Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần sớm có luật về vệ sinh an toàn thực phẩm
11 | 06 | 2009
Chương trình làm việc ngày 10-6 của Quốc hội dành cho thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều là việc luật hóa các văn bản về VSATTP, tăng cường trách nhiệm của lực lượng thanh, kiểm tra...

Cần có ngay luật về vệ sinh an toàn thực phẩm

 

Đại biểu Dương Kim Anh  - Trà Vinh nhận xét, những con số về tình trạng vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm như diện tích rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau trong cả nước, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%, 58,1% gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát, cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm đạt yêu cầu giảm từ 61,8% trong giai đoạn 2004-2006 xuống còn 51,8% giai đoạn 2007-2008.... đó là những con số “dễ gây nên sự lo lắng, bất an cho người tiêu dùng”.

 

Theo đại biểu Kim Anh, chúng ta mới chỉ quan tâm đến chất lượng về vệ sinh, an toàn thực phẩm ở mặt hàng xuất khẩu, còn thị trường nội địa thì sự quan tâm còn rất thấp. Chúng ta mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề bức xúc, việc phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm ở Trung ương và địa phương chưa tốt, đầu tư kinh phí cho công tác này còn hạn chế...  Do đó, bà Kim Anh nhất trí, Quốc hội nên ban hành một nghị quyết riêng của Quốc hội để thực hiện chính sách, pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

 

“Tôi xin mở đầu bằng một vài con số đáng lưu ý, ở nước ta chỉ có 8,5 % diện tích rau đủ điều kiện rau an toàn, 51,8% cơ sở giết mổ đạt yêu cầu, 11,2% cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm, 6,1% cơ sở dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm... Điều đó cho chúng ta một câu trả lời rõ ràng rằng: Tại sao sữa kém chất lượng, kẹo làm bằng bột đá, thịt heo bơm nước tăng trọng và rất nhiều, rất nhiều thực phẩm kém chất lượng vẫn được sản xuất lưu thông trên thị trường và hiện diện trong bữa ăn của người dân”, đó là phát biểu của đại biểu Bùi Thị Hoà  - Đắk Nông.

 

Theo đại biểu Hòa, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm rất nhiều, nhưng lại chồng chéo, có văn bản mâu thuẫn hoặc chậm ban hành. Trong 5 năm, các cơ quan Trung ương ban hành 337 văn bản, các cơ quan địa phương ban hành 930 văn bản, nhưng việc cập nhật và áp dụng văn bản cũng chưa đầy đủ, bộc lộ sự hạn chế trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu Hòa đề nghị, cần ban hành Luật an toàn thực phẩm thay thế Pháp lệnh vệ sinh, an toàn thực phẩm năm 2003, rà soát để điều chỉnh bổ sung các văn bản qui phạm pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm hiện hành, tập trung ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn, kỹ thuật vệ sinh, an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước hiện nay.

 

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh  - Lạng Sơn đặt vấn đề: “Pháp lệnh an toàn thực phẩm mới ban hành năm 2003. Như vậy chúng ta thực hiện được hơn 5 năm. Trong quá trình thực hiện hơn 5 năm này chúng ta thấy pháp lệnh đã đủ mạnh chưa? Hay chúng ta cần suy nghĩ nâng pháp lệnh lên thành luật?”.

 

Theo đánh giá của đại biểu Sinh, hiện nay, việc triển khai thực hiện như kiểm tra, xử lý, công tác tuyên truyền... làm chưa đến nơi, đến chốn, chủ yếu làm từng đợt đặc biệt rồi sau đó ngừng. Các vụ việc phát hiện rất ít, xử lý cũng chưa nghiêm. Từ đó, đại biểu Sinh đề nghị sớm ban hành Luật an toàn thực phẩm, nâng Pháp lệnh lên thành Luật, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước thống nhất từ Trung ương đến cấp xã, tăng đầu tư ngân sách, nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng được yêu cầu quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt là ở các cửa khẩu.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai  - Ninh Thuận cũng nhất trí, nên sớm ban hành Luật an toàn thực phẩm, đồng thời sửa đổi bổ sung một số luật liên quan theo hướng tăng tính chế tài xử lý các tội vi phạm về chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan chức năng trên lĩnh vực quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm để bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với tình hình hiện nay.

 

Nhận xét “văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm nhiều, nhưng được ban hành bởi nhiều cơ quan thẩm quyền ở nhiều thời điểm khác nhau, việc áp dụng thực hiện có khác nhau còn bộc lộ sự hạn chế về hiệu lực pháp lý” là của đại biểu Hoàng Thương Lượng  - Yên Bái. Đại biểu này cho rằng, việc sớm thông qua và nâng pháp lệnh lên thành Luật An toàn thực phẩm là cần thiết để tăng hiệu lực pháp lý về quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm.

 

Chấn chỉnh hoạt động thông tin, quảng cáo thực phẩm

 

Theo đại biểu Mã Điền Cư  - Quảng Ngãi, công tác quản lý hoạt động thông tin quảng cáo cũng là vấn đề không kém phần quan trọng như công tác tuyên truyền phổ biến. “Nhưng tôi thấy rằng Ban chỉ đạo liên ngành chưa kịp thời chấn chỉnh những thông tin quảng cáo chưa đúng sự thực, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp”, đại biểu Cư nói.

 

Từ đó, đại biểu Cư đề nghị cần phải chấn chỉnh ngay hoạt động quảng cáo sản phẩm tiêu dùng. Đồng thời, ông cũng đề nghị Quốc hội cần ban hành Nghị quyết riêng, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để Chính phủ chỉ đạo thực hiện và các cơ quan của Quốc hội theo dõi giám sát.

 

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Thuỵ  - Bình Định cũng kiến nghị cần phải quy định chặt chẽ trong việc quảng cáo các sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng vì đây là kênh tuyên truyền có tầm ảnh hưởng lớn, nếu thông tin thiếu chính xác sẽ khó khắc phục.

 

“Hiện nay, có những sản phẩm quảng cáo không đúng về tác dụng của sản phẩm gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cử tri rất quan tâm thực phẩm chức năng. Đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước làm rõ về thông tin quảng cáo với những thông số được in trên bao bì quy định sản phẩm này được bán ở đâu, cửa hàng thực phẩm hay ở hiệu thuốc để định hướng cho người tiêu dùng”, đại biểu Thụy phát biểu.

 

Không chỉ kiến nghị chấn chỉnh, kiểm duyệt chặt nội dung thông tin quảng bá sản phẩm trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh thực phẩm trên báo, đài, đại biểu Nguyễn Thị Hoa  - TP Hà Nội còn đề cập đến một vấn đề khác: có chế tài xử phạt với các thông tin tuyên truyền sai sự thật, dẫn đến hoang mang cho người tiêu dùng, gây thiệt hại kinh tế cho người sản xuất và bức xúc cho các cơ quan quản lý, gây phản cảm cho nhiều thành phần trong xã hội.

 

“Tôi nói ví dụ như thông tin trứng gà giả, ăn vải bị viêm não, ăn bưởi bị ung thư, thông tin rau muống có 3 loại thuốc cấm, rau sử dụng kích thích tăng vọt sau 3 ngày v.v... mỗi loại thông tin đưa ra làm cho công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm đã bức xúc lại càng bức xúc hơn, làm cho người tiêu dùng không dám ăn, người sản xuất thì đổ sản phẩm đi, nhà nước phải bỏ ra nhiều công sức, kinh phí để chứng minh, lấy lại lòng tin của nhân dân”, bà Hoa dẫn chứng.

 

Theo đề nghị của đại biểu Hoa, chỉ có những nhà khoa học, các nhà quản lý có chuyên môn về lĩnh vực thực phẩm phụ trách mới được phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Hồng – Nghệ An cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của truyền thông, quảng cáo với người tiêu dùng.

 

“Chỉ cần một tờ báo, một buổi phát thanh trên truyền hình hoặc trên Đài phát thanh đi theo hướng này thì nhân dân sẽ tin hướng này, nếu đi theo một hướng khác thì nhân dân sẽ tin hướng khác. Ví dụ, quảng cáo một thực phẩm nào đó có giá trị dinh dưỡng rất lớn thì hàng triệu người sẽ mua. Nhưng quảng cáo đó ngược lại cũng sẽ nguy hại cho hàng triệu người”, ông nói.

            
                               Chất lượng vệ sinh thực phẩm là nỗi lo thường trực của các hộ gia đình

 

Phải tăng đầu tư cho công tác quản lý VSATTP

 

Đại biểu Trương Thị Thu Hằng  - Đồng Nai ủng hộ việc tăng ngân sách cho hoạt động quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

“Tôi đề nghị Chính phủ cần cân đối ngân sách để bố trí đủ kinh phí cho hoạt động quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo tính toán dự kiến tăng từ dưới 1.000đ lên 9.000đ mỗi đầu người, tức là gấp hơn 9 lần so với mức chi hiện tại. Có thể đây sẽ là một gánh nặng cho ngân sách, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, nhưng để có được một nguồn dinh dưỡng sạch, an toàn, chất lượng, đảm bảo cho sức khỏe của cộng đồng, cho cả thế hệ tương lai thì cần quyết tâm thực hiện”, bà nói.

 

Tuy nhiên, đại biểu Hằng cũng cho rằng, phải tính toán xem xét lại cơ cấu phân bổ kinh phí, tránh phân tán mỗi nơi một ít để cuối cùng dù ngân sách đã tăng chi nhưng kết quả lại không như mong muốn.

 

Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Thị Thu Hằng  - Vĩnh Long nhất trí, tăng đầu tư cho công tác an toàn thực phẩm từ khoảng 1.000 đồng/ người/ năm lên 9.000 đồng/ người/ năm hoặc cao hơn nữa.

 

 “Chúng ta cũng có tiền lệ tăng đầu tư cho công tác dân số kế hoạch hóa gia đình gấp 11 lần từ năm 1991 đến năm 1995 và đã thành công ngoạn mục trong việc giảm tỷ lệ sinh, nhận được giải thưởng của Liên hiệp quốc năm 1997. Tôi thấy rằng vấn đề an toàn thực phẩm hệ trọng không kém vấn đề dân số kế hoạch hóa gia đình”, bà Hằng dẫn chứng.

 

Theo phân tích của đại biểu Bùi Thị Lệ Phi  - TP Cần Thơ, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm của Việt Nam còn quá thấp, hiện mới chỉ đạt được 1.100 đồng/người/năm và bằng 1/15 mức đầu tư của Thái Lan.

 

Đại biểu Phi đề nghị Chính phủ cắt kinh phí đầu tư cho an toàn, vệ sinh thực phẩm bằng với các nước trong khu vực hoặc ít ra là không chênh lệch quá xa, đầu tư kinh phí nhằm mua sắm trang thiết bị máy móc kỹ thuật cần thiết cho công tác thanh kiểm tra, kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, đặc biệt là tuyến quận, huyện trở lên như xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm, xe chuyên dùng, kho lưu trữ, kho bảo quản mẫu thực phẩm, lò tiêu hủy... kể cả đầu tư kinh phí cho đào tạo cán bộ, nhất là thanh tra chuyên ngành.


Bộ trưởng Bộ Y tế: “Có những cái làm chưa tốt trước dân cũng rất là day dứt”

 

Giải trình thêm trước các đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã cảm ơn các ý kiến phát biểu thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội, kể cả những ý kiến phê bình gay gắt và những ý kiến chia sẻ, kể cả những ghi nhận những tiến bộ cố gắng trong thời gian qua của các đại biểu.

 

Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Một số thiếu sót là có, nhưng một phần do truyền thông có tính chất dự phòng, do vậy nói gây hoang mang hay nói cách khác gây lo lắng, lo sợ quá, có chỗ, có lúc quá với hiện tại. Ví dụ nói kẹo trộn bột đá, khi nghe tin tôi rất bức xúc và tôi cho thanh tra xuống ngay bởi vì ở ngay Thạch Thất. Khi xuống thì anh em chuyên môn báo cáo về đây là Cacbonat Canxi là một loại muối, một loại phụ gia cho phép sản xuất kẹo, nếu vượt quá thì không được, nhưng trong phạm vi cho phép thì được, nếu nói là bột đá thì ghê quá. Chủ tâm công an vào là phải khởi tố, nhưng công an vào làm sau một tháng không khởi tố được, cuối cùng phải đóng cửa do vệ sinh nơi sản xuất không đảm bảo chứ không phải vì bột đá”.

 

Về nhận trách nhiệm, Bộ trưởng nói: “Căn cứ Pháp lệnh vệ sinh, an toàn thực phẩm của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành thì Quốc hội giao nhiệm vụ cho ngành nào đó thì ngành đó phải chịu trách nhiệm, trong ngành thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm lớn hơn cả, Chính phủ sẽ kiểm điểm. Đương nhiên trong phân công thì như các đồng chí dùng danh từ là nhạc trưởng, nhạc công, thì nhạc trưởng, nhạc công đúng cái gì, sai cái gì và thực sự trong phối hợp đó thì cũng không thể ai làm thay ai được, cũng sẽ được kiểm điểm để làm sao thời gian tới làm tốt hơn. Nhưng đương nhiên một số Bộ trưởng, thành viên Chính phủ cũng có một số tâm tư là trách nhiệm và quyền hạn đôi chỗ còn chưa tương xứng, chưa đồng bộ. Trách nhiệm là vô hạn, nhưng quyền là hữu hạn, chưa nói đến điều kiện hoạt động rất thiếu thốn. Thực sự các thành viên Chính phủ cũng rất là có tự trọng, cũng rất là day dứt, đau khổ khi công việc chưa tốt. Có những cái làm chưa tốt trước dân cũng rất là day dứt, rất là đau khổ chứ không phải là không có trách nhiệm”.

 

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng cũng kiến nghị với Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng chuyên đề của Quốc hội về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng bộ máy nhân lực phải ngang tầm có bộ máy ở Trung ương, tỉnh, huyện và xã; đầu tư phải tập trung, tương xứng với yêu cầu công việc; thiết lập chế tài pháp luật đủ mạnh; công tác tuyên truyền phải đồng bộ, toàn diệnvà phải có cơ chế phải rõ ràng giữa các cơ quan thường trực, các cơ quan phối hợp và phát huy hình thức ban chỉ đạo. Bộ trưởng cho rằng, hình thức ban chỉ đạo của các cấp từ Trung ương đến cơ sở mà y tế là thường trực là thỏa đáng.

 


Theo báo cáo Chính phủ, trong 12 tháng năm 2008, cả nước đã xảy ra 205 vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhỏ làm 7.828 người mắc, số vụ ngộ độc thực phẩm có trên 30 người mắc là 55 vụ với số người mắc là 5.940 người và số người chết là 61 người. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm trung bình là 9,1/100.000 dân, tỷ lệ chết là 0,07/100.000 dân/năm. Số người mắc tập trung trong các vụ ngộ độc xảy ra tại các bếp ăn tập thể, đám cưới/đám giỗ; số người chết tập trung ở các vụ ngộ độc tại các bếp ăn gia đình.

 

Trong khoảng thời gian từ 1/1 đến 15/2 của 2 năm 2008 và 2009 cho thấy: số vụ ngộ độc giảm 22,2%, số mắc giảm 21,5%, số vụ mắc trên 30 người giảm 60%.

 

Thống kê với 5 bệnh truyền qua thực phẩm (Tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn) từ năm 2000 – 2006, trong toàn quốc đã có 6.091.039 người mắc và 115 người chết. Tỷ lệ mắc bệnh giun sán trong cộng đồng rất cao, có hơn 60.000.000 người đang mang giun sán trong người. Bệnh sán lá gan lớn có ở 18 tỉnh, tỷ lệ nhiễm mầm bệnh trong cộng đồng dân cư có nơi tới 37% như Nam Định, Phú Yên. Bệnh sán lá gan nhỏ có ở 24 tỉnh, tỷ lệ nhiễm rất cao như Hà Tây (40%), Thanh Hóa (38%), Nam Định (37%), Ninh Bình (30%), Phú Yên (37%), Bình Định (30%). Bênh sán lá phổi có ở 8 tỉnh phía Bắc là Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn và Nghệ An với tỷ lệ tới 15%. Bệnh sán lá ruột có ở 11 tỉnh với khoảng 4.000 người mắc. Các bệnh giun đũa, giun xoắn, giun kim, bệnh ấu trùng sán, giun... còn phổ biến trong nhân dân.

 

Về quản lý VSATTP trong quá trình sản xuất lương thực, rau quả; trong nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm: Đến hết năm 2008, đã có 43 tỉnh, thành phố trong cả nước tiến hành quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (RAT). Diện tích RAT đạt khoảng 60 nghìn ha (bằng 8,5%) tổng diện tích rau cả nước (705 nghìn ha). Trong đó có 92 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT với diện tích 2.476 ha. Sản xuất chè an toàn đạt 1377 ha trên tổng số 41.751 ha, có 02 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất chè an toàn với diện tích 75 ha. Diện tích sản xuất quả an toàn đạt 15.648 ha trên tổng số 74.942 ha.

 

Theo kết quả điều tra VSATTP trên rau, quả tại 4 tỉnh và thành phố (Hà Nội, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, thành phố Hồ Chí Minh) trong Quý 3-4/2008 của Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (Bộ NN&PTNT): trong 154 mẫu rau cải, rau muống có 20 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép (MRLs), chiếm 13%  tổng số mẫu; trong 60 mẫu nho, cam, táo có 3 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá  giới hạn cho phép và không phát hiện dư lượng thuốc BVTV cấm sử dụng edosulfan trong rau, quả.

 

Về công tác quản lý giết mổ tập trung: Theo đánh giá số lượng gia súc, gia cầm giết mổ trong năm 2008 được kiểm soát giết mổ chỉ chiếm tỷ lệ là 58,1%.

 

Về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và sử dụng thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố: tính đến ngày 31/12/2008, toàn quốc có 48 tỉnh có báo cáo xây dựng phường điểm vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn đường phố với 665 phường, trong đó có 9.566/57.894 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (16,5%).

 

Về xử lý hình sự, trong 5 năm 2004-2008, các tòa án đã thụ lý 160 vụ vi phạm trong lĩnh vực VSATTP (chiếm 0,05% tổng số vụ án hình sự đã thụ lý), đã xét xử 152 vụ với 281 bị cáo (đạt tỷ lệ giải quyết xử 95% số vụ và 96% số bị cáo).



Nguồn: www.hanoimoi.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường