Thực trạng đáng lo
Khi được hỏi về những thay đổi trong quá trình hoạt động thời gian qua, có đến 2/3 các DN ở tỉnh ta thường đưa ra câu trả lời là chưa có nhiều sự khác biệt. Tỷ lệ các DN quan tâm đến tiến trình hội nhập WTO chỉ khoảng 30%, số còn lại họ vẫn làm theo kinh nghiệm cũ. Thạc sĩ Phạm Lê Thông (Đại học Cần Thơ), cho biết: “Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các DN ngoài quốc doanh ở Kiên Giang là đang phải đối phó với tình trạng cạnh tranh khá gay gắt. Mức độ cạnh tranh trung bình của các DN có quy mô lớn (kinh doanh trong các ngành nghề chế biến thủy sản, xay xát lúa gạo, vật liệu xây dựng) cao hơn so với các DN quy mô nhỏ (2,99 so với 2,80). Cạnh tranh cao có thể làm giảm lợi nhuận của các DN nhưng từ đó, nó thúc đẩy các DN đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả để tồn tại vững chắc trên thương trường”. Song thực tế cho thấy, nhiều DN chế biến thủy sản đã không biết phải làm cách nào để vượt qua khó khăn khi bị phía đối tác thông báo trả sản phẩm lại do vi phạm một số tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh àn toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Họ cho rằng môi trường đầu tư chưa được cải thiện kịp thời phù hợp với yêu cầu phát triển. Trong khi đó, các DN của tỉnh phần lớn quy mô vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận các nguồn vốn khó khăn, thiếu thông tin và thị trường, năng lực quản lý yếu. Thế nên, giá trị đầu tư trung bình năm từ 2004 - 2006 của các DN là 1.025 đến 1.051 triệu đồng với độ lệch chuẩn là 6.143 triệu đồng. Điều này chứng tỏ phần lớn các DN có sự đầu tư nhỏ, chỉ một số ít DN đầu tư lớn.
Là 1 trong 3 DN của Kiên Giang được Cục Quản lý chất lượng, ATVS &TYTS miễn kiểm tra dư lượng chất kháng sinh tại Việt Nam, Giám đốc Cty cổ phần CBTS xuất khẩu Ngô Quyền, ông Huỳnh Châu Sang đã nêu lên một số nhận định đưa đến những thành công bước đầu của đơn vị như sau. Đó là việc chủ động thiết lập các kênh thông tin với các cấp chính quyền, cơ quan quản lý. Đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh dựa trên tiềm năng, thế mạnh kinh tế của tỉnh. Theo đó, sẽ giảm được các khoản chi phí cho các mối quan hệ cộng đồng. Mặt khác, phải thiết lập các kênh thông tin đang có của Chính phủ, các bộ ngành và tỉnh bạn, để các chính sách mới đến với DN nhanh và phát huy hiệu quả hơn.
Đổi mới quản trị DN
Chủ tịch UBND tỉnh, ông Bùi Ngọc Sương cho rằng, vấn đề mà các DN vừa và nhỏ cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hội nhập WTO là tự đổi mới công tác quản trị DN, tích cực tham gia các hiệp hội ngành nghề. Các DN chế biến, nuôi trồng thủy sản phải tạo mối quan hệ mật thiết với Hội nghề cá Việt Nam, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)… để những kiến nghị, đề xuất của mình sớm đến với cơ quan chức năng. Qúa trình đổi mới sẽ giúp DN nắm bắt nhanh hơn các thông tin về WTO, các rào cản kỹ thuật … qua đó vận dụng tốt hơn những cơ hội do WTO mang lại và nhận diện chính xác những thách thức của thị trường để chủ động ứng phó, tăng khả năng cạnh tranh phát triển. Để DN trong tỉnh tận dụng tốt các cơ hội kinh doanh, Ban hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh phải sớm hoàn thành chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng lộ trình hội nhập WTO gắn với cải cách thủ tục hành chính theo chiều sâu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh; phát triển các thành phần kinh tế, tăng cường xúc tiến quảng bá đầu tư thương mại, dịch vụ…