Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hà Nội “vướng” nhiều
05 | 10 | 2007
Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ra đời hơn 3 tháng nay với mong muốn giải quyết những bất cập liên quan đến việc sử dụng và quản lý đất đai tại các địa phương. Tuy vậy, từ thực tế thực hiện nghị định một số vướng mắc khác lại... nảy sinh - mà vướng mắc tại Hà Nội là một minh chứng cụ thể.

Vừa qua UBND TP Hà Nội đã có một số kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc của NĐ 84 trong công tác quản lý đất đai tại Hà Nội.

Theo Khoản 3, Điều 43 của NĐ, quy định hỗ trợ đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư và đất vườn ao liền kề với đất ở trong khu dân cư khi Nhà nước thu hồi, thửa ruộng (không có nhà ở trong cùng thửa đất) tiếp giáp với các thửa đất nông nghiệp có nhà ở trong cùng một thửa đất được hỗ trợ bằng tiền theo diện tích, nhưng không quá 5 lần hạn mức.

Thực tế tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh TP phía Bắc, một chủ có nhiều thửa đất, diện tích nhỏ manh mún. Trong một dự án thu hồi đất, thường có nhiều thửa tiếp giáp, xen kẽ và nhiều thửa không tiếp giáp, không xen kẽ. Chính vì vậy, trong một dự án sẽ có nhiều mức giá bồi thường khác nhau, mặc dù công năng sử dụng của các thửa đất đó hoàn toàn giống nhau. Nếu thực hiện quy định này khả năng dẫn đến khiếu kiện của người dân sẽ tăng lên, làm dự án bị kéo dài, gây mất ổn định tình hình chính trị, kinh tế tại địa phương.

Ví dụ gần đây nhất là dự án khu đô thị mới tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Nhiều hộ dân đã tụ tập đông người khiếu nại đến UBND xã, UBND huyện và UBND TP Hà Nội kéo dài tới vài tháng về việc giá đất bồi thường chỗ này 180.000 đồng/m2 chỗ kia lại được 1.080.000 đồng/m2. Chủ đầu tư kêu trời vì dự án bị kéo dài, tiền lãi ngân hàng, tiền phạt của đối tác thi công.

Từ thực tế này, UBND TP Hà Nội kiến nghị, trong cùng một dự án, nên áp một giá bồi thường cho đất nông nghiệp (trừ trường hợp đất vườn, ao liền kề có nhà ở trong cùng một thửa đất) để tránh khiếu kiện và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi thường, GPMB.

Bên cạnh đó, thực tế tại Hà Nội quỹ đất nông nghiệp hạn chế. Nhưng theo Điều 48 quy định về bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, các hộ gia đình sẽ được giao đất tái định cư khi bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp. Như vậy, muốn tạo quỹ đất để giao tái định cư cho các hộ dân, TP lại phải thu hồi đất của các hộ sản xuất nông nghiệp khác. Do vậy, thực hiện điều này tại TP Hà Nội là khó khăn và không có tính khả thi. Mặt khác, hiện nay khi thu hồi đất để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng TP chỉ áp dụng tái định cư bằng căn hộ chung cư cao tầng, việc giao đất tái định cư chỉ áp dụng cho khu vực các huyện.

Chính vì vậy, UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP Hà Nội được thực hiện bồi thường cho phù hợp với đặc thù của địa phương. Cụ thể, đối với khu vực đô thị và các khu vực quy hoạch phát triển đô thị (quận, thị trấn), khi Nhà nước thu hồi được bồi thường, hỗ trợ bằng tiền, không áp dụng việc giao đất tái định cư. Đối với diện ngoài khu vực đô thị và khu vực phát triển đô thị (huyện) thì được giao đất tái định cư. Mức giao đất cho các hộ do UBND TP quy định phù hợp với điều kiện thực tế tại từng huyện...

Những kiến nghị của UBND TP Hà Nội đã được Văn phòng Chính phủ chuyển tới Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Tài chính xem xét giải quyết theo thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền và trả lời UBND TP Hà Nội.



Theo dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường