Thưa ông, hiện tại chúng ta đã có những kế hoạch, chiến lược cụ thể nào cho việc trồng và phát triển nguồn tài nguyên rừng trong năm 2011 và những năm tiếp theo?
Năm 2011, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 2 triệu hecta rừng còn lại, hoàn thiện dự án trồng mới 5 triệu hecta. Thế nhưng, có một điểm khác là năm nay ngân sách nhà nước cắt giảm xuống chỉ còn 700 tỷ đồng. Con số này chỉ có thể đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang triển khai kế hoạch như Chính phủ đã giao. Cụ thể là, tập trung trồng diện tích còn lại của năm trước, chú trọng công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, tránh trồng rừng dàn trải. Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn ngân sách địa phương và vốn hỗ trợ ODA để khuyến khích trồng rừng, huy động xã hội hóa trong đầu tư quản lý rừng. Ở một số địa phương như Sơn La, Lâm Đồng…, sẽ quán triệt việc thực hiện nhiệm vụ chi trả phí môi trường rừng.
Thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện chiến lược này là gì, thưa ông?
Đương nhiên việc triển khai nhiệm vụ này sẽ rất khó khăn, vì trong giai đoạn 1990 - 2010, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển trồng rừng bằng nguồn kinh phí đầu tư của Chính phủ, trong khi bây giờ bị cắt giảm nhiều. Chúng ta lại chưa có điều kiện chuẩn bị trước như năm ngoái.
Bên cạnh đó, giữa việc cấp đất, thuê đất, giao đất và giao rừng cũng còn nhiều bất cập. Trách nhiệm trong cấp đất còn chồng chéo, chưa rõ ràng và ngành Nông nghiệp chỉ chịu trách nhiệm đối với tài sản trên rừng đó.
Được biết, hiện các DN đang rất "tha thiết" với việc thuê đất trồng rừng vì đây là mục tiêu để phát triển bền vững. Tuy nhiên, họ cũng gặp phải không ít khó khăn trong thủ tục pháp lý. Ông có nhận xét như thế nào về vấn đề này?
Thực ra, cơ quan đầu mối cấp đất cho các DN trồng rừng, thu hút đầu tư phát triển là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ là cơ quan phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, nếu nói các DN gặp khó khăn trong thủ tục pháp lý cấp phép trồng rừng là không đúng. Thực tế là đất rừng của ta manh mún, không tập trung khiến các DN rất khó trong việc tìm kiếm nguồn đất để quy hoạch trồng rừng.
Điều quan trọng nhất đối với việc phát triển rừng bền vững hiện nay là phải có sự liên doanh, liên kết giữa DN và người trồng rừng. Vì rừng là sở hữu toàn dân. Thế nhưng thực tế là bằng cách nào đó, các địa phương đang chuyển quyền sử dụng ấy cho tư nhân mà chưa đánh giá đầy đủ về hiệu quả và tác động dân sinh, môi trường... Tất cả các bãi biển đẹp nhất hầu như đều thuộc về các resort. Điều này là bất hợp lý. Nếu tiến hành mua đất, mua rừng thì đương nhiên chúng ta đang tước đi quyền của người dân. Vì thế, theo tôi, cách tốt nhất là hợp tác, liên doanh liên kết giữa DN và nông dân. Cần có cơ chế khuyến khích để DN mạnh dạn làm việc này và thực tế đã có kết quả tốt. Ví dụ như Công ty cổ phần Minh Sơn (Lai Châu) đã liên doanh, liên kết với nhiều hộ nông dân trồng được mấy nghìn hecta rừng, được bà con ủng hộ nhiệt tình.
Ngoài khó khăn về nguồn đất manh mún, không tập trung, các DN còn gặp phải những khó khăn gì?
Thực ra, đối tượng DN gặp khó khăn nhiều nhất chính là các công ty lâm nghiệp. Thứ nhất, các công ty này vẫn chưa thích ứng với cơ chế, môi trường sản xuất kinh doanh mới. Một số công ty chỉ quản lý rừng tự nhiên là rừng sản xuất, nhiều năm nay không được giao chỉ tiêu khai thác, không được hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng nên không thực hiện được việc quản lý bảo vệ rừng, dẫn tới rừng có chủ nhưng lại như vô chủ.
Thứ hai, cơ chế quản lý đối với hoạt động của công ty lâm nghiệp còn nhiều bất cập, khó tách bạch giữa hoạt động kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ công ích. Các công ty lâm nghiệp với mục tiêu chính là sản xuất kinh doanh và quản lý bảo vệ, mà chủ yếu là rừng sản xuất, nhưng trên thực tế không phải mọi diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất đều có thể kinh doanh hàng năm.
Thứ ba, vấn đề tài chính trong các công ty lâm nghiệp còn nhiều bất cập, nhiều nơi không dám nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do không có đủ khả năng trả tiền sử dụng đất hàng năm theo quy định của Luật Đất đai. Cho đến nay, hầu như chưa có công ty lâm nghiệp nào trên cả nước trả tiền thuê đất.
Để khắc phục được những khó khăn đó, Bộ và các ban ngành, địa phương cần có những giải pháp gì, thưa ông?
Theo tôi, vấn đề đầu tiên là phải khuyến khích người dân và DN giữ gìn, phát triển rừng. Tuy nhiên, để làm được điều này thì chính sách hỗ trợ cần phải thay đổi. Vì thực tế đã có tình trạng "xí" đất, chạy dự án, đầu cơ đất ven biển để trục lợi... bất chấp việc ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Mặt khác, cơ quan Nhà nước cùng các địa phương cần phải có sự đồng thuận rất lớn. Dưới góc độ các doanh nghiệp phải xem bảo vệ môi trường rừng là trách nhiệm. Về phía các cơ quan chuyên môn phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp trồng và bảo vệ rừng, đồng thời tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ chuyên môn; thu hút nguồn vốn đầu tư ODA, hỗ trợ kỹ thuật. Các địa phương cần phải có sự phối hợp cụ thể để kiểm tra tài nguyên rừng, xác định cụ thể các chủ rừng, đánh giá được hiện trạng rừng và xây dựng được hệ số K (hệ số hiệu chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng). Nếu không có sự hợp tác chặt chẽ giữa bốn bên: Nhà nước, cơ quan chức năng địa phương, doanh nghiệp và hộ trồng rừng thì sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu phát triển rừng bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kinh tế nông thôn