Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hội nhập kinh tế quốc tế: Rủi ro tài chính là lớn nhất
06 | 05 | 2008
Lạm phát tăng cao, TTCK sụt giảm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có những yếu kém của công tác phân tích, dự báo tài chính. Trao đổi với ĐTCK bên lề lễ khởi động và ký kết kế hoạch hoạt động của dự án “Phân tích chính sách tài chính” diễn ra tại Hà Nội ngày 25/4, bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam cho rằng: “Tại thời điểm này, Việt Nam đã trải qua những biến động tài chính không mong muốn, thể hiện qua lạm phát và tăng giá nhưng tôi nghĩ, khi dương buồm trên đại dương, chúng ta không thể kỳ vọng ngày nào cũng đẹp trời!”.
Theo bà, thách thức lớn nhất trong lĩnh vực tài chính khi Việt Nam gia nhập WTO là gì?

Từ thực tế tại nhiều quốc gia khác cho thấy, toàn cầu hóa hứa hẹn phần thưởng to lớn bằng hình thức tiếp cận với các thị trường rộng lớn hơn, nhiều kỹ năng, công nghệ mới và nguồn vốn đầu tư hơn, nhưng rủi ro cũng đáng kể. Theo tôi, rủi ro đối với ngành tài chính là lớn nhất. Vốn không phải là một loại hàng hóa và nó không hành xử giống như vậy. Giá trị của đồng tiền phụ thuộc vào hành động của người khác ở hiện tại và trong tương lai. Rủi ro của khu vực tư nhân rất dễ tràn vào khu vực công và trở thành rủi ro xã hội.

Do đó, việc phân tích chính sách tài chính có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần loại trừ rủi ro này. Trong lĩnh vực tài chính, nghiên cứu chính sách thận trọng, có thực chứng là điều cốt yếu cho việc hình thành các chính sách của Chính phủ để giảm thiểu rủi ro kinh tế tài chính và xây dựng khuôn khổ thể chế cần thiết cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Với lễ ký kết này, UNDP sẽ hỗ trợ Việt Nam 3,5 triệu USD trong việc phân tích chính sách tài chính. Mục tiêu lớn nhất mà dự án hướng đến là gì, thưa bà?

Như tôi đã nói, Việt Nam đang trải qua quá trình thay đổi kinh tế và xã hội nhanh chóng và sâu sắc. Hội nhập ngày càng sâu vào thị trường toàn cầu và khu vực, đặc biệt là kể từ khi gia nhập WTO đã tạo ra nhiều thách thức và cơ hội đối với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, cải cách chính sách tài khoá và tài chính công trở nên cấp thiết và phức tạp hơn, đòi hỏi phân tích cẩn trọng để xây dựng các chính sách phù hợp, hỗ trợ tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để giải quyết nhu cầu nêu trên, năm 2003, Bộ Tài chính và UNDP đã phối hợp thực hiện dự án tăng cường năng lực phân tích chính sách tài chính cho Chính phủ. Dự án này đã thành lập Nhóm tư vấn chính sách (PAG) nhằm đưa ra các ý kiến tư vấn chính sách độc lập, có chất lượng cho lãnh đạo Bộ Tài chính. PAG nhanh chóng trở thành nguồn tư vấn chính sách thực chứng chất lượng cao. Kết quả đáng khích lệ này của PAG là nền tảng để chúng tôi tiếp tục triển khai dự án.

Dự án của chúng tôi nhằm nâng cao năng lực phân tích, hoạch định chính sách của Bộ Tài chính. Dự án sẽ hỗ trợ việc thực hiện chương trình công tác của PAG để triển khai các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao năng lực phân tích, xây dựng chính sách tài chính và phát triển vai trò của công tác tư vấn chính sách trong Bộ Tài chính.

UNDP đã triển khai việc hỗ trợ phân tích tài chính tại những quốc gia nào và hiệu quả ra sao?

Chúng tôi đã thực hiện tại nhiều quốc gia trong một thời gian dài. Nhìn chung, hiệu quả rất tốt, giúp chính phủ nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển có được sự phân tích và dự báo cần thiết về biến động của tài chính, để từ đó đưa ra các chính sách phù hợp.

Để đạt mục tiêu đề ra, dự án sẽ tập trung vào những công việc gì, thưa bà?

Trước hết, chúng tôi sẽ hỗ trợ xây dựng thể chế của PAG, bao gồm xây dựng mạng lưới kiến thức, cơ sở dữ liệu và các mô hình dự báo, góp phần xây dựng hệ thống phân tích và dự báo chính sách của Bộ Tài chính; tư vấn, khuyến nghị kịp thời về các vấn đề chính sách quan trọng và cấp thiết cũng như nghiên cứu các chủ đề chính sách lớn của hệ thống tài chính công; hỗ trợ tuyên truyền về chính sách tài chính công nhằm cải thiện hiệu quả sự công khai, minh bạch. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham vấn để Chính phủ ban hành các chính sách tài chính phù hợp.



Nguồn: Đầu Tư Chứng Khoán
Báo cáo phân tích thị trường