Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
CPI một tiến, hai lùi
27 | 10 | 2008
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đến nay như những đợt sóng, trào dâng rồi lại chìm xuống, cứ tiến lên một tháng lại lùi hai tháng.
Không còn dao động nhẹ, không theo quy luật là đặc trưng của chỉ số giá năm nay. Bước sóng của CPI 10 tháng đầu năm 2008 có độ “biến” khá cao, từ đỉnh 3,91% của tháng 5 đến mức âm 0,19% của tháng 10, có nghĩa là giao động trong khoảng trên 4%. Điều này cho thấy những bất định và khó lường của “những con số biết nói” - CPI.

3 lần đột biến

3 đỉnh cao của các đợt dâng “sóng” CPI rơi vào tháng hai, tháng năm và tháng 8, một điều bất thường so với mọi năm, khi CPI tăng dần trong giai đoạn từ đầu năm dương lịch đến tháng Tết âm lịch, sau đó giảm dần và bắt “đà” tăng lên vào 3-4 tháng cuối năm.

Quay trở lại CPI năm nay, vào thời điểm tháng 2, khi thị trường tiêu thụ tăng mạnh do nhu cầu mua sắm Tết, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng đã tăng mạnh và tạo thành bước sóng đầu tiên của năm.

Giá tiêu dùng tháng 2/2008 tăng 3,56% so với tháng trước đó do được “hỗ trợ” bởi các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng ở mức 6,18%. Khi “dẫn dắt” chỉ số giá lần thứ nhất, giá thực phẩm tăng 7,53%, ăn uống ngoài gia đình tăng 5,7%, lương thực tăng 3,25%.

Nhưng đến đợt hai vào tháng 5 (CPI tăng 3,91%), giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng tới 7,25%, trong đó lương thực tăng đột biến ở mức 22,19%; giá thực phẩm tăng 2,28%. Nhiều nhóm hàng hoá và dịch vụ khác bị “đà kéo” này tác động đã tăng phổ trên 1% đến dưới 2%.

Sự tăng đột biến của giá lương thực tháng 5 được tạo thành do sức ép giá lương thực thế giới tăng cao. Tại thời điểm nguồn cung trong nước chưa dồi dào, việc cho phép xuất khẩu gạo đã tác động mạnh đến giá trong nước.

Có chuyện mua gom hàng để xuất khẩu, nhưng cũng có chuyện tư thương găm hàng và tung tin thất thiệt để đẩy giá lên cao. Một nguyên nhân nữa cũng đã được nhìn nhận là từ lâu chúng ta đã buông lỏng quản lý hệ thống phân phối, để ngỏ cho tư thương thao túng.

Còn đợt “sóng” mới nhất rơi vào tháng 8, khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,56% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 1,13% của tháng 7. Việc tăng tới 4.500 đồng/lít xăng và 3.900 đồng/lít dầu vào ngày 21/7 đã tác động trực tiếp đến chất đốt và dịch vụ vận tải, khiến nhóm phương tiện đi lại, bưu điện tăng mạnh ở mức 9,07%. Vẫn còn “dư chấn” đến tận bây giờ, khi xăng và dầu đều chưa được “đặt” về mức giá cũ.

Vẫn còn đó nguy cơ

Sau ba lần đột biến của chỉ số giá, mức tăng âm 0,19% của tháng 10 có thể xem là ấn tượng, mặc dù được thiết lập trên một mặt bằng đã quá cao (so với tháng 10/2007 đã tăng 26,72% và so với tháng 12/2007 đã tăng 21,64%).

CPI giảm trong “chu kỳ” hai tháng qua chủ yếu do giảm giá lương thực và xăng dầu, những mặt hàng đã tăng giá quá cao trước đó.

Do là hai hàng hoá quan trọng và thiết yếu, tác động giảm giá đợt này đã làm giảm chi phí đầu vào của nhiều hàng hoá, dịch vụ xã hội khác, khiến số các nhóm hàng hóa dịch vụ thiết yếu trong rổ tính CPI đã giảm tốc độ tăng, một số nhóm giảm âm (mức tăng cao nhất so với tháng trước chỉ 0,85%).

Tuy nhiên, vấn đề là xu hướng này có kéo dài trong 2 tháng tới, hay lại theo quy luật của năm nay, CPI sẽ bật lên sau hai tháng giảm?

Nếu nhìn vào giá cả hàng hoá, rất nhiều mặt hàng tiêu dùng chính yếu đang tạo xu hướng giá giảm như lúa gạo, sắt thép, xi măng, xăng dầu, cao su, tiêu, điều, thuỷ sản... Tuy nhiên, xu hướng bền vững hay không bền vững rất khó đoán, trong điều kiện bất thường của giá hàng hoá.

“Độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá lớn, nếu tính tổng xuất nhập khẩu cộng lại, so với GDP thì có thể cho là độ mở nền kinh tế đạt 160%. Tác động từ bến ngoài vào, vì thế sẽ nhanh và mạnh”, ông Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Trong một báo cáo mới đây của Tổ điều hành thị trường trong nước, phân tích tình hình, các chuyên gia nhận định: “Kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp; khủng hoảng tài chính và lạm phát mang tính toàn cầu; nhu cầu tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu và hàng hoá tiếp tục có những biến động, giá một số loại hàng hóa (nhiên liệu, khí đốt, phôi thép...) trong xu hướng giảm nhưng cũng có nhiều loại hàng hóa giá vẫn ở mức cao sẽ tác động vào sản xuất và giá cả trong nước”.

Theo dự báo, tháng 11 vẫn có khả năng xảy ra bão, mưa lũ lớn ở miền Trung, miền Nam, triều cường lên cao ở vùng ĐBSCL nên giá lương thực, thực phẩm và một số hàng hóa sinh hoạt thiết yếu có thể tăng trên một số địa bàn.

Hơn nữa, theo quy luật hàng năm, trong hai tháng cuối năm, sức mua xã hội sẽ tăng cao do các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bắt đầu mua gom hàng để sản xuất và chuẩn bị lực lượng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổ điều hành dự báo: "Chỉ số giá tháng 11 tăng tối đa khoảng 0,2% so với tháng 10/2008". Nếu vậy, ”nhịp” một tăng, hai giảm của CPI năm 2008 có thể còn kéo dài.



Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường