Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đẩy mạnh liên kết nhóm trong chăn nuôi bò sữa
01 | 12 | 2011
Việc phát triển đàn bò sữa trong giai đoạn vừa qua góp phần rất lớn vào thành tích chung của ngành nông nghiệp thành phố. So với các ngành chăn nuôi khác trong thời gian qua chăn nuôi bò sữa phát triển khá nhanh và ổn định. Việc xây dựng các mô hình cơ giới hoá trong chăn nuôi mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Nhiều hộ gia đình kinh tế phát triển khá và giàu lên từ việc nuôi bò sữa.
Thay vì phát triển số lượng đàn bò, các hộ chăn nuôi ở TP.HCM và các tỉnh lân cận nên tăng cường việc nuôi tập trung, ứng dụng các thiết bị công nghệ trong trồng cỏ và vắt sữa, đồng thời tăng cường liên kết nhóm để nâng cao sản lượng và chất lượng sữa. Thống kê của Sở NN&PTNT TP.HCM, sau 5 năm (2006-2010) thực hiện chương trình mục tiêu phát triển bò sữa trên địa bàn TP.HCM, hiện tổng đàn bò sữa của TP.HCM ước khoảng gần 80.000 con, tăng trưởng về số lượng ở mức 8,3%/năm. Năng suất sữa hiện nay khoảng 5.400 kg/con/năm (tăng trưởng 6%/năm).
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, trước nhu cầu tiêu thụ sữa ngày càng cao của người dân thì trong thời gian tới ngành chăn nuôi bò sữa của TP.HCM sẽ vẫn là ngành kinh tế nông nghiệp có nhiều tiềm năng và hấp dẫn người dân cũng như các DN. Tuy nhiên , từ thực tế cho thấy việc giá sữa trên thị trường luôn biến động khiến cho người chăn nuôi gặp không ít khó khăn, “Người chăn nuôi bò sữa ở TP.HCM chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ dân không chủ động được nguồn thức ăn mà phải mua từ các đại lý, thậm chí một số hộ dân còn thuê người vắt sữa với giá 400 đồng/kg nên tính ra giá thành sản xuất 1kg sữa tại TP.HCM cao hơn các nơi khác 30%, còn lợi nhuận thấp hơn các tỉnh lân cận tới 70%”-ông Phụng nói. Theo tính toán của ông Phụng, nếu nuôi nhỏ lẻ như hiện nay thì một hộ nuôi bò phải nuôi ít nhất 20 con thì mới có lãi còn nếu chỉ nuôi 5-10 con để cải thiện kinh tế gia đình thì khả năng thua lỗ là chắc chắn.
Ông Hồ Mộng Hải, chuyên viên Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng ngành chăn nuôi bò sữa ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng con giống và kiến thức chăn nuôi. Hầu hết giống bò sữa hiện nay đều đi theo hướng nhập tinh từ những dòng ưu tú có năng suất từ 9.000-13.000 kg/con/năm về thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên kết quả không như kỳ vọng. Từ năm 2006 đến nay TP.HCM nhập khoảng gần 30.000 liều tinh cao sản nhưng năng suất sữa lứa đầu chỉ đạt hơn 5.000 kg/con/năm. Thêm vào đó việc nuôi phân tán gây khó khăn và thất thoát trong việc thu mua, vận chuyển sữa. Thói quen nuôi nhốt do điều kiện chật hẹp về diện tích cũng khiến đàn bò bị stress, bò cái thụ thai với tỷ lệ thấp và năng suất sữa chậm được cải thiện so với tính toán trong kế hoạch tiềm năng.
Theo ông Lưu Văn Tân, Trưởng bộ phận phát triển ngành sữa của Công ty FrieslanCampina Việt Nam, để có hiệu quả kinh tế trong việc nuôi bò sữa người chăn nuôi cần tổ chức liên kết nhóm nhằm giảm bớt các chi phí đầu vào. Ông Tân cho rằng hiện nay do tốc độ đô thị hoá nhanh nên các vùng nuôi bò sữa tập trung ờ các quận huyện ven TP.HCM như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh không còn lợi thế cạnh tranh như trước nữa. Nếu tiếp tục phát triển đàn nhỏ lẻ trong bối cảnh giá đất, giá nhân công và các loại thức ăn chăn tăng liên tục thì chuyện lỗ vốn là điều khó tránh khỏi.
Theo ông Tân, bà con chăn nuôi nên tổ chức liên kết với nhau theo phương thức tổ hợp tác. Tổ chăn nuôi này sẽ có đại diện đứng ra ký hợp đồng mua thức ăn (cám, bã sắn, hèm bia…) với các nhà cung cấp lớn nhằm giảm bớt các tầng nấc trung gian. Khảo sát của công ty FrieslanCampina Việt Nam cho thấy, ở đại đa số các vùng nuôi tại TP.HCM khi thức ăn cho bò sữa được đưa đến hộ dân đều quả từ 2-3 cấp trung gian. Do đó chi phí bị đội lên khoảng 10-20% . Thêm vào đó, ông Tân khẳng định rằng khi chăn nuôi theo nhóm việc giao sữa cho DN sẽ thuận tiện hơn, chất lượng sữa đảm bảo đồng đều và giá mua ổn định hơn so với các hộ giao nhỏ lẻ. Một số mô hình nhóm chăn nuôi được công ty tổ chức tại địa bàn huyện Củ Chi cho thấy giá sữa của các nhóm giao luôn có giá cao hơn từ 300-400 đồng/kg so với các hộ giao riêng lẻ.
Nhấn mạnh ý hợp tác giữa DN kinh doanh ngành sữa với bà con chăn nuôi, ông Đỗ Kim Tuyên (Phòng Gia súc lớn-Cục Chăn nuôi) cho rằng hiện nay mối liên kết giữa DN và người nuôi khá lỏng lẻo. Mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã-nơi mà người chăn nuôi có thể yên tâm vì được bao tiêu sản phẩm là chưa phổ biến ở Việt Nam. Thời gian qua cũng có một số DN như công ty sữa Mộc Châu, Công ty Phù Đổng Milk áp dụng thực hiện, nhưng quy mô còn tương đối hạn chế.
Đại diện phía người chăn nuôi, ông Trần Hoàng An, Giám đốc HTX Evergrowth cho rằng nhà nước cần có chính sách ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển chăn nuôi. Vì thực tế những HTX luôn muốn mở rộng quy mô nhưng hạn chế về vốn nên không thể phát triển được. Theo ông An, khi muốn phát triển mô hình nuôi lớn vấn đề con giống luôn được đặt nặng. Vì thế Nhà nước cần tháo gỡ những trở ngại về hiệp định thú y với các đối tác nước ngoài, tạo điều kiện để các DN, các HTX nhập bò sữa cao sản có năng suất, chất lượng tốt. Ngoài ra, ông An cũng cho rằng Hội nông dân các địa phương cần tổ chức hướng dẫn các tổ hợp nuôi, các nông hộ chăn nuôi theo quy trình GAP để đảm bảo tốt quy trình sản xuất sữa sạch, hạn chế phá vỡ các cam kết với phía DN tiêu thụ sữa theo hợp đồng.
Trong giai đoạn 2011-2015 TP.HCM dự kiến triển khai 9 dự án phát triển ngành chăn nuôi bò sữa với tổng kinh phí là 120,7 tỷ đồng. Trong đó hơn 60,3 tỷ đồng lấy từ ngân sách Nhà nước, số còn lại huy động từ phía DN và người chăn nuôi. Các dự án như “Dự án nhập nội và cải thiện giống bò sữa trên địa bàn TP.HCM”, “Dự án tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hoá ngành chăn nuôi bò sữa” và “Chương trình Tăng cường công tác thú y và kiểm soát dịch bệnh trên đàn bò sữa” sẽ là những dự án được ưu tiên thực hiện sớm với mức đầu tư lớn.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường