Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn
20 | 09 | 2007
Những năm qua, cùng với sự đổi mới kinh tế và các chủ trương, chính sách đúng đắn của Ðảng, Nhà nước đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các cụm làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn phát triển.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tình hình hoạt động, sản xuất tại các làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương.

Bạn đọc Minh Tư (Hà Tây): Ðến nay, cả nước có khoảng 2.000 làng nghề, trong đó bao gồm các loại hình doanh nghiệp HTX, tổ sản xuất hộ gia đình thu hút hơn 11 triệu lao động. Số hộ và cơ sở nghề hằng năm tăng bình quân từ 8,9 đến 9,8%. Tuy nhiên, theo phân loại của các tỉnh, số làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động có mức tăng trưởng thường xuyên còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

Nguyên nhân của tình trạng này là do việc thực thi các chính sách tác dụng làng nghề, doanh nghiệp còn hạn chế. Ở một số nơi, thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, lãnh đạo địa phương đã giải quyết kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp, nhưng cũng còn không ít công chức trong khi thừa hành nhiệm vụ, có biểu hiện cố tình gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tư nhân. Ngoài ra, có địa phương lại quá chú trọng, chỉ quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, dự án có vốn đầu tư lớn, khiến cho các làng nghề, doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn về vốn, cũng như mặt bằng phát triển sản xuất.

Bạn đọc Hà Anh (Bình Dương): Theo số liệu của ngành chức năng, thành quả mà khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho nền kinh tế chiếm tới 1/4 tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Tại các tỉnh, TP lớn như Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng..., hoạt động của doanh nghiệp tư nhân đem lại hơn 20% tổng thu ngân sách cho địa phương. Qua đó, lực lượng này đã góp phần quan trọng vào việc tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.

Song, thực tế cho thấy sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay còn hạn chế. Trước hết là nguồn vốn nhỏ, lực lượng lao động chủ yếu là lao động thủ công và khép kín trong quan hệ gia đình, gia tộc để tận dụng lợi thế truyền thống, chứ chưa mở rộng thu hút các đối tượng bên ngoài. Những hạn chế này làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp như công nghệ, thiết bị lạc hậu, sản xuất phân tán, manh mún, đẩy giá thành cao, sức cạnh tranh kém. Mặt khác, do cơ sở hạ tầng chưa được coi trọng, thường gây ô nhiễm môi trường.


Báo cáo phân tích thị trường