Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Liên kết nhà nông và doanh nghiệp: Yếu tố sống còn của nông nghiệp thời hội nhập
01 | 10 | 2007
Trong quá trình "sống chung" với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nước đi trước đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Vậy Việt Nam cần có chính sách gì để tự tin hơn với "sân chơi" mới? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang.

Trong quá trình "sống chung" với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nước đi trước đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Ở Braxin, Tổng thống ủng hộ nông dân xuống đường chống Thỏa ước Đôha; Trung Quốc và Ấn Độ tìm cách điều hòa chính sách sao cho kinh tế trong nước không bị ảnh hưởng khi hàng hóa nước ngoài xâm nhập. Vậy Việt Nam cần có chính sách gì để tự tin hơn với "sân chơi" mới? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang.

Thị trường Trung Quốc (1, 3 tỷ dân) và Ấn Độ (1 tỷ dân) được các doanh nghiệp Âu - Mỹ đặc biệt quan tâm nhưng cách ứng phó của hai nước này trước những cơ hội và thách thức của thị trường tự do lại khác nhau hoàn toàn. Giáo sư có nhận xét gì?

Trung Quốc gia nhập WTO từ năm 2001, nhưng trước đó đã mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bắt đầu từ năm 1990, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đạt khoảng 2, 5 tỷ USD và tăng dần hàng năm, đến năm 2005 đã đạt hơn 70 tỷ USD. Hiện nay, khi đến các cửa hàng ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, đều thấy hàng dân dụng mang nhãn “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc).

Theo nhật báo Wall Streel Journal của Mỹ, nhà nước Trung Quốc sẽ điều chỉnh lại chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), mặc dù dân chúng rất thỏa mãn với chính sách hiện hành vì họ đang được hưởng dịch vụ và sản phẩm có chất lượng cao. Với chủ trương mới, chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư thay vì đem tiền và bằng sáng chế vào Trung Quốc thì phải đầu tư khoa học kỹ thuật và đưa chuyên gia để sáng chế tại nước này; ưu tiên cho những dự án FDI mua lại các doanh nghiệp thua lỗ, nhằm phát huy hơn nữa chất lượng đầu tư, quy định nghiêm túc hơn về các khía cạnh sử dụng tài nguyên khan hiếm; tiếp tục mở cửa các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tài chính tín dụng, bán lẻ... nhưng không vượt quá mức cam kết với WTO.

Tuy gia nhập WTO từ năm 1995 nhưng Ấn Độ vẫn đóng cửa thị trường khiến các nhà đầu tư nước ngoài rất khó xâm nhập. Đến nay, Ấn Độ chỉ thu hút khoảng 6 tỷ USD vốn FDI /năm. Đại diện của Liên minh châu Âu (EU) đã thương lượng nhiều lần với chính phủ Ấn Độ để tìm thỏa ước thương mại song phương có lợi cho EU nhưng không thành công. Khi nghiên cứu thị trường Ấn Độ, thấy nhóm trung lưu ở đây rất thích uống rượu, EU lập tức gia tăng lượng rượu xuất sang nước này. Thế nhưng mới đây, Ấn Độ lại tăng thuế suất rượu vang của châu âu lên 260% và rượu mạnh lên 150%, khiến các nước EU rất phẫn nộ. Đại diện của EU đang lập hồ sơ để kiện Ấn Độ ra Đại hội đồng WTO, nhưng Ấn Độ kiên quyết giữ lập trường vì họ cho rằng các nước Âu -Mỹ đã và đang tài trợ quá cao cho nông sản trong nước, làm cho giá nông sản của EU rẻ hơn rất nhiều so với Ấn Độ.

Theo giáo sư, đâu là thuận lợi và những thách thức chúng ta phải đối mặt khi đã là thành viên WTO?

Chắc chắn khi thực hiện quy chế mậu dịch thời WTO, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi vì dịch vụ hữu hiệu hơn, giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn... Nhưng mặt khác, cả ba khu vực kinh tế đều lo làm cách nào để đứng vững được trong cuộc đua mới. Dĩ nhiên, sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản, bên cạnh đó, những doanh nghiệp khác sẽ có dịp thu hút vốn và kỹ thuật của nước ngoài để phân phối sản phẩm theo các kênh có sẵn của họ.

Khi Việt Nam vào WTO, thị trường nông sản sẽ rộng mở, nhất là với các mặt hàng thuỷ sản và cây ăn quả. Vốn đầu tư nước ngoài gia tăng sẽ kéo theo sự xuất hiện của nhiều nhà máy sơ chế hoặc chế biến nông sản. Nhờ đó, lao động nông nghiệp có thêm công ăn việc làm; người tiêu dùng mua được sản phẩm rẻ, tốt; nông dân nghèo có cơ hội phát triển nhờ các giống mới cho năng suất và giá trị kinh tế cao... Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết giá các mặt hàng nông sản của Việt Nam đắt hơn hàng nước ngoài mà chất lượng lại không bảo đảm. Một mặt vì tốn nhiều chi phí sản xuất, trả nhiều công gián tiếp, mặt khác, cách sản xuất manh mún hiện nay không đáp ứng được đơn đặt hàng với số lượng lớn.

Trước những cơ hội và thử thách đó, theo giáo sư cần có những chính sách thích hợp nào?

Trước khi gia nhập WTO, người nông dân Việt Nam chỉ có thể bán lúa cho hàng xáo địa phương để cung cấp cho thị trường làng, xã. Kiểu thương lái thu gom hàng chục giống lúa khác nhau bán lại cho các công ty chế biến lương thực xuất khẩu sẽ không thể tồn tại khi tiêu chuẩn chất lượng được đặt lên hàng đầu trong các hợp đồng quốc tế.

Một thực tế nữa là phần lớn doanh nghiệp Việt Nam không có bạn hàng chí cốt, nay lại phải cạnh tranh gay gắt với các nước bạn. Cho nên, dù doanh nghiệp lên kế hoạch dự kiến sẽ bán ra số lượng bao nhiêu (căn cứ vào công suất nhà máy) nhưng họ không biết bán cho ai mà chỉ chờ đơn đặt hàng. Do đó, ít có doanh nghiệp nào dám bắt tay trực tiếp xây dựng và nuôi vùng nguyên liệu cho riêng mình. Những doanh nghiệp làm được như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay như Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), Công ty Agifish và Tổ hợp nuôi cá sạch An Giang, Tổ hợp nông dân sản xuất lúa Nhật Bản và Công ty Kitoku tại An Giang...

Nhìn chung, phía nhà nông có vẻ đã chấp nhận điều kiện hợp tác chung để sản xuất nguyên liệu nông sản với khối lượng lớn, chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh. Vấn đề bức thiết hiện nay là nhà nước phải có chính sách phù hợp để nối kết nhà nông và doanh nghiệp, chia sẻ với nhau những rủi ro, thách thức cũng như cùng hưởng lợi nhuận.

Xin cảm ơn giáo sư!



Trần An (thực hiện)
Báo cáo phân tích thị trường