Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ "vạch chỉ đỏ" trên từng thửa đất trồng lúa
07 | 05 | 2008
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên khi trả lời báo chí bên lề hội nghị lấy ý kiến các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, sửa đổi bổ sung cho Bộ luật Đất đai. Phóng viên VietNamNet đã ghi lại cuộc trao đổi này.
- Thưa Bộ trưởng, để phát triển công nghiệp, Nhà nước đã thu hồi đất nông nghiệp. Như vậy, một bộ phận không nhỏ nông dân đã mất đi nguồn sống của mình, an ninh lương thực cũng bị đe doạ. Nên chăng chúng ta cần cân nhắc về hiệu quả của quá trình phát triển công nghiệp?

- Việt Nam là một đất nước thuần nông, để phát triển đất nước, chúng ta cần phải phát triển công nghiệp. Muốn có đất phát triển công nghiệp buộc phải lấy đất nông nghiệp, không có cách nào khác. Trong những năm đầu kêu gọi đầu tư nước ngoài, chúng ta đã "rải thảm đỏ" cho nhà đầu tư. Quá trình này đã khiến một diện tích không nhỏ đất trồng lúa màu mỡ bị thu hồi, phục vụ quá trình phát triển công nghiệp.

Trên thực tế, đất nông nghiệp được chuyển đổi thành đất công nghiệp cho lợi nhuận kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp, nếu tính giá trị về tiền và số người được giải quyết công ăn việc làm. Nhưng với đặc điểm nền kinh tế đất nước hiện nay, chúng ta cần tính toán xem nên lấy đất ở đâu và lấy như thế nào để bảo đảm tốt nhất cho cuộc sống người dân bị thu hồi đất và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

 

1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên trả lời báo chí bên lề hội nghị lấy ý kiến các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, sửa đổi bổ sung cho Bộ luật Đất đai. (Ảnh: ĐV)

- Vậy theo Bộ trưởng, lấy đất như thế nào để đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân?

Phải nói rằng nông dân là người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong quá trình thu hồi đất. Người dân không có con đường nào khác ngoài sản xuất nông nghiệp mà tư liệu sản xuất phải có là đất. Việc thu hồi đất nông nghiệp đã đẩy cuộc sống người nông dân vào khó khăn. Đó là chưa kể từ trước đến nay, khi bồi thường đất, Nhà nước mới chỉ tính đến giá trị thực mà chưa tính đến giá trị vô hình của đất. Nhưng chính giá trị vô hình có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm đời sống ổn định, bền vững cho người dân.

Vì thế, để phát triển công nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi và ổn định cuộc sống cho nông dân bị thu hồi đất, những vấn đề "hậu thu hồi đất" như xây dựng khu tái định cư, trường học, bệnh viện, đường sá, điện, nước, tạo công ăn việc làm... cần phải được giải quyết trước khi thu hồi đất. Nếu chỉ nói suông mà không làm đến nơi đến chốn, thì việc giải quyết hậu quả sẽ rất phức tạp.

Việc đưa doanh nghiệp đầu tư vào những khu vực đất nông nghiệp kém hiệu quả cũng là một giải pháp. Nhưng để làm được điều này, chúng ta cần xây dựng sẵn quỹ đất sạch, xây dựng sẵn cơ sở hạ tầng. Tôi mong sớm phát triển Trung tâm phát triển Quỹ đất để trung tâm này giữ vai trò thẩm định giá, thu hồi, tạo quỹ đất sạch, tổ chức đấu giá đất cho thuê thay vì để doanh nghiệp tự thoả thuận giá đền bù với dân như trước dây.

Ngoài ra, hiện nay, một số doanh nghiệp cũng đề nghị có cơ chế để người dân bị thu hồi đất được góp vốn vào doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đang tính toán đến cơ chế này, nếu được "ăn đời ở kiếp" với doanh nghiệp, hy vọng cuộc sống người dân sẽ ổn định và bền vững hơn. Vấn đề là phải tính sao cho quyền lợi của dân được đảm bảo.

- Mối quan tâm lớn nhất của người dân chính là giá cả đền bù. Người dân cho rằng hiện nay Nhà nước áp giá đền bù chưa thoả đáng và còn quá thấp so với giá thị trường...

Hiện nay, giá đất là một vấn đề rất phức tạp! Tôi cho rằng để giải quyết vấn đề về giá đất phải giải quyết được vấn đề chênh lệch về địa tô, vấn đề tài chính đất và có chính sách căn cơ về quy hoạch. Người dân thường căn cứ vào sự chênh lệch giữa giá đền bù cho dân và giá cho doanh nghiệp thuê đất. Ý chí của Nhà nước cũng muốn thu hồi đất phải bảo đảm đến mức cao nhất quyền lợi của người dân bị thu hồi. Nhưng giá đất đền bù cho dân không thể vô hạn vì đất thu hồi được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, kể cả mục đích công nghiệp và xây dựng công trình công cộng nên không thể có nhiều giá đền bù cho từng mục đích sử dụng được. Tới đây, Nhà nước sẽ ra một khung giá đền bù chung trên cơ sở đảm bảo mức cao nhất quyền lợi của người dân.

- Thưa Bộ trưởng, bên cạnh vấn đề đời sống của người dân bị thu hồi đất, có ý kiến lo ngại rằng việc thu hồi đất nông nghiệp ồ ạt để phát triển công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này?

Hiện Bộ TN-MT đang phối hợp với Bộ NN & PTNT  tính toán xem trong vòng 10, 20 năm tới, dân số Viện Nam là bao nhiêu, cần bao nhiêu lương thực, diện tích đất nông nghiệp bao nhiêu là đủ, bao nhiêu đất nông nghiệp sẽ mất đi do biến đổi khí hậu... để có sự dự phòng về đất nông nghiệp cho phù hợp. Bộ Nông nghiệp đã đưa ra con số 3,7 triệu ha đất trồng lúa cần phải được duy trì trong nhiều năm tới. Nhưng tôi cho rằng cũng cần tính lại xem con số này đã đủ hay chưa.

Tới đây, cùng với đất quốc phòng, đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp sẽ được chốt thật chặt. Quá trình này sẽ được thực hiện bằng cách vạch chỉ đỏ trên từng thửa đất chứ không thể nói chung chung như trước nữa. Nếu không làm ngay việc này, chẳng bao lâu nữa, đất trồng lúa sẽ biến thành đất công nghiệp và an ninh lương thực quốc gia sẽ bị đe doạ.

Đồng thời, từng địa phương cũng phải cân đối điều kiện thực tế của mình để cân đối diện tích đất sử dụng vào từng mục đích cụ thể cho phù hợp, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa bảo đảm phát triển công nghiệp.

Mặt khác, tôi cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người trồng lúa. Về vấn đề này, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản. Ở Nhật, cứ mỗi bao gạo xuất khẩu 60kg, nông dân sẽ được Chính phủ hỗ trợ 150 USD. Trong khi đó, mặc dù là nước xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới, thu nhập của nông dân nước ta còn quá thấp so với sức lao động họ bỏ ra và yếu tố rủi ro cũng quá nhiều.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường