Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
CEO Kiến thức
28 | 09 | 2007
Về từ CEO, người Anh nói rằng CEO xuất phát từ ở Mỹ (Bob Tricker 2003). Tìm tài liệu của Mỹ về nó thì năm 1975 Hội Quản trị Hoa Kỳ có xuất bản quyển “Định nghĩa công việc của quản trị viên” (Defining the Manager’s Job) trong đó họ ghi kết quả một cuộc khảo sát về các chức danh (position title) trong các công ty và liệt kê từ trên xuống dưới các chức danh như sau: “Top management: chairman of the board; vice chairman of the board; president and chief executive officer; president; division president, chancellor”.

Họ cũng cho biết các chức danh này là do các công ty đặt ra, và trong vòng 15 năm trở lại (tức là từ năm 1960) có nhiều cách mô tả chức danh đã được áp dụng.

Nếu xem cách viết nguyên thủy là “president and chief executive officer” và thứ tự của nó đứng trên “president” thì khó có thể dịch nó là “giám đốc điều hành” như hiện nay ở ta. Giám đốc điều hành thì hàm ý có một giám đốc không điều hành.

Vậy ai là đại diện theo luật pháp của công ty? Theo cơ cấu quyền lực trong công ty Mỹ, chủ tịch hội đồng quản trị thường nắm luôn vai trò tổng giám đốc. Hơn nữa CEO chỉ dùng trong công ty đã niêm yết. Khi kiêm nhiệm như thế tổng giám đốc ở Mỹ có quyền rất rộng. Do đó gần đây mới phải có quy định về “corporate governance” để kiềm chế quyền lực kia. Nhân thể xin nói thêm rằng “corporate governance” là một quy chế nằm trên công ty vì nó bao trùm cả cổ đông lẫn người có quyền lợi liên quan (stakeholders) bên ngoài công ty. Dịch cụm từ này là “quản trị” thì tôi e nó bị lẫn với việc quản trị trong nội bộ công ty (management) vốn không bao gồm cổ đông.

Cội nguồn của CEO

CEO xuất phát từ cách thức quản trị công ty (management); giống như công trường đã tạo nên công nhân ngày xưa vậy. Nói thật gọn thì từ cuối thế kỷ 19 đến nay, cách thức quản trị công ty đã phát triển qua bốn giai đoạn, hay nó có bốn trình độ. Đó là: quản trị theo sự thuận tiện (nhờ năng khiếu) - theo khoa học (bắt đầu từ 1910) - tiên tiến (từ 1985) - và hiện đại (1990 đến nay). Trong giai đoạn thuận tiện thì người chủ bỏ vốn nắm luôn việc quản trị cơ ngơi của mình. Họ là “owner - manager” (chủ kiêm quản trị viên). Họ điều khiển cơ sở theo như mình thấy thuận tiện và dựa vào những người mình tin tưởng. Cách này không giúp cho doanh nghiệp lớn ra vì không có đủ người để chủ có thể tin hầu trông coi công việc thay mình. Muốn phát triển cơ sở, ông chủ phải chuyển sang cách quản trị theo khoa học để có nhiều người mà sử dụng, không dựa trên sự tin tưởng nhưng là kiểm soát họ được. Những người này được gọi là quản trị viên (manager). Trong cách quản trị theo khoa học, các đơn vị trong doanh nghiệp được sắp xếp một cách hợp lý (cơ cấu), chúng giao tiếp với nhau để tạo nên sản phẩm theo các thủ tục rõ ràng (cơ chế). Cơ chế đó phải được viết ra. Nó giúp chủ kiểm soát được tiền bạc, việc áp dụng các thủ tục, tiến độ công việc, và việc ghi sổ sách kế toán; nhờ thế ông chủ mới dám giao bớt quyền đi, nghĩa là dùng các quản trị viên. Có nhiều quản trị viên làm thay mình thì cơ sở của ông chủ mới trở nên to lớn được. Đó là một điều kiện vật chất. Một điều kiện khác là sự mạnh dạn của ông chủ dùng người ngoài gia đình. Đấy là điều kiện tâm lý. Hai cái này tạo nên “môi trường” làm nảy sinh quản trị viên, những người có kiến thức về quản trị và làm ăn lương. Đã có “manager” rồi thì ta gọi họ là gì cũng được. CEO, president, CFO. Vậy CEO xuất phát từ cách thức quản trị theo khoa học. Và chính CEO đẩy trình độ quản trị từ khoa học lên tiên tiến rồi hiện đại. Ông “chủ kiêm quản trị viên” không thể làm được việc này.

CEO ở ta

Không nói đến các công ty có vốn nước ngoài vì cách quản trị của họ đã ở trình độ tiên tiến, nên đương nhiên có quản trị viên, kể cả CEO. Cũng không đề cập đến các giám đốc các doanh nghiệp nhà nước mà tính chất “quản trị viên” không phải là yếu tố để họ được chọn lựa. Vậy ta chỉ nói đến quản trị viên của các doanh nghiệp tư nhân. Tại các doanh nghiệp tư nhân ở ta hiện nay, đại đa số vẫn được quản trị theo sự thuận tiện. Ở đây quản trị viên không thể nảy sinh vì ông chủ (i) không có cách kiểm soát người, tiền và công việc trên một diện rộng rãi và liên tục; (ii) không dám tin người ngoài; (iii) sự thành công của họ cho phép họ coi các quản trị viên là “bọn lý thuyết”; và (iv) ông ta có thể đuổi quản trị viên đi hoặc quản trị viên sẽ rời bỏ họ. Số doanh nghiệp đã quản trị theo khoa học ở ta chưa có nhiều. Do đó chúng ta chưa có nhiều CEO phát xuất từ “môi trường”. Vậy số CEO hiện có và nhiều như thế thì ở đâu ra? Tôi cho rằng họ xuất thân từ các trường đại học hoặc họ là các “chủ nhân kiêm quản trị viên”. Phân biệt rạch ròi ra chúng ta có thể hỏi trong Câu lạc bộ CEO hiện nay có bao nhiêu là CEO và có bao nhiêu là “chủ kiêm quản trị viên”? Những người sau không phải là CEO; vì họ không đi làm thuê. Vậy CEO ở ta là “CEO kiến thức” chứ không phải “CEO môi trường”. Điều này dễ hiểu. Khi chúng ta mở cửa, vào đầu 1990, thì trình độ quản trị trên thế giới đã là tiên tiến. Nếu các doanh nghiệp nhập ISO thì các trường đại học đem kiến thức của quản trị tiên tiến, hiện đại về trang bị cho sinh viên; bất kể đến thực tế của quản trị đang còn ở giai đoạn thuận tiện. Ra trường sinh viên trở thành quản trị viên với kiến thức quản trị hiện đại. Họ được gọi là “manager”. Nhà trường mở lớp dạy CEO. Họ đi học và gọi mình là CEO. Vậy họ là “CEO kiến thức”.

Kiến thức sẽ bị mai một nếu nó không có môi trường ứng dụng. “CEO kiến thức” cũng sẽ bị như thế. Bởi vậy “CEO kiến thức” phải làm sao tác động để cho cách quản trị theo khoa học được mở rộng trên đất nước ta, hay ít ra ở những doanh nghiệp nào muốn phát triển. Như thế họ mới có đất đứng để tồn tại trong “môi trường”. “CEO kiến thức” chỉ có thể làm chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi kia; chứ họ không thể thiết lập được cách quản trị đó; bởi họ không phải là chủ. Chỉ có các “chủ nhân kiêm quản trị viên” mới chuyển đổi được. Các trường đại học trên thế giới không còn dạy cách quản trị theo khoa học. Ở ta cũng vậy. Vấn đề của doanh nghiệp ta trước thách thức của WTO là chuyển đổi cách quản trị, nói cho hợp thời là tái cấu trúc. Đổi từ thuận tiện sang khoa học thì không thể lấy kiến thức của quản trị tiên tiến và hiện đại đem ra áp dụng được. Chỉ mất tiền và tốn công!



(Theo TBKTSG)
Báo cáo phân tích thị trường