Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lược trích ý kiến của GS.VS Đào Thế Tuấn về vấn đề PTNT ở nước ta trong thời kỳ mới
21 | 03 | 2007
Phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Song có nhiều vấn đề lớn sẽ đặt ra như: phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp theo hướng nào; việc phát triển hoạt động phi nông nghiệp trong tình hình nông thôn hiện nay; bảo vệ thành quả của cải cách ruộng đất...

Về phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp

Hiện nay, muốn phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp thường có hai cách. Thứ nhất, kêu gọi các doanh nhân đầu tư vào nông nghiệp. Thứ hai, giúp cho các nông dân khá và trung bình trở thành các chủ nông trại gia đình, các doanh nhân nông nghiệp.

Chúng ta đã có chính sách giúp đỡ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công nghiệp, thì sự giúp đỡ cho các doanh nghiệp nhỏ trong nông nghiệp phát triển cũng là điều cần thiết. Cụ thể:

- Đối với các hộ nông dân nghèo, thiếu điều kiện để kinh doanh nông nghiệp (kể cả trình độ canh tác lẫn các yếu tố sản xuất), thì nên giúp họ chuyển sang công nghiệp và dịch vụ dưới dạng lao động làm thuê ở đô thị hay ở nông thôn, nhường lại đất cho các hộ phát triển nông nghiệp. Hiện nay, các làng nghề ở nông thôn đang phát triển thành các doanh nghiệp nhỏ thu hút nhiều lao động nông nghiệp. Đây là một nhân tố mới có tác dụng tích cực đối với quá trình rút lao động ra khỏi nông nghiệp, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

- Các hộ làm nông nghiệp giỏi, phần nhiều là nông dân khá, sẽ phát triển thành các nông trại gia đình có quy mô lớn hơn để sản xuất hàng hóa và sẽ là những doanh nghiệp nông nghiệp trong tương lai, chuyên môn hóa sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản. Để đẩy nhanh quá trình này, Nhà nước phải có chính sách thúc đẩy việc tập trung ruộng đất từ các hộ không làm nông nghiệp hoặc làm không hiệu quả vào tay các hộ chuyên sản xuất nông nghiệp, chống việc đầu cơ ruộng đất, có sự hỗ trợ tín dụng, cách thức làm ăn và công nghệ hiện đại cho các nông trại gia đình.

Về phát triển các hoạt động phi nông nghiệp để giảm tình trạng thiếu việc làm

Phát triển các hoạt động phi nông nghiệp không những tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, mà còn nâng cao thu nhập của nông dân. Thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp được hiểu không phải chỉ từ công nghiệp và xây dựng, mà còn từ hoạt động buôn bán, vận tải, tài chính, tô tức và du lịch; thu nhập từ bán trực tiếp nông sản, bán sức lao động trong vùng và ở đô thị, ở nước ngoài, kiều hối, bảo hiểm xã hội, lợi tức... Hiện nay, nếu ở miền Nam số nông dân không có đất tăng lên, thì ở miền Bắc nông dân bỏ làm nông nghiệp, nhưng lại không bán quyền sử dụng ruộng đất. Điều đó có thể là do độ bấp bênh của ngành, nghề mới còn cao, trong lúc chi phí bỏ ra để giữ đất theo kiểu "phòng cơ" không đáng kể, nên hậu quả là gây lãng phí đất. Đây là thách thức cho phát triển nông thôn. Thêm nữa, suất tăng lao động nông thôn trong 25 năm qua chỉ tăng bình quân 3,1%/năm, nhưng công nghiệp và dịch vụ đô thị không thu hút hết số lao động tăng lên. Nếu như chúng ta không rút được lao động ra khỏi nông nghiệp, thì năng suất lao động và thu nhập trên đầu người không thể tăng nhanh được. Vì vậy, vấn đề đẩy mạnh các hoạt động phi nông nghiệp càng là nhiệm vụ cấp thiết.

Giữa nông nghiệp và các hoạt động phi nông nghiệp có mối quan hệ tương hỗ rất chặt chẽ, không hề cạnh tranh nhau, mà có tác động thúc đẩy lẫn nhau bởi, nếu không có thị trường nông thôn, không có công nghiệp và dịch vụ nông thôn, thì làm sao có thể có được nền nông nghiệp hàng hóa. Việc phát triển các hoạt động phi nông nghiệp còn giúp nông dân phát triển tư duy kinh doanh mới. Thậm chí cả những quá trình như đô thị hóa, di cư tạm thời hay lâu dài ra khỏi nông nghiệp, nông thôn cũng hỗ trợ cho sự phát triển của nông nghiệp.

(còn tiếp)

lược trích trong website www.tapchicongsan.org.vn



Báo cáo phân tích thị trường