Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng trưởng xuất khẩu năm nay có thể âm
08 | 06 | 2009
Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP của Việt Nam hiện đã đạt 71,1% (năm 2008). Do tỷ lệ này cao nên xuất khẩu cũng là lĩnh vực bị tác động trực tiếp nhất, lớn nhất từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đã có chuyên gia đặt câu hỏi với Bộ Công Thương về việc trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu từ 13% xuống còn 3%. Tuy nhiên, ngay với mục tiêu đã điều chỉnh cũng không dễ đạt được.

Nguyên nhân chính như sau:

- Yếu tố giá tăng làm cho kim ngạch xuất khẩu 2008 tăng cao (tăng khoảng 4 tỉ đô la Mỹ) năm nay sẽ không còn. Tương tự, việc tranh thủ tình hình giá tăng để tái xuất hàng nhập khẩu (như sắt thép, kim loại quý, phân bón, xăng dầu...) như năm ngoái (mang lại khoảng 2 tỉ đô la) cũng đã hết.

Theo thống kê, giá cả xuất khẩu bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Năm tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu dầu thô giảm 54,3%, giá cà phê giảm 27,7%, giá cao su giảm 43%, giá gạo giảm 16,1%, giá tiêu giảm 34,5%, giá hạt điều giảm 15,3%, giá than giảm 2,3%, giá trà giảm 3,5%.

Tính chung, chỉ riêng tám mặt hàng trên, tổng mức thiệt hại về giá đã lên đến khoảng 4 tỉ đô la, bằng 47,3% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này trong năm tháng cùng kỳ năm trước.

- Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam năm nay do kinh tế bị suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên bị sụt giảm mạnh. Chỉ tính riêng trong quí 1-2009 kim ngạch xuất khẩu qua bốn thị trường lớn là Mỹ, EU, ASEAN và Nhật chỉ đạt 7,9 tỉ đô la, giảm hơn 2,2 tỉ đô la hay giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

- Ngoài ra, việc thắt chặt tín dụng của ngân hàng các nước đã làm cho khách hàng nhập khẩu yêu cầu trả tiền chậm, thậm chí có khách hàng còn ngừng đặt hàng. Mặt khác, hàng xuất khẩu của Việt Nam lại bị cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn với hàng xuất khẩu cùng loại của các nước khác do nhiều yếu tố như lãi suất vay thấp hơn; Mỹ bỏ hoàn toàn hạn ngạch dệt may đối với Trung Quốc...

Trong khi đó, hàng rào kỹ thuật để bảo hộ hàng sản xuất trong nước của các nước xuất hiện nhiều hơn khiến hàng xuất khẩu đã gặp khó nay càng khó hơn.

- Một nguyên nhân khác là năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, khoáng sản của Việt Nam đã đến ngưỡng hoặc khó có khả năng tăng trưởng cao. Chẳng hạn việc khai thác dầu thô, than đá sẽ khó khăn hơn, theo hướng tiết kiệm tài nguyên và sẽ được để lại sử dụng chế biến trong nước nhiều hơn.Trong bối cảnh khó khăn như vậy, có khả năng xuất khẩu năm nay khó đạt được tăng trưởng dương.



Nguồn: www.thesaigontimes.vn
Báo cáo phân tích thị trường