Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
CEO cho doanh nghiệp Việt Nam: thiếu người, yếu kết nối
07 | 07 | 2008
CEO (giám đốc điều hành) giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của một doanh nghiệp (DN). CEO là ai? CEO sẽ làm gì cho DN? Giải pháp kinh doanh của CEO trong thời điểm hiện nay? Làm sao để kết nối CEO Việt? Đó là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Kết nối CEO”, do Báo Người Lao Động và Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển - Trường Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp tổ chức ngày 6-7.

Thích hợp nhất là người Việt

Theo đánh giá của Giáo sư-tiến sĩ Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển Trường ĐH Kinh tế TPHCM: “CEO phải thực sự là người có tài, để trở thành đầu tàu lôi kéo mọi người vào việc thực hiện mục tiêu chung. Ngoài ra, ở CEO cần hội tụ nhiều tố chất quan trọng khác như sự trung thực, trách nhiệm cao, khả năng chịu đựng thích nghi trước mọi sự thay đổi, biết kết hợp quyền lực và tài năng của mình để điều hành, quản lý”ù. Nhưng rõ ràng, để hội đủ và trở thành một CEO “lý tưởng” như trên không phải dễ; nhất là ở Việt Nam (VN), đôi khi yếu tố tài năng không thể thắng được những yếu tố phụ khác. Ông Trần Xuân Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Năm Sao cho biết, hầu hết những công ty thành công ở Trung Quốc đều có CEO là người bản xứ, họ được đào tạo ở nước ngoài, đã từng làm trong những tổ chức chuyên nghiệp. CEO người bản xứ có nhiều lợi thế hơn CEO người nước ngoài vì họ am hiểu tập quán văn hóa, nên dễ dàng thích nghi. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng mà Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ đưa ra khi quyết định lựa chọn CEO cho DN. Ngoài ra, yếu tố “giao quyền” cũng có tác động lớn đến công việc của CEO. Sự phối hợp giữa CEO và DN chưa phù hợp sẽ hạn chế khả năng phát huy của CEO.

Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế-tài chính quốc tế, Tổng Giám đốc Stenllar Management, Giám đốc Chương trình cao học Quản trị Kinh doanh Đại học Hawaii tại TPHCM dẫn ra những vấn đề xung quanh khái niệm “đúng” về tên gọi tập đoàn kinh tế, để cho thấy CEO nằm ở vị trí quan trọng trong bậc thang giá trị và vấn đề tổ chức của một bộ máy. Theo ông, việc nhiều công ty ở VN dùng “tập đoàn” là chưa đúng với giá trị thực của tên gọi. Vai trò của CEO vì thế mà chưa khai thác, hiểu đúng. Thực tế ở VN hiện nay, CEO vừa là người điều hành, kiêm chủ DN. Ở Mỹ, lương của CEO “thường” khoảng 15-20 triệu USD/năm, nhưng với những “super” CEO mức lương lên đến 50-80 triệu USD/năm. Ông Vinh đề xuất, nên thống nhất chức vụ và danh xưng. Hiện VN dùng CEO rất loạn! CEO nên để là Tổng quản lý. Ông cũng bày tỏ quan điểm, việc các DN dùng General Director (Tổng giám đốc) cho chức danh bằng tiếng Anh là không đúng với chuẩn quốc tế, người nước ngoài sẽ không hiểu được chức danh này.

Vai trò kết nối doanh nghiệp của hiệp hội

Các DN cho rằng, hiện nay VN có nhiều câu lạc bộ CEO, nhưng vẫn chưa có sự kết nối với nhau. Việc này chỉ dừng lại ở việc mang lại lợi ích cho một nhóm người. CEO VN phải kết nối thật sự để đưa ra những giải pháp, tham mưu chính sách mang lại lợi ích cho DN. Vấn đề kết nối CEO Việt cũng giống như kết nối các DN và vai trò hoạt động của các hiệp hội hiện nay. Đây vẫn là mặt yếu, tồn tại dai dẳng bấy lâu chưa giải được trong cộng đồng DN VN. Bà Lại Thu Trúc, Giám đốc Tài chính-Đầu tư Công ty CP TM-DV-TV-ĐT Doanh thương Mỹ Á đánh giá, các hiệp hội ở VN thường hoạt động riêng lẻ, thụ động chờ sự can thiệp của Chính phủ. Bà Trúc đưa ra sáng kiến, các hiệp hội có thể lập ra một quỹ chung để các DN lớn, DN có điều kiện đóng góp vào quỹ. Nguồn vốn này sẽ giúp các DN đang gặp khó khăn có thể xoay xở trong kinh doanh. Điều này sẽ rất hiệu quả, khi thực tế hiện nay nhiều DN không thể vay vốn từ các ngân hàng.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Tổng Thư ký Phòng Thương mại Công nghiệp VN (VCCI) bày tỏ: “Tôi buồn vì chưa kết nối được DN VN với nhau. DN nước ngoài, sống trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhưng họ không bao giờ tách khỏi đối thủ cạnh tranh. Họ vẫn còn giữ lại một “phần” để có thể kết hợp với nhau”. Trong thời điểm khó khăn của kinh tế hiện nay, DN VN cùng đi chung trên một con thuyền, gặp bão tố, phải chung tay cùng chèo về một hướng thì mới có thể vượt qua được, nếu mỗi DN một hướng thì rất khó.

 



Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng
Báo cáo phân tích thị trường