Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Đã đến lúc ngành mía đường cần thay đổi”
31 | 03 | 2010
Đưa ra khuyến cáo các nhà máy đường không nên vội vã bán ra với giá thấp trong khi có biểu hiện thị trường đường thế giới đang bị giới đầu cơ làm giá, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho rằng "đã đến lúc ngành mía đường cần thay đổi cách làm, bắt đầu từ cây mía".

Vụ sản xuất mía đường 2009-2010 kết thúc khá sớm so với các năm, vì sao vậy thưa ông?

Nhà máy đường bắt đầu và kết thúc sớm hay muộn là do nguyên liệu mía mà cây trồng lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ khí hậu. Nhưng do đường được giá từ cuối niên vụ 2008-2009, nên một số nơi lại vào vụ sản xuất sớm khi mía chưa chín như đồng bằng sông Cửu Long vào vụ từ cuối tháng 8, Đông Nam Bộ từ đầu tháng 11, miền Bắc, miền Trung như cũ, riêng Tây Nguyên phải lùi lại nhiều ngày do bão.

Đến ngày 15/3/2010, các nhà máy đã ép 8,3 triệu tấn mía, làm ra 762.000 tấn đường, cả niên vụ dự kiến đạt 963.208 tấn đường. Lượng đường tồn kho hiện tương đương cùng kỳ nhưng lượng đường các nhà máy bán ra từ 20/2 đến 15/3/2010 thấp hơn cùng kỳ năm trước 40.000 tấn. Điều này cho thấy ngành đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu bình ổn thị trường, người tiêu dùng không phải lo ngại cơn sốt thiếu đường.

Những nét đáng lưu ý là giá mua mía tăng đã đẩy mạnh việc trồng và chăm sóc cho niên vụ 2010-2011 trong khi quỹ đất bị nhiều loại cây trồng khác cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng có tình trạng ép mía chưa chín đã làm giảm năng suất chất lượng mía, kéo theo khó khăn cho khâu chế biến như làm giảm năng lực máy móc, hiệu suất tổng thu hồi và làm tăng chi phí chế biến. Nông dân ham thu hoạch sớm cũng bị giảm thu nhập. Điều này cho thấy đã đến lúc ngành mía đường cần thay đổi cách làm, bắt đầu từ cây mía.

Vậy đâu là những khó khăn và thuận lợi để thay đổi cách làm, thưa ông?

Về phía chủ quan, sự quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu của một số công ty đường còn rất hạn chế. Thậm chí một số công ty không ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu cho nông dân theo tinh thần Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc quy hoạch vùng mía và kinh phí thực hiện quy hoạch cho các nhà máy đường đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, dẫn tới cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi thấp kém. Việc đầu tư cho công tác giống mía chưa ngang tầm yêu cầu.

Thuận lợi là qua kiến nghị của Hiệp hội và các cấp, các ngành, một số những chính sách bất cập đã được sửa đổi, bổ sung. Ví dụ như trong việc ưu đãi vốn để cơ giới hóa, các doanh nghiệp và bà con nông dân có thể chọn mua loại máy móc phù hợp với đồng mía, kể cả máy nhập ngoại. Các nhà máy đến nay đều thống nhất vùng nguyên liệu là lẽ sống còn, hy vọng thời gian tới sẽ có sự chuyển biến.

Để nâng cấp đồng mía, đâu là những điểm đột phá đã làm được trong thời gian vừa qua, thưa ông?

Mở đầu từ các công ty đường Quảng Ngãi, Lam Sơn, mô hình dồn điền đổi thửa đã được chính quyền địa phương tạo thuận lợi, hướng dẫn cách làm đạt hiệu quả. Nhiều công ty cũng áp dụng phương thức thuê đất từ nông dân để canh tác. Niên vụ hiện nay, đất trồng mía đã tăng từ 275.000 ha lên 290.000 ha, hình thành nhiều vùng mía tập trung.

Điểm đột phá hiện nay là đã thực hiện được phần nào cơ giới hóa khâu canh tác, tiến tới cơ giới hóa toàn bộ khâu sản xuất nông nghiệp. Hiệp hội đã làm việc với các doanh nghiệp Australia về chương trình đầu tư này và bước đầu gần một trăm máy làm đất đã xuất hiện trên các cánh đồng ở Gia Lai, Quảng Ngãi, Đồng Nai...

Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã bắt đầu thay đổi tập quán mía - lúa để cây mía lưu canh. Nhiều năng suất điển hình đã xuất hiện, ví dụ Hậu Giang có câu lạc bộ 200 tấn mía/ha, Tây Ninh có các câu lạc bộ 70 tấn, 100 tấn/ha. Từ cơ giới hóa, người trồng mía đã có thu nhập cao.

Giá đường thế giới đang hạ gây khó khăn cho nhà sản xuất đường, Hiệp hội có kiến nghị gì?

Nhu cầu đường thế  giới vẫn thiếu hụt lớn, dự báo mới nhất là sẽ thiếu đến 9,7 triệu tấn chứ không phải hơn 7 triệu tấn như dự báo hồi cuối năm 2009. Nhiều ý kiến cho rằng thị trường đường đang bị các nhà đầu cơ thế giới khuynh đảo để làm giá. Như vậy các nhà máy đường không nên vội vã bán ra với giá thấp. Như vậy phải có vốn để trả nợ nông dân, trang trải cho đồng mía và đại tu máy móc.

Hiệp hội cũng kiến nghị ngân hàng tạo điều kiện về vốn, cho các doanh nghiệp đầu tư ở các vùng sâu vùng xa được vay vốn ưu đãi theo chính sách đã có. Để bình ổn sản xuất mía đường, Hiệp hội phải tính toán xác định nhu cầu tiêu dùng và kiến nghị Nhà nước có chính sách tạm trữ đường.

Điểm then chốt hiện tại vẫn là xác định mối quan hệ giữa nông dân và nhà máy. Chúng tôi cũng đang tập hợp các chuyên gia có kinh nghiệm quản lý, sản xuất để đề xuất cơ cấu tổ chức sản xuất ngành mía đường.



Theo VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường