Theo ông Phương, thật ra, liên kết bốn nhà là công thức, chủ trương là tốt và chúng ta vẫn đang thực hiện. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đề xuất, nên tập trung vào hai nhà là doanh nghiệp và nông dân, trong đó doanh nghiệp là trung tâm, tiêu điểm. Nhà nước, nhà khoa học thông qua doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân.
Ví dụ, lâu nay, các đề tài nghiên cứu khoa học thường thiếu kinh phí để triển khai ứng dụng. Khi nhà khoa học có đề tài nghiên cứu, phải liên hệ với doanh nghiệp, tốt nhất là doanh nghiệp đặt hàng nhà khoa học, giống như giáo dục có địa chỉ.
Các đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, do doanh nghiệp đặt hàng. Chẳng hạn, hiện nay nước mặn đang xâm nhập sâu, ảnh hưởng môi trường nuôi, chất lượng cá tra thì các nhà khoa học cũng nên nghiên cứu vấn đề này.
|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương |
Ở đây, nên tìm cách cho giống cá bố mẹ thuần mặn, rồi sau đó nhân giống ra con, cháu. Ban đầu cá tra có thể nuôi trong môi trường tỷ lệ mặn 3 phần nghìn, tiến tới có thể 7 phần nghìn, thậm chí 10 phần nghìn. Doanh nghiệp đặt hàng, cấp kinh phí đầu tư cho các nhà khoa học, bên cạnh đó, nhà nước sẽ hỗ trợ một phần. Trong chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, chủ trương là phải để nông dân có lãi, còn mức lãi thế nào thì không định ra chỉ tiêu cụ thể. Nuôi cá tra có giá trị lớn hơn trồng lúa, trung bình 300 - 400 tấn/ha, nông dân được 10% lợi nhuận cũng tốt rồi.
Quy mô nuôi trồng thủy sản hiện nay của người dân thế nào, thưa ông?
Nông dân nuôi trồng thủy sản rất đông, nhưng quy mô nhỏ lẻ, không hiệu quả. Cần kêu gọi nông dân vào hợp tác xã, vì tập thể, cộng đồng, nâng cao ý thức làm ăn mới hiệu quả.
Vừa qua, chất lượng thức ăn chăn nuôi có ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm thủy sản?
Đó là việc sử dụng chất tăng trọng trong thức ăn nuôi trồng, sử dụng hóa chất kháng sinh trong quá trình nuôi, có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Vừa qua, Bộ đã cho thanh tra, công bố những nhà máy sản xuất thức ăn nuôi có melamine, chất đạm giả, đối với một số doanh nghiêp làm ăn gian dối.
Ông có khuyến cáo gì để tránh rủi ro cho người nuôi trồng?
Để tránh rủi ro, cá, tôm phải nuôi trong nguồn nước tốt, nhất là nuôi cá. Diện tích nuôi nên nằm trong quy hoạch, vì khi quy hoạch đã tính đến điều kiện an toàn cho người nuôi. Thứ nữa là phải liên hệ với doanh nghiệp chế biến để thông hiểu thị trường, không nên tự làm khi chưa hiểu thị trường.
Người nuôi phải trải qua lớp tập huấn kỹ thuật, qua lớp khuyến nông, khuyến ngư vì còn nhiều nông dân nuôi trồng chưa hiểu về kỹ thuật nuôi. Mặt khác, khó khăn nhất với hộ nuôi cá là tìm được giống tốt, bảo đảm an toàn dịch bệnh, giảm hao hụt.
Ông có nhận định gì về thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm nay?
Một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật… đang có nhiều tín hiệu tốt. Theo tôi, 6 tháng đầu năm chúng ta khó khăn nhưng sang tháng thứ 7 sẽ tăng trở lại theo đà phục hồi kinh tế. Năm nay có thể đạt kim ngạch 4,5 tỷ USD.