Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vụ nông dân khốn đốn vì phân dỏm: Lỗ hổng ở khâu quản lý
26 | 10 | 2008
Trước một “rừng” phân bón chất lượng hư hư thực thực, nông dân thật sự hoang mang vì không biết đâu là thật, đâu là giả, ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho mình? Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón đã lợi dụng kẽ hở trong quản lý để làm ăn gian dối, trục lợi trên mồ hôi nước mắt nông dân.
>> “Thúi ruột” với phân dỏm
>> Mua nhầm phân bón giả

Theo Hiệp hội Phân bón VN, hiện có khoảng 200 tổng công ty, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón đang “làm mưa làm gió” trên thị trường phân bón. Số liệu của Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy từ đầu năm 2008 đến nay đã phát hiện và xử lý hơn 200 vụ vi phạm với số lượng phân bón các loại bị tạm giữ trên 2.000 tấn.

Sản xuất bằng công nghệ... cuốc, xẻng

Ông Lê Quốc Phong - phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN - cho biết từ đầu năm 2008, khi giá phân tăng cao, các DN sản xuất phân bón đua nhau ra đời. Lợi dụng việc cấp phép quá dễ dãi, nhiều DN cho ra “lò” hàng loạt sản phẩm phân bón kém chất lượng được sản xuất bằng công nghệ… cuốc, xẻng. Theo ông Phong, một dây chuyền chế biến phân bón hiện đại đầu tư 15-20 tỉ đồng, nhưng thực tế có cơ sở chỉ bỏ 20-50 triệu đồng để cho ra đời xưởng hoặc nhà máy chế biến phân NPK. Nhiều nơi chỉ cần vài cây cuốc, xẻng, máy trộn bêtông là đủ thành lập một cơ sở sản xuất phân.

Mới đây ngày 15-10, lực lượng QLTT TP.HCM phát hiện 110 tấn phân bón hữu cơ vi sinh kém chất lượng vừa được sản xuất tại một “nhà máy” ở Củ Chi. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng vô cùng ngỡ ngàng trước “công nghệ” sử dụng cuốc, xẻng do công nhân dùng tay trộn như... thợ hồ. Những “nhà máy” kiểu này cho ra “lò” hàng tấn phân giả mỗi ngày, đưa ra tiêu thụ trên thị trường với khoản lợi nhuận rất lớn.

Một cán bộ QLTT TP.HCM cho biết phần lớn DN này không chú trọng việc xây dựng thương hiệu mà chỉ thành lập và hoạt động trong thời gian ngắn để trục lợi, sau đó giải thể. Các vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh phân bón có chất lượng thấp hơn mức đã công bố (chiếm 40-50% số mẫu giám định), quá hạn sử dụng và vi phạm về nhãn hàng hóa. “Công nghệ” sản xuất phân bón kém chất lượng rất đơn giản. Để làm ra phân kali chỉ cần trộn phân thật với phụ gia giả (loại gạch non đã đưa vào máy nghiền nát) với tỉ lệ 3-7 (3kg phân thật và 7kg bột gạch). Công đoạn tiếp theo là cho vào bao, may miệng bằng máy may công nghiệp, sau đó bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các loại phân đã có thương hiệu.

Trong khi đó, do một số DN lớn không còn cho đại lý lấy hàng gối đầu nên nông dân cũng không thể mua được hàng trả chậm. Chớp lấy cơ hội này, các DN sản xuất phân bón vừa và nhỏ xuất hiện như “vị cứu tinh” của nông dân với các chiêu thức bán phá giá, bán trả chậm, khuyến mãi…

Ai bồi thường thiệt hại cho nông dân?

Ông Phan Văn Đon - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước - cho rằng đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho khách hàng. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Rảnh - chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM - cho rằng khi có phản ảnh của nông dân, Hội Nông dân lập tức kiến nghị các cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra. Nếu đó là phân giả, phân kém chất lượng, Hội Nông dân đề nghị cơ sở sản xuất, kinh doanh phải bồi thường cho nông dân, đồng thời kiến nghị cơ quan nhà nước xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đòi hỏi các DN sản xuất, kinh doanh bồi thường thiệt hại rất khó. Đây là một lỗ hổng lớn trong khâu xử lý các vi phạm về hành vi sản xuất phân bón kém chất lượng. Nhiều DN sau khi bị phát hiện đã cố tình né tránh trách nhiệm hoặc cao chạy xa bay.

Ông Lê Quốc Phong nhìn nhận từ trước đến nay DN vi phạm chỉ bị phạt hành chính chứ không có điều khoản quy định nào phải bồi thường khách hàng. Về khâu quản lý, xử phạt, ông Phong cho rằng cần bổ sung nội dung buộc phải bồi thường cho khách hàng mua nhầm phân kém chất lượng, phân giả vào pháp lệnh xử phạt hành chính.

Công tác quản lý lỏng lẻo

Ông Lê Quốc Phong nhìn nhận phân giả, phân kém chất lượng đang vượt ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng. Từ khâu cấp phép đến khi hoạt động chẳng có ai kiểm tra, giám sát. Theo ông Phong, các cơ quan chức năng cần xem lại công tác quản lý từ địa phương. Phải kiểm tra các DN này có đủ điều kiện hay không rồi mới cấp phép. Trong quá trình hoạt động, nếu phát hiện cơ sở nào không đủ điều kiện sản xuất phân bón, từng bị xử phạt vi phạm về chất lượng hay sản xuất phân bón giả thì kiến nghị rút giấy phép kinh doanh, đóng cửa nhà máy.

Theo ông Phan Văn Đon, nhiều DN không chấp hành nghiêm túc quyết định xử phạt của cơ quan chuyên môn. Trong vụ phân kém chất lượng Domix Đức Lợi, ngoài việc phạt tiền, quyết định xử phạt còn nêu rõ buộc Công ty TNHH Đức Lợi phải thu hồi và tái chế toàn bộ sản phẩm phân bón hữu cơ kém chất lượng. Thế nhưng đến nay công ty này vẫn không chịu “động đậy”.

Theo tìm hiểu, hiện nay chưa có quy định nào về thành phần dưỡng chất của phân bón, bao nhiêu thì gọi là giả, bao nhiêu gọi là kém chất lượng, do vậy rất khó xử lý. Chính vì kẽ hở này mà các DN sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng vô tư làm ăn gian dối mà không sợ bị xử lý nặng.

* Luật sư Trương Xuân Tám (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Cần khởi tố về tội sản xuất, buôn bán phân bón giả

Hành vi sản xuất, buôn bán phân bón kém chất lượng đến mức lừa dối khách hàng ở vùng sâu vùng xa, gây thiệt hại mùa màng khiến nông dân bị tổn thất là hành vi không những thiếu đạo đức kinh doanh mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật, có đủ yếu tố cấu thành tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón” được quy định tại điều 158 Bộ luật hình sự. Hình phạt cao nhất của điều luật này là bị phạt tù 7-15 năm.

Theo quy định của Bộ luật hình sự, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có số lượng tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên có thể khởi tố hình sự được.

Đối với các công ty, nhà máy sản xuất, cần xem xét khởi tố người lãnh đạo, người chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Đối với người buôn bán, lưu thông mà biết rõ chất lượng phân kém, có thể gây thiệt hại cho cây trồng nhưng vẫn cố tình bán cho người dân cũng phạm vào tội danh này.

* Luật sư Nguyễn Cao Cường (Đoàn luật sư TP.HCM):

Hội Nông dân cần giúp người dân khởi kiện

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nếu chỉ bị xử lý hành chính sẽ là quá nhẹ, không tương xứng với vi phạm nghiêm trọng họ gây ra. Theo tôi, những vụ điển hình cần truy cứu trách nhiệm hình sự, những vụ khác chưa đến mức khởi tố cũng cần kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Vì số lượng nông dân bị thiệt hại quá nhiều, đa số họ lại khó khăn, thiếu hiểu rõ pháp luật nên tôi nghĩ lúc này hội nông dân các địa phương cần hỗ trợ người dân, nhận ủy quyền của người dân hoặc nhờ luật sư đại diện cho người dân, nhằm xây dựng hồ sơ khởi kiện, yêu cầu tòa án buộc các công ty, tổ chức sản xuất, buôn bán phân bón giả phải bồi thường thỏa đáng mọi thiệt hại.



Nguồn: Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường