Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cầu nối thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt hiệu quả
16 | 12 | 2011
Tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức tọa đàm với các tham tán, tùy viên để xác định rõ vai trò to lớn của tham tán thương mại trong việc thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại, cảnh báo các rào cản thương mại và biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng nông, lâm, thủy sản, Tính đến thời điểm hiện tại.
Việt Nam có 59 Thương vụ và 7 chi nhánh ở các khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, châu Phi, Tây Á – Nam Á, châu Mỹ. Hoạt động của các thương vụ này tại các nước đã giữ vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng nông sản nói riêng.
Chia sẻ với các doanh nghiệp và Bộ Nông nghiệp và PTNT, các tham tán đều cho biết, hiện nông sản của Việt Nam ra nước ngoài không chỉ đối mặt với các yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn là các quy định về hạn ngạch, cạnh tranh của doanh nghiệp bản địa. Vì thế, trong năm tới Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục thúc đẩy việc ký kết và thực hiện Hiệp định công nhận lẫn nhau về vệ sinh an toàn thực phẩm, các thỏa thuận liên quan đến điều kiên kỹ thuật hàng nông sản với các nước mà trong đó tập trung vào khu vực Nga - SNG và các nước Trung Đông, Tây Á, châu Phi...
Đối với các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Nga và các nước SNG, ông Vũ Văn Quang, Tham tán thương mại Thương vụ tại Nga lưu ý, Nga và các nước SNG là một thị trường lớn, dân số đông nên để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam vào các nước này trong năm 2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công Thương cần có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích để các doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng này. 
Ông Quang cũng lưu ý, trước mắt trong năm 2012-2013 cần tập trung vào 4 thị trường lớn là Ucraina, Belarus, Uzbekistan và Liên bang Nga. Đồng thời với đó, các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng cần phải làm việc với cơ quan hữu quan liên bang Nga và Ucraina dỡ bỏ quy định đối với việc hạn chế số lượng doanh nghiệp được xuất khẩu cá tra vào 2 thị trường này. Đồng thời, cần tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của Việt Nam liên quan đến quản lý xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy sản và các đối tác hữu quan của các nước SNG...
Với những vụ kiện liên quan đến hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ, Tham tán Mỹ Đào Trần Nhân khuyến cáo: doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý đến 2 yếu tố là giá và khối lượng hàng xuất khẩu. Giá thì không được quá thấp, còn khối lượng hàng xuất lại không được tăng đột biến. Vì nếu vi phạm thì chính là doanh nghiệp sẽ tạo cớ cho cơ quan chức năng Mỹ khởi kiện bán phá giá. Ngoài ra, khi xuất khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp cũng cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mới đây, phía Mỹ đã đề ra đạo luật mới là đạo luật về hiện đại hóa vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), dự kiến sẽ áp dụng từ đầu năm 2012. Do vậy, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã cảnh báo đối với phía Bộ Nông nghiệp và PTNT để cảnh báo cho doanh nghiệp đồng thời đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT phổ biến đến các doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhận được hỗ trợ tích cực, đắc lực và hiệu quả của tham tán thương mại, giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ tạo đầu ra cho nông sản, đặc biệt là về xúc tiến thương mại, đấu tranh xử lý hàng rào thương mại. Thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường các nước được đẩy mạnh hơn nữa, Bộ Nông nghiêp và PTNT hy vọng nhận được sự hợp tác hơn nữa của các tham tán, tùy viên thương mại đang hoạt động tại các quốc gia trên thế giới.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường