Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây mía khó khăn dù giá đường sốt nóng
12 | 10 | 2009
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2007 - 2008, sản lượng đường công nghiệp đã đạt 1,15 triệu tấn, nhưng đến niên vụ 2008-2009, con số này chỉ đạt 909.330 tấn. Mục tiêu 1,4 triệu tấn đường công nghiệp của toàn ngành đang trở nên khó khăn.

Điều nghịch lý là những tháng qua, giá đường thế giới và trong nước tăng liên tục khoảng 60% so với thời điểm đầu năm. Dự báo nhu cầu đường thế giới vẫn tiếp tăng mạnh. Triển vọng cho mặt hàng đường kính và cả đường thô là không nhỏ. Tuy nhiên, cây mía lại chưa đáp ứng được nhu cầu này.

So với con số 42 tấn/ha thời kỳ trước 1995, năng suất mía hiện nay đã đạt từ 80-130 tấn/ha, cá biệt có nhiều CLB tại ĐBSCL năng suất đạt đến 200/ha. Mặc dù vậy, so với nhu cầu thị trường, năng suất này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà máy sản xuất.

Thiếu kỹ thuật

Có thể nói, các biện pháp kỹ thuật cho cây mía đến bây giờ vẫn chưa thực sự thiết thực và hiệu quả. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, mặc dù Bộ NN-PTNT đã có chương trình chọn tạo giống mía để phục vụ nông dân nhưng người trồng mía vẫn chỉ trông chờ vào bộ phận khuyến nông của các công ty. Khả năng của từng công ty lại hạn chế. Có loại giống khi Trung tâm ở Tỉnh nhận kinh phí đề tài từ Bộ  về nghiên cứu, đến khi kết thúc dự án, chuyển giao cho dân thì đã lạc hậu.

Kỹ thuật bón phân cho cây mía được phổ biến qua các công thức khuyến cáo của bộ phận khuyến nông ở Tỉnh hay của các doanh nghiệp đều vẫn chung chung. Đây lại là khâu mang tính quyết định trong mục tiêu tăng năng suất. Nhiều thửa đất mía chỉ cần bón vôi ma-nhê thay vì vôi can-xi, có thể làm tăng năng suất lên gấp đôi. Tuy nhiên, công thức này ít được phổ biến cho người trồng mía vì các thí nghiệm bón phân cho mía chưa được thực hiện một cách khoa học.

Thiếu chiến lược

Hiện tượng canh tác theo phong trào dẫn tới tình trạng người nông dân chỉ chú trọng tới hiệu quả nhất thời trong một năm hơn là theo đuổi một chiến lược cây trồng, vật nuôi bền vững. Người dân ĐBSCL mỗi năm làm một vụ mía rồi nhổ gốc để làm thêm một vụ lúa. Đây là phương thức canh tác hoàn toàn không khoa học. Tại các cường quốc mía đường, cây mía có khi được lưu gốc đến 5 năm, giảm được hao phí đầu tư về hom giống, thâm canh…. Tính hiệu quả sản xuất phải được tính suốt một chu kỳ cây trồng.

Tình trạng không bảo đảm an toàn trong sản xuất mía cũng ngày càng bộc lộ rõ. Người dân có thể tự ý phá vỡ quy hoạch đất trồng mía mà Nhà nước đã ban hành. Chính quyền cơ sở và trên cơ sở nhiều khi bỏ mặc hiện tượng này. Nhiều thời điểm, nhà máy đường đành khoanh tay trước tình trạng diện tích mía ngày càng thu hẹp mà chính quyền không đưa ra biện pháp để giữ lại vùng quy hoạch.

Hệ thống thủy lợi, tưới tiêu cho mía cũng bị phá vỡ do cây trồng thay đổi. Đất quy hoạch mía được chuyển sang trồng mì, cao su, lúa nước. Hệ thống thuỷ lợi cho từng tiểu vùng cây trồng bị phá vỡ khiến năng suất các loại xuống thấp. Nhiều khi gốc mía ngập nước do trồng sát cạnh ruộng lúa đã dẫn đến hiện tượng rễ mía bị nghẹt, không hấp thu được dưỡng chất. Theo các nhà khoa học, bệnh "mía đỏ thối" đang xuất hiện tràn lan, không có thuốc chữa ở vùng mía đất thấp là một báo động.

Thiếu cơ chế thu mua hiệu quả

Cơ chế thu mua hiện nay đang dẫn đến tình trạng cả nhà máy đường và cả người trồng mía đều ít thống nhất với nhau. Giá mía áp dụng mỗi nơi mỗi khác, nông dân chạy tìm thương lái để bán. Đến khi nhà máy chính thức công bố giá bán, nông dân mới hiểu mình bị tư thương ép giá.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay muốn có mía đã áp dụng hình thức đầu tư trọn gói cho nông dân trồng mía. Tuy nhiên, trước khi nhà máy chính thức vào vụ sản xuất, các nhà đầu tư này vẫn phải đối mặt với lực lượng thương lái ở các nơi tấp nập về mua mía. Tình hình nguyên liệu mía chính vì vậy vẫn luôn không ổn định.

Giá mua mía được xác định tại ruộng và tại bàn cân. Nếu bán tại nhà máy, người nông dân sẽ phải chịu chi phí bốc vác và vận chuyển rất cao. Có nhiều ý kiến cho rằng phải kích thích nông dân sản xuất mía bằng cách tăng tỷ lệ giá trị mía/giá thành đường. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn áp dụng thống nhất tỷ lệ 6 mía/ 1 đường. Hầu hết các ý kiến đều nhận thấy cách định giá theo chữ đường lâu nay không có lợi cho các bên. Do thiếu mía, để hút nguyên liệu, các nhà máy đưa ra phương bao chữ đường. Thực chất, đó là hình thức không theo cơ chế thị trường, tức là nguyên liệu, sản phẩm có chất lượng càng cao thì càng phải được giá. Theo đại diện Cục chế biến Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối ( Bộ NN&PTNT) thì chỉ khi chúng ta tổ chức được khâu mua nguyên liệu mía theo phẩm cấp mới có thể hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm đường, góp phần điều hành thị trường đường. Khi đó, sản xuất mía mới không bị thả nổi.



Theo www.khoahocphattrien.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường