Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp thủy sản khó khăn
02 | 07 | 2008
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Bình Thuận đang xoay xở vượt qua khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao trong khi nguồn nguyên liệu thủy sản khai thác từ biển - vốn là thế mạnh của tỉnh, lại tụt giảm mạnh.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Thuận, cho biết các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Bình Thuận, cũng như các địa phương khác, đang phải đối phó với tình hình tỷ giá ngoại hối, lãi suất vay ngân hàng cao cùng với giá cả trong nước tăng cao, đẩy chi phí sản xuất tăng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Ngoài ra, ông Tiến cho hay: “Chúng tôi gần như khó khăn gấp bội vì thiếu nguồn nguyên liệu trầm trọng”.

Theo ông Tiến, Bình Thuận nổi tiếng trong nước về ngư trường đánh bắt thủy sản với nhiều loài thủy sản phong phú như mực, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cá cơm hay các loài thủy sản khác. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng cao, bà con ngư dân càng đi biển càng thua lỗ và vì vậy mà sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đang giảm mạnh. Chẳng hạn, trước đây một chiếc ghe đánh bắt cá đi biển mỗi tháng hai lần thì nay bà con ngư dân cầm cự bằng cách chỉ đi biển mỗi tháng một lần.  

Ông Tiến dự đoán sản lượng thủy sản của tỉnh trong 6 tháng đầu năm giảm ít nhất 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giảm mạnh nhất là mực - sản phẩm thủy sản có thế mạnh trong chế biến xuất khẩu ở tỉnh này, với sản lượng giảm 50-60%.  

Trong khi đó, nhu cầu thị trường thế giới và thị trường nội địa đối với với các mặt hàng thủy sản của Bình Thuận như nước mắm, các sản phẩm mực không những không giảm mà còn tăng mạnh. “Gần như không có nguyên liệu để sản xuất chứ có bao nhiêu hàng khách hàng mua hết bấy nhiêu”, ông Tiến cho hay.  

Hiệp hội Thủy sản Bình Thuận hiện nay có 40 doanh nghiệp hội viên tham gia chế biến thủy sản xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Ông Tiến cho biết đã có một số doanh nghiệp nhỏ phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng họat động mỗi khi không tìm được nguyên liệu, nên phương cách vượt qua khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp trong tỉnh là xoay xở tìm kiếm nguồn nguyên liệu.  

Doanh nghiệp chế biến nước mắm như Công ty cổ phần nước mắm Phan Thiết (PT Fisaco) thì than thở thiếu trầm trọng nguyên liệu cá cơm để chế biến nuớc mắm. Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thuận (Thaimex) do ông Tiến làm giám đốc thì liên kết với các doanh nghiệp thủy sản trong và ngoài tỉnh để san sẻ nguồn nguyên liệu, mở rộng mạng lưới thu mua thủy sản ở các tỉnh bạn và chọn giải pháp nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài theo phương thức tạm nhập tái xuất.  

Mặc dù nguồn nguyên liệu thủy sản nhập khẩu dồi dào nhưng ông Tiến cũng cho rằng giải pháp này không dễ dàng do phải tìm kiếm đúng loại nguyên liệu mà doanh nghiệp cần. Ngoài ra, nhà sản xuất phải nghiên cứu kỹ thị trường để xuất khẩu sản phẩm làm từ nguyên liệu nhập khẩu, và tìm hiểu nhu cầu của khách hàng nước ngoài về sản phẩm chế biến từ các nguyên liệu này.  

“Công ty của tôi mới nhập con vòm từ Chi lê để về trộn với đầu mực làm ra một sản phẩm mới nhưng trước khi tìm nguồn nhập khẩu vòm, phải chào hàng sản phẩm mẫu với nhà nhập khẩu”, ông kể lại.  

Hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản ở Bình Thuận xoay xở tìm nguồn nguyên liệu bằng cách nhập từ Indonesia và các nước Nam Mỹ. Ông Tiến đánh giá cao đề án nhập khẩu nguyên liệu thủy sản của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) mới công bố với dự kiến nhập nguyên liệu thủy sản trị giá 1-2 tỉ đô la Mỹ/năm.  

Với kinh nghiệm là người đã từng nhập nguyên liệu thủy sản từ nước ngoài và các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Thủy sản Bình Thuận cũng thường xuyên nhập khẩu nguyên liệu, ông Tiến cho rằng khó khăn nhất của nhập khẩu nguyên liệu thủy sản không phải là nhập loại gì, sản lượng bao nhiêu, mà là nhập khẩu về chế biến ra sản phẩm gì và bán cho ai mua.



Nguồn: TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường