Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đoạn kết buồn của dự án cà phê chè
17 | 11 | 2008
Hôm 13-11, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành liên quan kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân và giải quyết dứt điểm sự tồn tại của dự án cà phê chè (arabica) đầy tham vọng ban đầu.

Dự án trồng cà phê chè của Việt Nam được khởi động vào năm 1997 với vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 800 tỉ đồng giờ đây xem như phá sản khi đầu tư sai địa chỉ, duy ý chí, không khác gì chương trình mía đường, xi măng lò đứng hay đóng thuyền đánh bắt xa bờ trong hơn chục năm qua.  

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), dự án nói trên được triển khai vào thời gian giá cà phê trên thị trường thế giới đang ở mức cao, thế giới đang khủng hoảng thiếu cà phê và tham vọng của các nhà quản lý lúc đó là nâng diện tích cà phê chè của Việt Nam, nơi vốn chủ yếu trồng cà phê vối (robusta), theo hướng đa dạng sản phẩm, giảm dần sự phụ thuộc hoàn toàn vào cà phê vối trong xuất khẩu.  


Hơn nữa, vào thời điểm đó, dựa vào thống kê nhiều năm, các nhà quản lý cho rằng giá cà phê chè luôn cao hơn cà phê vối trên thị trường thế giới và nếu nâng diện tích cà phê chè, có nghĩa tăng thêm thu nhập cho nông dân trồng cà phê.  

Dự án được duyệt với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 800 tỉ đồng, trong đó một nửa là vay từ quỹ AFD của Pháp với lãi suất 3,5%/năm. Trong số phân nửa vốn đầu tư còn lại thì một phần vay từ các tổ chức tín dụng trong nước, một phần do nông dân và doanh nghiệp tự bỏ ra.  

Với số tiền nói trên, ngành nông nghiệp dự kiến trồng ít nhất 40.440 héc ta cà phê chè chủ yếu ở 15 tỉnh phía bắc Việt Nam, nơi được các nhà khoa học cho là có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp với cà phê chè và nông dân những vùng này còn nghèo, cây cà phê chè có thể giúp nông dân cải thiện thu nhập. Ngoài ra, một vài địa phương ở phía nam, nơi có các doanh nghiệp của Tổng công ty Cà phê Việt Nam đứng chân, cũng tham gia dự án.  

Bài toán lý thuyết đã cho rằng dự án cà phê chè sau khi cho thu hoạch sẽ giúp Việt Nam có thêm 43.600 tấn nhân cà phê chè mỗi năm phục vụ xuất khẩu, ứng với doanh thu 485 tỉ đồng/năm.  

Thế nhưng, vào tháng 3-2005, khi Chính phủ quyết định kết thúc giai đọan 1 của dự án thì diện tích cà phê chè chỉ trồng được 13.500 héc ta, đạt 33,4% mục tiêu ban đầu của dự án. Điều đáng nói là 24% diện tích đã thực hiện của dự án bị mất trắng, 42% diện tích được đánh giá là quá xấu, ít có khả năng cho thu hoạch, chỉ còn một ít diện tích có khả năng cho thu họach.  

Chẳng hạn Thanh Hóa là một trong các địa phương ở phía bắc thực hiện dự án trồng cà phê chè. Trong các năm qua, gần 100 tỉ đồng đã đổ vào Thanh Hóa để trồng 4.000 héc ta cà phê chè. Nay thì cả tỉnh chỉ có… 59 héc ta trong số diện tích 4.000 héc ta cà phê là có khả năng cho thu hoạch, còn lại bị mất trắng hoặc quá xấu, mất khả năng cho thu hoạch.  

Còn tỉnh Yên Bái vay 2,3 tỉ đồng của dự án để cùng với vốn tín dụng của ngân hàng và nông dân bỏ ra trồng 350 héc ta cà phê chè. Nay chỉ còn 150 héc ta cho thu hoạch, còn lại xem như bị chết.  

Theo một quan chức ngành nông nghiệp (từ chối nêu tên), việc đầu tư trồng cà phê chè ồ ạt mà không quan tâm đến điều kiện thời tiết, đất đai của từng vùng hay trình độ kỹ thuật của nông dân là nguyên nhân chính khiến dự án bị thất bại. “Họ đưa cây cà phê chè đến tận các làng bản xa xôi, dân trí thấp, chưa hiểu hết quy trình canh tác cà phê chè, thiếu điều kiện nước tưới, đất đai lại không phù hợp với cây cà phê thì làm sao không thất bại?”, quan chức trên nói.  

Các nhà khoa học gắn bó với cà phê thì cho rằng cà phê chè là loại cây khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật canh tác và nước tưới còn khắt khe hơn cả cà phê vối vốn trồng phổ biến ở Việt Nam. Chẳng hạn cà phê chè phải trồng ở vùng đất có độ cao hơn 200 mét so với mực nước biển và độ dốc dưới 15 độ để dễ tưới nước thì ở Thanh Hóa, dự án này trồng cà phê ở những nơi cao hơn mực nước biển chỉ 60 mét, trồng trên đồi có độ dốc hơn 20 độ và không có khả năng làm thủy lợi để tưới nước.  

Mặt khác, trong quá trình triển khai dự án, giá cà phê chè trên thị trường trong nước và thế giới bị khủng hoảng từ năm 2000 tới năm 2005, với giá bán quá thấp, khác xa với giá cà phê khi xây dựng dự án, là nguyên nhân khiến doanh nghiệp và nông dân chẳng buồn quan tâm chăm sóc cây cà phê chè. Đến nay, giá cà phê hồi phục thì cây cà phê chè của dự án chẳng còn, khiến nhiều người tiếc rẻ.  

Giờ đây, các địa phương thực hiện dự án đang đề nghị Chính phủ khoanh lại số nợ mà nông dân và doanh nghiệp đã vay thực hiện dự án. Theo lời quan chức trên, dự án đang đặt ra cho Chính phủ hai phương án xử lý trái ngược nhau. Hoặc là khoanh nợ và tiếp tục cho vay để cứu vườn cây cà phê, hoặc chấm dứt không đầu tư nữa để cố định số nợ hiện nay.

Công văn của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng hôm 13-11 đã  giao cho Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tổng công ty Cà phê Việt Nam thực hiện kiểm toán độc lập cho dự án 40.000 héc ta cà phê chè vay vốn của AFD, đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiện của tổ chức cá nhân, trên cơ sở kiểm toán sẽ chủ trì để phối hợp với các bên liên quan kiến nghị biện pháp xử lý tài chính tổng thể để giải quyết dứt điểm tồn tại của chương trình.

 
 



Nguồn: Kinh tế Sài Gòn
Báo cáo phân tích thị trường