Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường bán lẻ VN: Quầy tạp hóa vẫn “sống” cạnh siêu thị
04 | 08 | 2008
Năm 2008, thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt lên vị trí số một thế giới về mức độ hấp dẫn.
Hôm qua (30-7), Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo hệ thống phân phối bán lẻ Việt Nam, thực trạng và giải pháp cho tương lai gần.

Xuất hiện xu hướng mua sắm - giải trí

Theo tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có nhiều biến chuyển và được đánh giá là rất tiềm năng. Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn thứ tư trên thế giới sau Ấn Độ, Nga, Trung Quốc và tụt một bậc so với năm 2006. Tuy nhiên, năm 2008, thị trường Việt Nam đã nâng lên vị trí số một. Trong thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ có những thay đổi rất lớn trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, chuyển từ mua sắm truyền thống (tại các cửa hàng tạp hóa, nhỏ lẻ, chợ) sang mua sắm-giải trí. Người tiêu dùng sẽ dần đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích để xem hàng và so sánh, chọn lựa khi các mặt hàng của nước ngoài tràn vào ngày càng phong phú và cạnh tranh.

Nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài

“Đặc biệt, từ 1-1-2009, thời điểm mở cửa thị trường với tất cả các mặt hàng theo cam kết WTO thì các tập đoàn, doanh nghiệp phân phối bán lẻ lớn trên thế giới sẽ tràn vào Việt Nam. Đây chính là cơ hội giúp người tiêu dùng làm quen và thích nghi với mua sắm hiện đại nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp” - bà Loan nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Hương, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, tại Việt Nam, những năm gần đây, nhất là từ khi mở cửa, cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn thống trị thị trường bán lẻ nhưng kênh bán lẻ hiện đại đã tăng trưởng rất nhanh. Các siêu thị tại Việt Nam mở rộng độ phủ đến rất nhiều nơi. Thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ có nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài gia nhập khi ngưỡng cửa ngày 1-1-2009 đang đến gần.

Đẩy mạnh kênh phân phối truyền thống

Một câu hỏi nghe có vẻ ngược với tình hình và xu thế hiện nay mà các doanh nghiệp đặt ra là: “Liệu Việt Nam có nên theo xu thế xây dựng và phát triển các kênh phân phối truyền thống không?”.

Theo ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương), hiện Bộ đang xây dựng đề án giải pháp đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối thị trường bán lẻ. Đối với các mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến nền kinh tế như xăng dầu, xi-măng, sắt thép, lương thực, muối, phân bón, hàng tiêu dùng... thì kênh phân phối bán lẻ tại các địa phương theo lối thương mại truyền thống vẫn được xem là hiệu quả và cần đẩy mạnh phát triển.

Tuy nhiên, mục tiêu của đề án là đẩy mạnh phát triển kênh phân phối truyền thống theo hướng nâng cao chất lượng, tăng cường quản lý. Đồng thời có kết hợp phát triển thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, xây dựng và củng cố các hệ thống phân phối lớn trên phạm vi cả nước đi đôi với tổ chức phát triển mạng lưới phân phối địa phương.

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng xu thế mà các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới là xây dựng kênh phân phối hàng hóa hiện đại (các siêu thị, đại siêu thị, các cửa hàng tiện lợi cho người tiêu dùng) thay vì các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thọ Xuân, để thị trường bán lẻ Việt Nam thực sự mang lại hiệu quả lợi ích cho người tiêu dùng thì kênh phân phối bán lẻ truyền thống cần duy trì nhưng cần được nâng lên một tầm mới, ở đó nhà nước có thể kiểm soát được, đặc biệt khi tình hình thị trường có diễn biến xấu, các kênh này hoàn toàn có thể khống chế được tình hình.



Nguồn: Pháp Luật TP.HCM
Báo cáo phân tích thị trường