Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nỗi buồn cà phê Việt
13 | 09 | 2011
Mùa vụ thu hoạch cà phê Việt Nam sắp bắt đầu với dự đoán sẽ là “cuộc chiến” khốc liệt giữa các doanh nghiệp cà phê trong nước và các doanh nghiệp cà phê có vốn nước ngoài mà phần thắng trong vài niên vụ gần đây thường thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, những yếu kém nội tại của ngành cà phê trong nước đã khiến giá cà phê xuất khẩu phải trừ lùi nặng nề còn các doanh nghiệp cà phê Indonesia thì ngược lại.

Bắt đầu “cuộc chiến” mua bán cà phê

Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tây Nguyên bước vào thu hoạch cà phê vụ năm 2011.Các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang ráo riết chuẩn bị cho một “cuộc chiến” thương trường không khoan nhượng, nhằm chiếm lĩnh thị phần cà phê xuất khẩu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Theo các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài lên Tây Nguyên thu mua cà phê đều thắng lợi. Hơn 10 doanh nghiệp nước ngoài, vài năm nay đã thâm nhập mạnh vào thị trường cà phê Tây Nguyên. Riêng năm 2010, các doanh nghiệp nước ngoài đã thâu tóm khoảng 60% thị phần cà phê trên địa bàn tỉnh Dak Lak, vùng cà phê chiếm hơn 50% sản lượng cà phê Việt Nam.

Việc các doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng nắm thế thượng phong trong thu mua cà phê, theo ông Vũ Đức Tiến - Tổng giám đốc Công ty Vinacafe Buonmathuot, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ phải trả lãi suất ngân hàng là 3,5%/năm, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải mất trên 20%/năm (cao gấp 6 lần); chính vì vậy mà doanh nghiệp nước ngoài mạnh vốn hơn doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, khi bước vào vụ thu hoạch cà phê, các doanh nghiệp nước ngoài với nguồn vốn mạnh, lãi suất thấp đã gom hàng ồ ạt và khá nhanh chóng hoàn thành chỉ tiêu. Trong khi đó, theo các nhà doanh nghiệp trong nước, thì thời điểm thu hoạch rộ cà phê ở Tây Nguyên cũng là thời điểm mà các ngân hàng thắt chặt trong việc cho vay và lãi suất lại tăng cao; dẫn đến các doanh nghiệp trong nước không đủ tiền thu mua hàng.
Các chuyên gia hàng đầu về xuất khẩu cà phê ở Dak lak đều có nhận định, các doanh nghiệp thu mua cà phê trong nước có nguy cơ sẽ bị phá sản trong một vài năm tới, vì sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp nước ngoài.

Nghịch lý: Cà phê Việt trừ lùi 100 đô la còn Indonesia cộng 350 đô la/tấn

Hiện cà phê nước ta chưa thu hoạch, nhưng một số doanh nghiệp đã chào bán hàng vụ mới với giá trừ lùi so với giá tại London, trong khi cà phê của Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ hai sau Việt Nam, lại có mức cộng rất cao.

Vụ thu hoạch của Indonesia có thể bắt đầu từ tháng 12 hoặc tháng 1, muộn hơn Việt Nam 2 tháng. Triển vọng vụ tới của Indonesia kém lạc quan vì thời tiết xấu: mưa lớn đầu vụ và hiện tại - giai đoạn cây đậu quả - lại đang khô hạn.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Indonesia mới đây cho biết, xuất khẩu của nước này vụ 2011 có thể giảm 1/3 so với vụ trước xuống còn 300.000 tấn. Trong tháng 7, lượng hàng xuống tàu của Indonesia đã giảm 40% do dự trữ thấp vì mưa lớn làm giảm sản lượng vụ trước.

Do nguồn cung hạn hẹp, giá cà phê loại 4, 80 lỗi của Indonesia (tương đương loại R2 phổ biến của Việt Nam) đã có mức cộng cao kỷ lục là 550 đô la/tấn so với giá tại London hồi đầu tháng 8 năm nay. Hiện tại, cộng 350 đô la/tấn bởi giá quá cao khiến khách hàng quay sang tìm hàng của Việt Nam.

Tuy nhiên, các thương nhân cho biết họ sẽ không chịu bán nếu giá cộng dưới 450 đô la/tấn vì nhu cầu của các nhà rang xay trong và ngoài nước rất mạnh.

Ở Việt Nam, giá cà phê R2, 5% đen vỡ của vụ mới được các nhà xuất khẩu tuần này chào bán tới trừ lùi 100 đô la/tấn so với kỳ hạn tháng 1/2012 tại London, từ mức trừ lùi 90 đô la của tuần trước do hoạt động thu hoạch đã bắt đầu ở một số vườn chín sớm. Cách đây 1 tháng, cà phê nước ta có giá cộng hơn 200 đô la/tấn.

Chất lượng cà phê của Indonesia không hơn nhiều so với cà phê của Việt Nam nhưng khoảng cách giá lên tới 450 đô la/tấn là một nghịch lý rõ ràng. Các doanh nghiệp trong nước cần phải xem xét lại trước khi chào bán hoặc ký hợp đồng với khách hàng để có lợi không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho người trồng cà phê trong nước.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường