Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội để các DN cải thiện môi trường kinh doanh
17 | 02 | 2009
Nỗ lực chặn đà suy giảm kinh tế của Chính phủ đã được hiện thực hóa bằng nhiều chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ kinh tế phát triển. Xung quanh gói hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD, trao đổi với PV báo Hànộimới, Tiến sĩ Võ Trí Thành (Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ) cho rằng, gói hỗ trợ này sẽ phát huy tác dụng trong quý III-2009.

Mặc dù kinh tế nước ta đang bị ảnh hưởng từ sự suy giảm toàn cầu, song đây cũng là cơ hội để Việt Nam cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư...

- Nhiều hy vọng đang đặt vào những giải pháp hỗ trợ mà Chính phủ đã và sẽ thực hiện. Ông nhận định thế nào về tác động của gói kích cầu này?

- Một trong những nỗ lực của Chính phủ hiện nay là giảm thiểu tác động xấu của khủng hoảng tài chính, qua đó hạn chế những tổn phí ngân sách, duy trì tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, chúng ta phải tính đến tác động của kích cầu đến kinh tế vĩ mô. Cụ thể, cần xem xét Việt Nam thực hiện kích cầu trong bối cảnh chung như thế nào và tình hình kinh tế của Việt Nam hiện ra sao. Bên cạnh đó, cần tính toán các yếu tố lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, nhập siêu, thâm hụt ngân sách... Ngoài ra, phải nhìn xa hơn xem trong 1-2 năm nữa, tác động của những biện pháp kích cầu tới nền kinh tế sẽ như thế nào. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ) vừa qua, người ta không chỉ bàn đến khủng hoảng, mà còn chú trọng đến các vấn đề hậu khủng hoảng. Những biện pháp kích cầu tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu có bản chất là "cứu" thị trường tài chính, mà "cứu" thị trường tài chính có thể sẽ mâu thuẫn với cải cách cho phát triển trung và dài hạn.

- Kích cầu là biện pháp cần thiết, vì sao lại mâu thuẫn với cải cách?

- Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang gây hậu quả nghiêm trọng như hiện nay thì kích cầu là cần thiết. Nhưng có nhiều vấn đề, nhiều lo ngại có khả năng xảy ra. Một là, Nhà nước "rót" tiền ra, song ai giám sát quy trình này? Hai là, tác động của kích cầu đến những yếu tố kinh tế như tình hình lạm phát, khả năng thanh toán quốc tế, rủi ro của hệ thống ngân hàng sẽ ra sao? Bên cạnh đó, bản chất của kích cầu là "cứu" doanh nghiệp (DN). Điều này có thể sẽ mâu thuẫn với định hướng cải cách trong dài hạn. Bởi cải cách là phải chịu “đau”, DN nào mạnh thì tồn tại, DN nào yếu thì bỏ. Vì vậy, cái khó ở đây là làm thế nào để thực hiện được kích cầu mà vẫn khuyến khích cải cách.

- Nếu so sánh gói kích cầu của Việt Nam với các quốc gia khác, ông có nhận xét gì?

- Thực tế, gói hỗ trợ của Việt Nam nhỏ hơn so với các quốc gia, nhưng phù hợp với khả năng kinh tế và tài chính của chúng ta. Tôi cho rằng, biện pháp kích cầu là cần thiết, song phần hậu kích cầu là gì mới quan trọng, vì hỗ trợ là biện pháp can thiệp của Nhà nước. Nếu nước nào cũng tung ra một lượng tiền lớn, sau khủng hoảng sẽ là lạm phát, rủi ro trong hệ thống ngân hàng... Do đó, từ cuộc khủng hoảng này, chúng ta nên rút những kinh nghiệm về việc điều hành kinh tế vĩ mô để tránh những sai lầm đáng tiếc. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh gói kích cầu bám sát diễn biến kinh tế thực tế.

- Chính phủ đã thực hiện đồng thời hai chính sách tài khóa và tiền tệ trong quý IV-2008 và quý I-2009. Vậy, theo ông bao giờ những chính sách này sẽ phát huy tác dụng?

- Khi chính sách mới được áp dụng, độ trễ là khó tránh khỏi. Với những chính sách mà Chính phủ vừa ban hành, theo tôi độ trễ có thể là 3 tháng. Những dự báo lạc quan nhất cho rằng, đến quý III-2009 kinh tế thế giới có khả năng phục hồi và như vậy biện pháp kích cầu cũng phát huy tác dụng cùng thời điểm. Nhiều dự báo lạc quan cho rằng, cuối quý III-2009, kinh tế thế giới sẽ vượt qua khó khăn, song dự báo bi quan nhất lại cho rằng sẽ là giữa năm 2010. Vì vậy, tôi cho rằng chỉ có thể dự báo tương đối chính xác tình hình kinh tế nửa năm 2009, còn nửa cuối năm chưa ai có thể chắc chắn. Tuy nhiên, tôi rất tin rằng chúng ta sẽ vượt qua "cơn bĩ cực" này. Vì từ người buôn bán nhỏ đến trí thức, tất cả đều thể hiện sự năng động của mình qua công việc. Bên cạnh đó, xét về lâu dài, cải cách kinh tế vẫn là đường lối chủ đạo của Việt Nam. Đất nước ta đã, đang tiếp tục cải cách, hội nhập và mọi người đều ủng hộ con đường này...

- Như ông đã nói, nhân cuộc khủng hoảng này nên tập trung cải cách để tạo tiền đề cho tương lai. Theo ông, cần tập trung cải cách ở lĩnh vực nào?

- Có nhiều lĩnh vực có thể thực hiện cải cách mà tổn phí không lớn. Tôi cho rằng cải cách pháp lý, cải cách hành chính đều có thể thực hiện trong thời điểm hiện nay. Trước tiên, nên rà soát xem chỗ nào không cần thiết thì loại bỏ để giảm chi phí và cải thiện môi truờng kinh doanh. Quan trọng hơn cả, thực hiện cải cách cũng đồng nghĩa với việc tạo dựng niềm tin cho người dân.

- Xin cảm ơn ông!



Nguồn: Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường