thị.
Trong khi đó, các nhà phân phối lớn hoặc có vốn đầu tư nước ngoài có mặt tại VN đã đặt hàng của các nhà sản xuất trong nước để phân phối tại kênh phân phối của họ. Chẳng hạn như Metro, Big C bày bán đến 90-95% hàng nội. Điều này cho thấy, hàng nội vẫn có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng (NTD) và được tiêu thụ qua các kênh phân phối nếu DN quan tâm thị trường nội địa và khắc phục được một số điểm yếu.
Hai kịch bản cho thị trường nội
Việc các DN nước ta quay trở lại thị trường nội trong bối cảnh XK khó khăn nghiễm nhiên trở thành giải pháp tình thế đối phó khủng hoảng. PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN - cho biết: "Việc thị trường nước ta bị nước ngoài "lấn sân" là sơ ý mang tính chiến lược. Nếu biết bám thị trường nội địa và xem vị thế của nó ngang bằng với thị trường XK, DN sẽ có lợi thế nhất định - từ thị hiếu văn hóa đến chi phí vận tải, khả năng xây dựng mạng lưới...".
Các chuyên gia kinh tế đưa ra hai kịch bản cho tương lai của thị trường nội địa. Thứ nhất, nếu xem việc quay lại thị trường nội địa là giải pháp "ăn xổi" đối phó khủng hoảng, điều này cần đặc biệt cân nhắc.
PGS - TS Trần Đình Thiên khẳng định: "DN VN thường yếu trong năng lực tiếp cận thị trường, nên sẽ rủi ro cao nếu coi đây là giải pháp tình thế. Không loại trừ khả năng DN chưa kịp thiết lập thị trường nội thì lúc đó khủng hoảng cũng qua rồi".
Kịch bản thứ hai được nhiều ý kiến đồng tình khi cho rằng, sẽ hợp lý hơn nếu việc quay lại thị trường nội địa đặt trong tầm nhìn chiến lược so với kiểu "ăn xổi" nói trên. Theo đó, Chính phủ cần biến khủng hoảng thành cơ hội để tái kết cấu thị trường.
"Nhà nước cần vào cuộc, tạo điều kiện cạnh tranh như: Chống buôn lậu, kiểm soát chất lượng sản phẩm, chính sách hỗ trợ tỉ giá... Nhà nước cần làm đúng vai trò của mình là bảo vệ thị trường chứ không phải là bảo hộ" - ông Thiên nhấn mạnh.
Thực tế, hiện thị trường nội vẫn chưa được xác định rõ sẽ đi về đâu, trong khi ngay cả gói kích cầu hiện vẫn chưa rõ định hướng gì, có khuyến khích XK hay không. PGS - TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: "Không thể nói rằng chúng ta ủng hộ thị trường nào. Nếu bán hàng tốt ở nước ngoài thì DN cứ bán, còn thấy có thế mạnh bán nội địa thì càng hoan nghênh. Về mặt chiến lược thì đừng để quên thị trường nội địa vì đây là một lợi thế lớn; trên cơ sở đó, DN nào thấy điều kiện trở về tốt hơn thì về. Việc quảng bá hình ảnh VN trên trường quốc tế vẫn có tầm quan trọng rất lớn...".