Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bắt đầu “cuộc chiến” mua bán cà phê
11 | 09 | 2011
Các chuyên gia về XK cà phê ở Đăk Lăk đều có nhận định, các doanh nghiệp thu mua cà phê trong nước có nguy cơ sẽ bị phá sản vì sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp nước ngoài.

Tóm tắt:

- Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là vụ thu hoạch cà phê 2011/12 bắt đầu.

- DN nước ngoài thường thắng lợi khi đến tận nơi mua hàng của bà con nông dân.

- Năm 2010: DN nước ngoài chiếm 60% thị phần thu mua cà phê.

- DN nước ngoài thu mua, trước mắt có lợi cho dân, nhưng sau đó sẽ có hại vì khi nắm thị phần lớn nhiều hơn, họ sẽ quay ra ép giá.

- Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ hơn nữa đẩy phát triển ngành cà phê.

 

 

Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tây Nguyên bước vào thu hoạch cà phê vụ năm 2011.Các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang ráo riết chuẩn bị cho một “cuộc chiến” thương trường không khoan nhượng, nhằm chiếm lĩnh thị phần cà phê xuất khẩu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Theo các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam (tại Đăk Lăk), hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài lên Tây Nguyên thu mua cà phê đều thắng lợi. Hơn 10 doanh nghiệp nước ngoài, vài năm nay đã thâm nhập mạnh vào thị trường cà phê Tây Nguyên. Riêng năm 2010, các doanh nghiệp nước ngoài đã thâu tóm khoảng 60% thị phần cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk.

Việc các doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng nắm thế thượng phong trong thu mua cà phê, theo ông Vũ Đức Tiến - Tổng Giám đốc Công ty CPĐTXK cà phê Tây Nguyên, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ phải trả lãi suất ngân hàng là 3,5%/năm, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải mất trên 20%/năm (cao gấp 6 lần); chính vì vậy mà doanh nghiệp nước ngoài mạnh vốn hơn doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, khi bước vào vụ thu hoạch cà phê, các doanh nghiệp nước ngoài với nguồn vốn mạnh, lãi suất thấp đã gom hàng ồ ạt và khá nhanh chóng hoàn thành chỉ tiêu. Trong khi đó, theo các nhà doanh nghiệp trong nước, thì thời điểm thu hoạch rộ cà phê ở Tây Nguyên cũng là thời điểm mà các ngân hàng thắt chặt trong việc cho vay tín dụng và lãi suất lại tăng cao; dẫn đến các doanh nghiệp trong nước không đủ tiền thu mua hàng. Và tất nhiên, những lô hàng mà các doanh nghiệp trong nước chưa kịp mua sẽ về tay của các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Vũ Đức Tiến, việc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thu mua cà phê trước mắt là có lợi cho bà con nông dân, song về lâu dài sẽ xấu đi, vì khi các doanh nghiệp nước ngoài nắm toàn bộ thị trường cà phê sẽ quay trở lại ép giá nông dân.

Các chuyên gia hàng đầu về xuất khẩu cà phê ở Đăk Lăk đều có nhận định, các doanh nghiệp thu mua cà phê trong nước có nguy cơ sẽ bị phá sản trong một vài năm tới, vì sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp nước ngoài.

Để cải thiện tình hình ảm đạm của ngành cà phê, các chuyên gia nhận định: Việc trước tiên là giải ngân vốn kịp thời, hỗ trợ vốn với lãi suất vừa phải; đồng thời Chính phủ cần đưa ra chính sách mua tạm trữ cà phê đúng thời điểm… Ngoài ra, các doanh nghiệp cà phê trong nước cần xây dựng được vùng nguyên liệu cà phê bền vững, tăng cường củng cố lại hệ thống thu mua…

Theo Quang Tạo

Dân việt


Báo cáo phân tích thị trường