Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ADB kêu gọi liên kết khu vực châu Á
07 | 05 | 2008
Khoảng 3.000 đại biểu bao gồm các bộ trưởng tài chính, các nhà khoa học và lãnh đạo các cơ quan phát triển đa phương trên thế giới đang gặp gỡ nhau tại Madrid, Tây Ban Nha trong khuôn khổ cuộc họp thường niên lần thứ 41 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Các chủ đề chính được thảo luận tại cuộc họp diễn ra từ ngày 3-6/5 tại Viện Ferial de Madrid, Tây Ban Nha bao gồm: triển vọng kinh tế cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước rối loạn tài chính toàn cầu và giá lương thực và dầu mỏ tăng cao; vấn đề thay đổi khí hậu và chống đói nghèo.

Phát biểu tại cuộc thảo luận, các quan chức cho rằng từ khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 đến những xáo trộn tài chính hiện tại càng cho thấy rõ sự phụ thuộc lẫn nhau của các nước trong khu vực châu Á và hiện rõ một động lực mạnh mẽ về việc hình thành chủ nghĩa khu vực ở châu Á. Các nước trong khu vực này đang có sự kết nối mạnh mẽ thông qua thương mại, tài chính và các liên kết kinh tế vĩ mô.

Bộ trưởng tài chính các nước châu Á đã làm việc trong ngày 4/5 để phát triển chương trình giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực, một bước đi giúp họ tiến gần hơn đến việc hình thành một quỹ tiền tệ châu Á hoàn chỉnh.

Chương trình hiện tại với tên gọi là “Sáng kiến Chiang Mai”, theo cơ chế hoán đổi tiền mặt song phương sẽ được chuyển hình thức thành cơ chế dự trữ tự quản lý có quyền lực hơn. Theo đó, một quỹ ngoại tệ trị giá ít nhất 80 tỉ USD được thành lập, để ứng phó với trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính ở châu Á. Trong đó, ba nước là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ đóng góp 80% và số còn lại sẽ do các nước trong khối ASEAN đóng góp.

Các điều khoản của chương trình này đều được thống nhất tại cuộc họp có sự tham dự của bộ trưởng tài chính các nước ASEAN+3, bao gồm 10 thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á và 3 nước trong khu vực châu Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo đó, các khoản vay sẽ được cung cấp bằng đồng USD tương ứng với một khoản ký quỹ bằng đồng bản địa do các nước đi vay cung cấp, hoặc thông qua một nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ hoặc một kỳ phiếu. Các khoản vay sẽ có chi phí cao hơn từ 150 đến 300 điểm cơ bản so với lãi suất liên ngân hàng London. Chi phí vay sẽ được xem xét lại 5 năm một lần.

Ông N.Shinohara, Thứ trưởng tài chính Nhật Bản, phụ trách các vấn đề ngoại giao phát biểu tại cuộc họp rằng, bất cứ thỏa thuận nào đều không nhằm mang lại tiền bạc một cách dễ dãi mà vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để tăng cường chất lượng giám sát đối với thị trường tài chính.

Các bộ trưởng tài chính cho biết, thỏa thuận sẽ là một bước đi rất ý nghĩa để 13 quốc gia tham gia vào các hợp đồng hoán đổi song phương được sáng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, và giúp họ tiến gần hơn đến một mô hình tổ chức khu vực tương tự như IMF.

Cũng trong khuôn khổ cuộc họp lần thứ 41 này, ADB đã công bố việc xây dựng quỹ hỗ trợ khẩn cấp để giúp đỡ các nước nghèo đấu tranh với tình trạng bùng nổ giá lương thực và cảnh báo giá cả còn có thể tiếp tục leo cao và kiềm hãm tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Theo tính toán của ADB, châu Á là mái nhà của 2/3 số người nghèo trên thế giới, và gần 1,7 tỉ người trong khu vực đang sống với mức thu nhập 2 USD/ngày hoặc thấp hơn. Những người nghèo ở châu Á đặc biệt gặp khó khăn khi giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, nhất là gạo vì 60% chi tiêu của họ là dành cho lương thực. Khi tính cả chi phí nhiên liệu, con số này tăng lên 75%.

Ngân hàng này cũng cho biết, nếu giá lương thực tăng 50% có thể cắt mức tăng trưởng thực tế của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực châu Á khoảng 1,05% trong năm 2008 và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến năm 2009.

Châu Á đã trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đạt 8,7% trong năm ngoái và ADB dự báo con số này sẽ vẫn ở mức cao là 7,6% trong năm 2008, không bao gồm Nhật Bản, bất chấp sự tụt lùi ở Mỹ và các nơi khác. Nhưng cũng riêng với châu Á, lạm phát đang ở mức 5,1%, mức cao nhất trong một thập kỷ qua và khiến các quốc gia phải nghĩ lại về một môi trường công nghiệp hóa với quá trình phát triển chỉ theo xu hướng tiến và tiến.

Việc hỗ trợ này sẽ được thực hiện thông qua các khoản vay “mềm” cho chính phủ các nước chịu tác động mạnh nhất từ cuộc khủng hoảng lương thực châu Á. Chủ tịch ADB, ông Haruhiko Kuroda cho biết tổng khoản chi này sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của các quốc gia và sẽ là “vừa phải, nhưng không quá nhiều”.

Ông cũng cho biết ngân hàng này không thích ý tưởng của Thái Lan về việc xây dựng một tổ chức các nước xuất khẩu gạo như mô hình của OPEC và “tốt hơn nên để bàn tay thị trường vận hành tự do”. ADB cũng bày tỏ mong muốn các nước đã phát triển ngừng việc hỗ trợ sản xuất nhiên liệu sinh học vì hoạt động này khiến cho giá cả các mặt hàng thiết yếu đắt đỏ hơn.



Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường