Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Việt Nam còn phải đầu tư nhiều nguồn lực để giảm và xoá hẳn đói nghèo”
24 | 07 | 2007
Phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Ông Markus Cornaro - Đại sứ, Trưởng đại diện EC tại Việt Nam về công tác xoá đói giảm nghèo của Việt Nam trong thời gian qua. Theo ông Markus Cornaro: “Các tổ chức thế giới đánh giá Việt Nam đã rất thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ. Nhưng Việt Nam còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải đầu tư nguồn lực để đạt mục tiêu giảm được 50% số hộ nghèo đến năm 2010”.

PV: Ông đánh giá thế nào về những kết quả trong công tác xoá đói giảm nghèo của Việt Nam?

Ông Markus Cornaro: Việt Nam đã rất thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ. Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải đầu tư nguồn lực để giảm và xoá hẳn đói nghèo. Hiện vẫn còn một số xã vùng sâu, vùng xa ở phía Bắc, miền Trung Việt Nam tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Một vấn đề mới xuất hiện là cái nghèo ở đô thị. Nhưng tôi hoàn toàn chia sẻ với kế hoạch của Chính phủ Việt Nam là giảm 50% tỷ lệ hộ nghèo vào năm 2010, trong đó có việc khuyến khích người nghèo đô thị tự thoát nghèo với sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng dân cư, không phân biệt giữa người nghèo địa phương và người nghèo nhập cư...

PV: Một trong những mục tiêu lớn nhất mà Việt Nam hướng đến là đảm bảo tính bền vững trong xoá đói giảm nghèo trong khi Việt Nam lại phải đối mặt với thiên tai và sắp tới là vào WTO?

Đây là hai vấn đề khác biệt. Muốn xoá đói giảm nghèo bền vững thì vấn đề giáo dục phải phổ cập; cải thiện dịch vụ y tế và lĩnh vực thị trường. Việt Nam cần cố gắng để nhiều người được tiếp cận thị trường hơn. Những điều này, Việt Nam có thể làm được và đang làm được khi vào WTO. Tôi nghĩ rằng mọi người hơi khuếch đại quá các rủi ro khi gia nhập WTO, như xuất khẩu trong nông nghiệp, chế biến, sản xuất… Theo tôi, việc được lợi vẫn nhiều hơn là rủi ro. Với các đối thủ cạnh tranh trong nông nghiệp (ASEAN và Trung Quốc) trước khi chưa vào WTO thì Việt Nam đã có những Hiệp định song phương với các khối, nước này. Vì thế việc gia nhập WTO không có tác động lớn lắm. Chúng tôi thấy đây là thời điểm để Việt Nam gia nhập WTO và các tổ chức tài chính toàn cầu.

PV: Vậy, theo nhận định của ông thì 5 năm tới Việt Nam có giảm được 50% số hộ nghèo không?

Tôi nghĩ đây là việc có thể thành hiện thực với sự cố gắng của Việt Nam cộng với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ. Vào năm 2010, Việt Nam có thể giảm tỷ lệ nghèo từ 20% xuống 10%. Thách thức trước mắt là Việt Nam phải linh hoạt hơn trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Thứ hai, Việt Nam phải tận dụng được từ các nguồn nội địa. Thứ ba là phải cải tiến các vấn đề trong giáo dục - đào tạo và linh hoạt hơn trong lao động thành thị, nông thôn.

Ông Markus Cornaro cũng cho biết, trong giai đoạn 2002-2006, EC đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 162 triệu euro, tập trung vào hai ưu tiên là phát triển con người và quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế quốc tế. Ngoài ra, EC đang thực thi 16 sáng kiến song phương tại Việt Nam với tổng số tiền đóng góp khoảng 160 triệu euro. EC cũng góp phần hỗ trợ sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam và cải thiện đời sống; hỗ trợ cho người nghèo; hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong việc cơ cấu lại nền kinh tế và tiến tới một nền kinh tế thị trường và hỗ trợ bảo vệ môi trường.


(Nguồn tin: VOV)
Báo cáo phân tích thị trường