Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các nguồn lực cho chương trình xoá đói giảm nghèo
20 | 08 | 2007
Việt Nam hiện có 51 nhà tài trợ có các chương trình ODA thường xuyên, trong đó 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho chiến lược tăng trưởng toàn diện và xóa đói giảm nghèo.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua khoản đầu tư từ 60.000 đến 62.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn tới là tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, đến năm 2010 giảm số hộ nghèo trên cả nước xuống còn 15% (theo chuẩn nghèo mới), từ mức 23% hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Hằng cho biết, các nguồn lực tài chính cho xoá đói giảm nghèo ngoài nguồn ngân sách nhà nước, sẽ được tích cực vận động từ các doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân và tài trợ quốc tế.

Trong giai đoạn 2001-2005, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á là những nhà tài trợ quốc tế lớn cho lĩnh vực xoá đói giảm nghèo của Việt Nam.

Việt Nam hiện có 51 nhà tài trợ có các chương trình ODA thường xuyên, trong đó 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho chiến lược tăng trưởng toàn diện và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Dưới đây là một số dự án tiêu biểu.

Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (PRSC5) của WB và các nhà tài trợ

Ngày 5/9/2006, Thống đốc NHNN Lê Đức Thuý và Giám đốc WB Klaus Rohland tại Việt Nam đã ký kết khoản tín dụng ưu đãi trị giá 100 triệu USD cho chương trình "Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo 5" (PRSC 5). PRSC 5 là chương trình nằm trong tổng thể chu trình đầu tiên PRSC 1 – 5 được WB và các nhà tài trợ thực hiện từ 2002 theo hình thức tín dụng ưu đãi, thời hạn vay 40 năm, 10 năm ân hạn, lãi suất 0%. Bên cạnh khoản tín dụng này, dự kiến có khoảng 10 đối tác sẽ đồng tài trợ cho PRSC 5: ADB, chính phủ Anh, Hà Lan, Đức, Australia… Dự kiến khoản đồng tài trợ cho chương trình PRSC 5 này đạt trị giá trên 100 triệu USD dưới hình thức cho vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại.

Dự án VIE-02/001 của UNDP

Dự án VIE 02/001 mở rộng giai đoạn 2005 – 2010 được ký giữa Bộ LĐ-TBXH với UNDP Việt Nam sẽ kéo dài đến năm 2010 với tổng kinh phí 5 triệu USD. Đây là kinh phí từ các khoản đóng góp bổ sung của Vương quốc Anh và Phần Lan. Dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp cho hai chương trình xóa đói giảm nghèo quan trọng là Chương trình Mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và Chương trình 135 (giai đoạn 2005 – 2010); bảo đảm các khoản trợ giúp đến được người nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Dự án cũng tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là ở cơ sở.

Dự án M4P

"Nâng cao hiệu quả Thị trường cho người nghèo" (M4P) là một Dự án hỗ trợ kỹ thuật khu vực với thời gian 3 năm do ADB, DFID và Viện Nghiên cứu của ADB có trụ sở chính ở Tokyo đồng tài trợ. M4P thực hiện những nghiên cứu ở các lĩnh vực: Thị trường đất đai và Lao động; Sự tham gia của người nghèo vào các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó bao gồm các đánh giá về sự tham gia của người dân trong mối quan hệ giữa thị trường và sinh kế ở khu vực miền Trung; thị trường và việc cung cấp các dịch vụ…

Dự án khôi phục nghề dệt thủ công cho phụ nữ dân tộc Pà Thẻn của WB và Cty Ford Motor

Dự án Khôi phục và phát triển nghề dệt thủ công truyền thống cho phụ nữ dân tộc Pà Thẻn ở huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang do Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) thực hiện theo tài trợ của: Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), Cty Ford Motor và Nhóm Hoạt động Dân tộc Thiểu số (WVNG), nhằm cải thiện đời sống cho phụ nữ nghèo dân tộc ở miền núi. Dự án đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho 2.500 phụ nữ nghèo dân tộc Pà Thẻn ở các xã thuộc huyện Bắc Quang và Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

Dự án của Thuỵ Điển

Dự án "Sự tham gia của người nghèo nông thôn vào quá trình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu thuỷ sản, da giày và dệt may" (VS/RDE/04) do Thuỵ Điển tài trợ, thời gian từ năm 2004 đến năm 2007 với kinh phí 4.200.000 SEK (khoảng 600.000 USD). Xoá đói giảm nghèo là mục tiêu chính của hợp tác phát triển của Thuỵ Điển dành cho Việt Nam trong thời gian từ năm 2004 – 2008. Tổng dự tính hợp tác phát triển của Thuỵ Điển dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2004 – 2006 sẽ là khoảng 900 triệu SEK (hơn 128 triệu USD), không kể hỗ trợ ngân sách, tín dụng, viện trợ nhân đạo và giúp đỡ các tổ chức phi Chính phủ của Thuỵ Điển.

Dự án của ADB và HEI

Ngày 10/10/2006, dự án Nghiên cứu ô nhiễm không khí, đói nghèo và tác động đến sức khoẻ do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Nghiên cứu sức khoẻ Mỹ (HEI) tài trợ 800.000 USD, TP Hồ Chí Minh đóng góp 150.000 USD, đã chính thức được khởi động và sẽ kéo dài trong 30 tháng.

Trong khuôn khổ dự án, các chuyên gia Việt Nam cùng các nhà khoa học của HEI, Chương trình Sức khoẻ cộng đồng và ô nhiễm môi trường châu Á, tập trung nghiên cứu: ô nhiễm không khí tác động như thế nào lên sức khoẻ trẻ em và gia đình. Từ đó, dự án tìm ra biện pháp làm giảm tác động của ô nhiễm không khí đến người nghèo, cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của cộng đồng./.



(Nguồn tin: Lao động-Xã hội)
Báo cáo phân tích thị trường