Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thời cơ cho siêu thị và hàng nội?
31 | 07 | 2008
Hội thảo “Thay đổi trong xu hướng tiêu dùng và các giải pháp ứng biến với tình hình lạm phát” do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA tổ chức hôm 25.7 đã chỉ ra xu hướng tiêu dùng của các hộ gia đình trong sáu tháng đầu năm nay là tiết kiệm tối đa để ưu tiên cho các nhu cầu cơ bản... Xu hướng này lại là cơ hội cho các siêu thị và doanh nghiệp nếu biết khai thác đúng nhu cầu tiết kiệm chi tiêu của người dân
Các hộ không trung thành với thương hiệu quen, mà chuộng hàng giá rẻ. Họ cũng tiết giảm tối đa các mặt hàng tiêu dùng cao cấp, xa xỉ. Thống kê trên doanh số các hệ thống siêu thị Phú Thái, Co.opmart, Vinatexmart, Fivimart và Maximark đều cho thấy, ba nhóm mặt hàng vẫn được khách mua sắm đều đặn là thực phẩm, sữa và chất tẩy rửa thông dụng.

Ưu tiên cho ăn uống

Doanh thu từ hai mặt hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến đều tăng 40 - 50%. Doanh thu mặt hàng sữa tăng bình quân 40 - 50%. Doanh thu từ chất tẩy rửa thông dụng tăng 30 - 40%. Trong khi đó, doanh thu hàng gia dụng với các loại dụng cụ nhà bếp, đồ dùng bằng nhựa và kim loại, đồ dùng cho bàn ăn… chỉ tăng khoảng 5 - 10%. Doanh thu hàng may mặc ở các siêu thị Fivimart, Maximark đều tăng không đáng kể trong khi ở hệ thống Co.opmart giảm 2%. Bà Nguyễn Thị Hương, tổng giám đốc Vinatexmart nhận xét: “Doanh thu hàng may mặc thấp chứng tỏ người dân đang giảm chi cho nhu cầu mặc, để lo cái ăn hàng ngày”.

Tầng lớp có thu nhập cao cũng đang tiết kiệm. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2008 ở Zen Plaza - trung tâm kinh doanh hàng hiệu với 90% là hàng thời trang cao cấp, thì nước hoa, mỹ phẩm, quần áo đều bị giảm doanh thu khoảng 3%.

Chi tiêu kỹ hơn

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hoà, tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart phân tích: “Người tiêu dùng ưu tiên dùng thịt gia cầm nhiều hơn (do giá chỉ tăng khoảng 5 - 10% so với giá thịt heo tăng khoảng 80%), ưu tiên mua trứng, mua các loại thuỷ hải sản có giá thấp, giảm mua đồ hộp cao cấp. Với dầu ăn, đường, gia vị, bột ngọt, hạt nêm… cứ loại nào có giảm giá, có khuyến mãi thì người tiêu dùng mua nhiều. Trong nhóm hàng hoá mỹ phẩm, người dân ưu tiên mua bột giặt, xà bông, nước rửa chén… và giảm chi tiêu cho kem dưỡng da, sữa dưỡng thể…”.

Ông Hoà nói thêm: “Giá cả tác động lên thói quen tiêu dùng rất nhanh. Ngay khi giá gas tăng, doanh thu bếp từ bán trong siêu thị lập tức tăng”

Thoả mãn nhu cầu giá rẻ?

Đề cập đến cơ hội cho hàng trong nước, bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc BSA cho rằng: “Các doanh nghiệp trong nước phải cam kết đưa ra thị trường sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh với nhiều dịch vụ… để hấp dẫn người tiêu dùng. Và việc người tiêu dùng sử dụng hàng sản xuất trong nước không chỉ có giá trị vào thời điểm khó khăn hiện nay...”

Trong tình hình giá cả liên tục tăng, các hệ thống siêu thị đã tạo nên lợi thế cho mình nhờ khả năng đàm phán. Ngoài ra, nhờ có vốn lớn mua hàng dự trữ, nên siêu thị giữ được mức giá tương đối ổn định so các kênh phân phối khác, nhờ đó kéo được lượng khách đáng kể vào mua sắm. Kết quả nghiên cứu thị trường của hệ thống Co.opmart thông qua một đơn vị nghiên cứu độc lập cho thấy, trong 6 tháng vừa qua, lượng khách đến các siêu thị đều tăng khoảng 10 - 30%, khiến thị phần kênh phân phối này tăng lên gần 20% so với mức 16% của cuối năm 2007.

Trước đây, giá bán lẻ trong siêu thị luôn cao hơn thị trường bên ngoài 10 - 15%. Nhưng hiện nay hầu hết các mặt hàng thiết yếu trong siêu thị đều có giá chỉ cao hơn thị trường bên ngoài tối đa 3%, thậm chí nhiều mặt hàng có giá rẻ hơn cả các kênh phân phối khác.

Ông Phạm Hoàng Hà, phó chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Phú Thái khẳng định sẽ đẩy mạnh tỷ lệ hàng hoá nội địa mà doanh nghiệp này đang phân phối từ 60% lên đến 70 - 80%.



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường