Sáng 05/5, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, sửa đổi bổ sung cho bộ luật Đất đai. Hội nghị lấy ý kiến diễn ra trong 2 ngày, trong đó một ngày lấy ý kiến các địa phương quận huyện, một ngày lấy ý kiến các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên xác định: “Nếu vì quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và địa phương cũng nên chịu thiệt một chút. Và nội dung sửa đổi Luật dựa trên tinh thần này”. Ông nói vì người dân đã chịu thiệt rất nhiều trong quá trình thu hồi mà không đo đếm hết.
Chính vì vậy, nội dung sửa đổi lần này đưa ra để lấy ý kiến có 8 vấn đề, trong đó tập trung vào hai vấn đề trong tâm là “Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất” và “Tài chính đất đai”, mà chủ yếu là giá đất và bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, dự kiến sửa đổi theo đưa ra hai phương án: Một là doanh nghiệp vẫn tiếp tục tự thỏa thuận với người dân, hai là bỏ cơ chế tự thỏa thuận mà giao về cho một cơ quan hoặc công ty đền bù theo giá thị trường. Tuy nhiên các địa phương thắc mắc: “Thế nào là sát với giá thị trường?”. Phó Chủ tịch quận 5 cho rằng vấn đề này “năm nào cũng nói nhưng không làm được”. Đại diện quận Ninh Kiều tỉnh Cần Thơ cho rằng, nếu không xác định thỏa đáng, quyền lợi của người dân vẫn sẽ bị ảnh hưởng.
Đại diện tỉnh Bến Tre dẫn chứng: đất nông nghiệp trong khu vực đô thị có giá trị bằng 80% đất ở, nhưng Nhà nước xác định là giá đất nông nghiệp chỉ với trên 100.000 đồng/m2. Vậy nên dân được đền bù quá thấp, còn nếu dân chuyển sang đất ở phải nộp số tiền quá lớn, cả hai đều không hợp lý.
|
Bộ Trưởng Bộ TN và MT Phạm Khôi Nguyên: "Vì quyền lợi của người dân, DN cũng nên chịu thiệt một chút". Ảnh: Đ.Vỹ |
Theo đại diện quận Ninh Kiều tỉnh Cần Thơ, Nhà nước cần lập một khung giá trần ở từng khu vực, để doanh nghiệp có cơ sở bổi thường cho người dân, giảm thiểu tranh chấp khiếu nại giá cả. Đại diện Bến Tre và An Giang đề nghị nên có cơ quan thứ 3 độc lập thẩm định giá, để dân khỏi thiệt thòi, và doanh nghiệp có cơ sở để không phải bị đòi với giá quá cao.Các ý kiến cũng đề nghị, trong quá trình lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cũng như giải tỏa mặt bằng, Nhà nước cần xem xét đến hoàn cảnh của người dân trong khu vực quy hoạch. Ông Tiêu Văn Bảy, đại diện huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang, đề nghị khi chưa thực hiện quy hoạch, chính quyền phải chấp nhận cho người dân được phép xây dựng, sửa chữa nhà để ở. Đại diện quận Ninh Kiều cho rằng, người dân vẫn bị thiệt thòi khi chỗ tái định cư vẫn không tốt bằng chỗ ở cũ. “Nói rằng chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ chỉ là mong muốn, chứ chưa thấy nơi nào tái định cư tốt hơn cả” - đại biểu này nói.
Luật sửa đổi lần này mở rộng tối đa quyền của người bị thu hồi đất. Theo đó nếu các cơ quan chính quyền giải quyết khiếu nại nhưng bên nào vẫn không đồng ý vì cho rằng kết quả giải quyết chưa thỏa đáng, thì có quyền khởi kiện ra tòa án.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, Luật Đất đai và Luật khiếu nại tố cáo có chỗ không phù hợp với nhau. Lâu nay nếu đơn thư khiếu nại gửi lên và được giải quyết lần cuối thì xem như kết quả đã chấm dứt. Thế nhưng người dân khi đi khiếu nại về đất đai nhưng đòi giải quyết theo luật khiếu nại tố cáo, vì vậy việc khiếu nại không có điểm dừng.
Luật sửa đổi lần này sẽ kết hợp hai luật, người dân có quyền kiện ra tòa nếu không thỏa mãn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Thế Ngọc, Luật sửa đổi phải vận dụng các biện pháp để hỗ trợ người dân bị thu hồi đất, làm thế nào để giảm thiếu tối đa việc khiếu nại tố cáo, về quyền sử dụng đất, về bồi thường, tái định cư…
Khung giá đất 5 năm mới bổ sung một lần |
Theo dự kiến sửa đổi, tới đây bảng giá đất sẽ 5 năm mới bổ sung một lần. Bảng giá này sẽ sử dụng ổn định trong việc thu thuế. Trong trường hợp giao đất, cho thuê mới, cơ quan giao đất sẽ xác định giá đất thị trường tại thời điểm giao. Theo Bộ TN-MT, như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và người được giao đất. |