Đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp nông thôn (DNVVN) vốn được coi là giải pháp quan trọng để thu hút vốn về nông nghiệp nông thôn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Các doanh nghiệp này đang đối mặt với cả thách thức bên trong như năng lực vốn và lao động cũng như thách thức bên ngoài do môi trường đầu tư đem lại. Thực trạng trên đòi hỏi phải có những chính sách nhằm khuyến khích đầu tư đặc biệt là của các DNVVN vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó cải thiện môi trường đầu tư là yếu tố then chốt.
Nhằm đánh giá lại thực trạng và đưa ra các đề xuất chính sách cải thiện môi trường đầu tư cho các DNVVN trong nông nghiệp nông thôn, được sự hỗ trợ của Dự án: “Nghiên cứu xây dựng khuyến nghị chính sách hỗ trợ phát triển DNVVN” do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn tổ chức hội thảo: “Môi trường đầu tư cho DNVVN trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn” tại Press Club vào ngày 21 tháng 11 năm 2007 vừa qua. Tham gia hội thảo có các nhà hoạch định chính sách của các Bộ ngành liên quan, các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ và các phương tiện thông tin đại chúng.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin về hội thảo với tiêu đề “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nông thôn”. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin: Nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp đã tham dự một cuộc hội thảo về môi trường đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông thôn để chia sẻ, phân tích khó khăn và tìm biện pháp tháo gỡ đối với khối doanh nghiệp này.
Hội thảo do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Tây Ban Nha tổ chức ngày 21/11, tại Hà Nội.
Tại đây, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp Việt Nam (thuộc IPSARD), nhận định môi trường đầu tư ở Việt Nam ngày càng được cải thiện khiến số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung và ở nông thôn nói riêng tăng nhanh.
Điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2006 cho biết, cả nước có gần 74.000 doanh nghiệp ở nông thôn, chiếm 65% tổng số doanh nghiệp. Quy mô vốn trung bình của các doanh nghiệp nông thôn tăng trung bình 1,7%/năm trong giai đoạn 2000-2005. Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở nông thôn.
Tuy nhiên, điều tra cho cũng thấy, có tới 34% doanh nghiệp nông thôn thua lỗ, trong khi con số này năm 2000 là 24%; tỷ số lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
Những khó khăn cơ bản của khối doanh nghiệp này được chỉ ra vẫn là các vấn đề về vốn, đất đai, cơ sở hạ tầng, chất lượng lao động. Về đất đai, theo Tiến sĩ Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, khó khăn là do quỹ đất hạn chế, giá đất cao và thủ tục hành chính phức tạp.
Theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD, những lo ngại về quy mô nhỏ bé, năng lực lập dự án yếu, ít có tài sản thế chấp đã khiến tỷ lệ vốn vay từ ngân hàng hiện chỉ đáp ứng khoảng 20% vốn cho doanh nghiệp ở nông thôn.
Bên cạnh đó, những khó khăn liên quan đến chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng cũng làm cho doanh nghiệp dù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng có xu hướng đổ dồn về đô thị để tận dụng cơ sở hạ tầng và chất xám.
Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, về mặt vĩ mô, cần tiếp tục cải thiện các khuôn khổ luật pháp, chính sách đất đai, tín dụng, nhân lực để tạo thuận lợi hơn cho khu vực doanh nghiệp này. Đồng thời, Nhà nước cần gia tăng những hỗ trợ đối với doanh nghiệp thông qua đầu tư cho khoa học công nghệ, công tác khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp.
Ông Javier Parrondo, phó Đại sứ Tây Ban Nha nhận định thời gian qua, thu nhập ở khu vực nông thôn Việt Nam đã tăng đáng kể, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống. Tuy vậy, việc xóa đói giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn vẫn là thách thức đối với Việt Nam trong giai đoạn tới. Do đó, việc đưa ra những chính sách hợp lý phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông nghiệp nông thôn là điều cần thiết.
Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia cũng khuyến cáo nên có sự chuyển mình bằng cách chú trọng tiếp cận thông tin, tăng cường đào tạo về kỹ năng cho người quản lý cũng như lao động.
TTXVN: http://www.vnagency.com.vn/TrangChu/VN/tabid/58/itemid/224164/Default.aspx
!!
“Doanh nghiệp nông thôn thua lỗ, đang bị bỏ mặc” là tiêu đề bài viết của VietNamNet đưa tin về hội thảo. Phóng viên Hà Yên của VietNamNet đưa tin: Khó khăn về vốn, đất đai, cơ sở hạ tầng, chất lượng lao động... khiến các DN vừa và nhỏ (DNVVN) ở khu vực nông thôn rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài và tăng lên hàng năm, chiếm tới 34% trong 2006. Trong sự phát triển chung, các DN nông thôn dường như đang bị bỏ lại phía sau.
"Môi trường đầu tư cho DNVVN trong lĩnh vực nông thôn" là chủ đề hội thảo do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Tây Ban Nha tổ chức ngày 21/11, tại Hà Nội. Các chuyên gia trong nước và quốc tế phân tích, mổ xẻ về thực trạng các DNVVN ở nông thôn.
Nghịch lý: đất nhiều mà khó tiếp cận
Theo số liệu điều tra DN năm 2006 của Tổng cục Thống kê, số lượng DN nông thôn hiện vào khoảng 73.861, chiếm 65% tổng DN Việt Nam. Từ 2000-2005, quy mô vốn trung bình của các DN nông thôn tăng khoảng 1,7%. Tỷ lệ các DN nông nghiệp trong số các DN nông thôn giảm từ 5,2 xuống 1,2%, trong khi tỷ lệ các DN công nghiệp tăng từ 67,5 lên 70%.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách (IPSARD), trong Báo cáo "Tác động của môi trường đầu tư nông thôn tới các DNVVN", cho biết, 34% DN nông thôn thua lỗ trong khi con số này năm 2000 là 24%. Tỷ suất lợi nhuận của các DN giảm rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ do có quá nhiều DNVVN hoạt động.
Các DN nông thôn vẫn bị bỏ lại phía sau do phải đối mặt với khó khăn về đất đai, lao động, vốn, cơ sở hạ tầng... và các tác động khác.
Theo TS. Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, những yếu tố trên là cản trở cực kỳ lớn của các DN nói chung ở tất cả các nơi, đặc biệt là vùng nông thôn. Bà nêu ví dụ, ở nông thôn, về nguyên lý, tìm đất đai cho các DN dễ hơn nhưng trên thực tế, các DNVVN ở nông thôn lại gặp khó. Nguyên nhân, theo ông Tuấn, là do quỹ đất hạn chế, giá đất cao trong khi các thủ tục hành chính phức tạp.
Khó khăn nữa là vốn. Điều tra của IPSARD cho thấy, hơn 50% vốn hoạt động của các DN nông thôn là vốn tự có của DN và lợi nhuận tích luỹ; chỉ 20% là vay từ các ngân hàng thương mại trong nước.
"Hơn một nửa số DN hiện nay là tự bỏ tiền túi ra hoặc vay mượn gia đình để kinh doanh, như vậy là không ổn. Rất nhiều DN ở nông thôn đói vốn. Rõ ràng là vốn hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của họ, đặc biệt là các DN có đầu tư ở nông thôn chứ chưa nói đến bản thân các DN ở nông thôn", TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD, bức xúc.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Sơn cho rằng, các ngân hàng ngại cho DN ở nông thôn vay vì quy mô rất nhỏ bé, năng lực lập dự án yếu, ít có tài sản thế chấp. Nếu ngân hàng coi DN là khách hàng chu đáo, họ phải chiếu cố tất cả các yếu tố đó để hỗ trợ, thay vì chỉ hướng vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có tài sản thế chấp tốt hơn, có đề án kinh doanh tốt hơn.
Hơn nữa, các yếu tố liên quan đến chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng cũng làm cho DNVVN ở nông thôn vướng víu. Chính vì thế, tuy là DN ở nông thôn, nhưng ngày càng có xu hướng các DN dồn về đô thị vì muốn tận dụng cơ sở hạ tầng và chất xám ở thành thị. Mặc dù ở vùng nông thôn, nhiều địa phương xây KCN, song ngay các DNVVN cũng khó tiếp cận được các KCN ấy. Chưa kể, chi phí "lót tay" ở nông thôn cũng chiếm 0,3% doanh thu của DN.
Đừng bỏ DNVVN nông thôn lại phía sau
TS. Đặng Kim Sơn cho biết, qua hội thảo, IPSARD muốn tìm hiểu chính sách đối với các DNVVN ở nông thôn còn gì vướng để tháo gỡ. Ông thừa nhận một điều, DN nông thôn tất nhiên có nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, thời tiết, cái đó là khách quan. Điều quan trọng hiện nay là cần tìm ra các yếu tố chủ quan gây khó khăn cho DN, sau đó Viện sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT, VCCI... tìm cách tháo gỡ dần.
Theo ông Sơn, hiện nay có rất nhiều thông tin buộc các DNVVN cần tiếp cận. Thứ hai, DN cần đào tạo về kỹ năng cho người quản lý cũng như lao động. Số lượng DN tăng rất nhiều, nhưng quan trọng là phải tăng chất lượng. Gia nhập WTO, các cam kết của Việt Nam mở rộng sẽ đồng thời kéo theo cạnh tranh quyết liệt, lúc đó DN nào mạnh, hoạt động hiệu quả mới tồn tại được.
"Một năm vào WTO thì thời gian còn quá ít để các DN chuyển mình. Số lượng DN tăng lên rất nhiều, số lao động trong DN giảm đi, như vậy các DN hướng nhiều về tăng quản lý, công nghệ hơn là lao động. Tôi nghĩ đây là sự chuyển mình tốt của DN nhưng cần có sự hỗ trợ rất mạnh của Nhà nước, như tăng cường đầu tư cho KHCN, công tác khuyến nông cần làm tốt hơn để chuyển giao KHKT", ông Sơn nói.
TS. Phạm Chi Lan cho rằng, về mặt vĩ mô, chúng ta vẫn tiếp tục cải thiện các khuôn khổ luật pháp, chính sách vì chính những nhân tố như: đất đai, tín dụng, nhân lực... mà các DN khó khăn chính một phần cũng phụ thuộc vào thể chế của Việt Nam chưa thật tốt trong các lĩnh vực đó.
Ví dụ về đất đai, nhiều khi chính DN vướng về sổ đỏ, sổ hồng, và bản thân các bộ cũng không thống nhất với nhau...; hay như tín dụng, dù có cải thiện nhưng cần thêm nữa để DNVVN có điều kiện tiếp cận tốt hơn.
Ông Sơn khuyến nghị, có một mô hình rất tốt được triển khai ở Thái Nguyên là thành lập Hiệp hội các nhà DN. Do vậy mà Dự án MPI-UNIDO (hỗ trợ phát triển DNVVN) đã lựa chọn tỉnh này để hỗ trợ thành lập Phòng Thông tin, giúp DN tìm hiểu thông tin liên quan đến vốn và cách tiếp cận vốn; đào tạo; việc làm và thuế... Qua đó, các ngân hàng cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận DN. Phòng này còn cung cấp tin tức về các chương trình hỗ trợ (khóa đào tạo, hội thảo... ) để giúp các DN nâng cao trình độ quản lý, chất lượng lao động.
VietNamNet: http://vietnamnet.vn/kinhte/2007/11/756094/
Liên hệ với người đăng tin này: Nguyễn Trang Nhung – nguyentrangnhung@agro.gov.vn