Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hướng nông dân vào sản xuất lớn
10 | 08 | 2011
"Muốn bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) thành công thì trước hết người nông dân phải được hướng dẫn sản xuất theo quy trình".

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hồ Xuân Hùng tại cuộc tọa đàm trực tuyến về Bảo hiểm nông nghiệp-chỗ dựa của nhà nông diễn ra tại Hà Nội hôm qua (9.8).

Còn mù mờ về bảo hiểm nông nghiệp

Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm BHNN tại 21 tỉnh, thành phố đã chính thức có hiệu lực từ 1.7.2011. Từ đó đến nay, Bộ NNPTNT đã công bố 3 văn bản lớn để người nông dân nắm rõ thế nào là thiên tai, thế nào là dịch bệnh, thế nào là quy mô sản xuất hàng hóa để được BH.

Bộ này cũng đã mời tất cả các tỉnh trong diện thí điểm tham gia tập huấn, định hướng cho các địa phương này về BHNN để họ hướng dẫn tới nông dân... Tuy nhiên, tại cuộc tọa đàm này, ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) nhìn nhận, đến nay nhận thức của nông dân về BHNN vẫn rất "mù mờ".

Người nông dân đến nay vẫn chưa hiểu được ai sẽ bảo hiểm sản phẩm cho họ, thủ tục để được tham gia bảo hiểm như thế nào, ai là cơ quan tư vấn giúp đỡ, nếu xảy ra thiên tai, tranh chấp thì báo cho ai và nông dân phải làm thế nào để được BH?!

Ông Nguyễn Quang Phi - Phó Tổng giám đốc Công ty BH Bảo Việt, một trong những DN được chỉ định thực hiện thí điểm BHNN lần này nêu một thực tế: Điều quan trọng nhất hiện nay là nông dân phải được hiểu thật kỹ về BHNN.

Nếu trước đây chúng ta BH mọi rủi ro của nông nghiệp thì lần này với cây lúa chúng ta chỉ BH theo sản lượng, theo đó ưu tiên bồi thường cho những thảm họa. Hay với thủy sản chúng ta cũng lấy cấp xã làm cơ sở đánh giá để bồi thường rủi ro... Do vậy, trước hết các địa phương phải tập huấn cho cán bộ cấp xã, sau đó là đến người nông dân để họ hiểu được chính sách BH của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hồ Xuân Hùng cũng cho biết, 21 tỉnh được lựa chọn thí điểm BHNN lần này đại diện cho sản xuất hàng hóa, sản xuất vùng rất rõ. Mỗi tỉnh sẽ chỉ chọn một vài địa bàn để thực hiện BH. Trong thiết kế sản phẩm bảo hiểm, DN sẽ đến tận các xã, thôn để bán BH cho nông dân, người dân sẽ không phải đi lại mất công sức.

Sản xuất theo tiêu chuẩn...

Đã có rất nhiều thắc mắc được đặt lên bàn của các diễn giả tham gia cuộc tọa đàm này. Ví dụ như nông dân mua một con bò hết 9 triệu đồng không may rủi ro con bò bị chết thì có được BH 100% vốn mua con bò đó không? Hay diện tích trồng lúa của một hộ dân chỉ có 1 sào thì có được tham gia BH không?

Ông Hồ Xuân Hùng cho rằng, BHNN sẽ phải theo hợp đồng nên quyền lợi và trách nhiệm đã được quy định trong các quy tắc BH. Nông dân không thể được BH 100% vốn mà chỉ được hỗ trợ một phần, tùy thuộc rủi ro. Nếu diện tích lúa nằm trong vùng được bảo hiểm thì 1 sào hay nửa sào đương nhiên được tham gia BH.

Với BHNN lần này thì thủy sản, trồng trọt sẽ dễ thực hiện song chăn nuôi thì đang rất phức tạp. Bộ sẽ xuống các địa phương cùng nông dân tham gia các hợp đồng bảo hiểm, ít nhất cũng phải tháng 9 mới bắt đầu được ký kết.

Ông Tăng Minh Lộc nói: "Đã tham gia BH thì nông dân phải sản xuất theo quy trình". BH không chỉ có chức năng đền bù rủi ro mà còn giúp đỡ nông dân sản xuất tốt hơn, bởi nếu cứ để dịch bệnh tràn lan thì BH cũng không đền bù nổi.

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cũng nhấn mạnh: Để tham gia bảo hiểm, nông dân phải sản xuất theo quy trình. 5 năm qua, Bộ NNPTNT đã ban hành các quy trình sản xuất, trồng trọt theo tiêu chuẩn. Nhiều ngành như lúa, thủy sản đang ngày càng áp dụng quy trình sản xuất này.

"Việc thí điểm BHNN lần này đã chọn DN lớn, tin cậy cấp chính quyền địa phương thì địa phương sẽ phải có trách nhiệm giúp dân hạn chế rủi ro, chứ không phải kiểu trâu ốm thì mong cho nó chết để được nhận BH" - ông Hùng bổ sung.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường