Nông dân rủ nhau sắm... máy bơm
Những cơn mưa phùn mấy ngày nay ở miền Bắc không thể làm cánh đồng lúa đang đà sinh trưởng ở thôn Văn Nhuế bớt đi phần nứt nẻ. Con đường dẫn vào cánh đồng cũng bị cày xới bởi hàng chục chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng ngày đêm quần đảo. Cũng vì thế mà đám lúa ven đường trở nên còi cọc, úa vàng vì bị bụi đường, đất đá phủ lên. Đang hì hục tát nước từ mương vào ruộng, thấy chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng than thở: “Mấy tuần nay, ngày nào tôi cũng phải tát nước cho lúa, nhưng cứ tát được một lúc là nước mương lại cạn”. Chỉ tay về phía mấy cái máy bơm đang nổ ầm ầm, ông Hùng cho biết: “Mấy nhà đó có điều kiện nên sắm được máy bơm, còn nghèo như gia đình tôi thì phải tát bằng gầu”.
Chúng tôi men theo bờ mương đi sâu vào một đoạn, ông Đặng Xuân Thanh (đội 9), đang loay hoay giăng ống nước vào ruộng cho biết: “Gia đình tôi vừa bán đàn lợn, gom góp được hơn 1 triệu đồng để sắm máy bơm nhưng cũng chỉ bơm được một lúc là hết nước. Những thửa ruộng dưới này còn có nước để bơm, chứ ở trên cao, bói không ra giọt nước nào”. Theo chỉ dẫn của ông Thanh, chúng tôi đi về phía cuối cánh đồng, ở đây, những thửa ruộng đang bị nứt nẻ vì thiếu nước. Một vài thửa lúa đã héo vàng... Thấp thoáng có vài hộ dân mang máy bơm ra đồng nhưng cũng đành bó tay vì không có nước. “Chắc phải bỏ ruộng thôi, nếu giai đoạn này mà không cung cấp đủ nước thì lúa sẽ còi cọc hoặc năng suất rất thấp”, chị Lê Thị Tâm bức xúc.
Chỉ tay về phía cánh đồng Mã Cố, ông Đặng Văn Tiến cho biết: “Người dân Văn Nhuế chúng tôi như ở vùng sâu, vùng xa của huyện vậy. Tuy có 2 nguồn nước từ trạm bơm Văn Lâm và thị trấn Bần nhưng chưa bao giờ nước đến đủ chỗ chúng tôi. Trạm bơm của thị trấn lại bơm theo lịch nên nhiều khi ruộng nứt nẻ, lúa sắp chết nhưng vẫn không thấy bơm”.
Được biết, để cấy được lúa, phần lớn các hộ dân buộc phải tự sắm riêng cho gia đình một cái máy bơm. Theo người dân, máy bơm Trung Quốc hiện có giá 1- 1,5 triệu đồng. Theo cách tính toán của ông Nguyễn Văn Bính (đội 7) thì: “Tuy xăng dầu có giảm nhưng mỗi lần bơm chúng tôi cũng phải chi phí 5.000 - 7.000 đồng, 2 ngày bơm 1 lần. Với chi phí này, sau khi thu hoạch chắc sẽ lỗ”.
Không có nước, đành bỏ lúa
Mấy vụ gần đây, do nước không đến được chân ruộng nên một số người dân thôn Văn Nhuế phải bỏ lúa để trồng các cây trồng khác. Ông Đặng Nguyên Trực (đội 8) cho biết: “Đất ở đây tốt lắm nên cấy lúa vụ nào cũng cho năng suất cao, nhưng vì không có nước nên đành bỏ”.
Ngoài trồng các cây hoa màu, một vài người dân đã chuyển sang trồng cây cảnh. Ông Đặng Văn Dưng (đội 9) cho hay: “Không trồng được lúa, gia đình tôi vay mượn hàng chục triệu đồng để mua giống cây cảnh về trồng nhưng chưa có kinh nghiệm nên khi bán chẳng ai mua”.
Theo người dân, nguyên nhân nước không đến được các thửa ruộng vì đây là nơi cuối nguồn, song còn một lý do khác đó là toàn bộ diện tích canh tác đang nằm trong diện giải toả mặt bằng dành cho dự án khu đô thị của Tập đoàn Hoà Phát. Trong khi chờ dự án, toàn bộ hệ thống kênh mương dẫn nước vào ruộng đồng không được chính quyền đầu tư. Trạm bơm nước của thị trấn thì hoạt động cầm chừng nên việc thiếu nước cho người dân sản xuất thường xuyên diễn ra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Khải, Chủ tịch UBND thị trấn Bần cho biết: “Do mực nước sông Bần vào mùa này thấp nên chúng tôi chỉ bơm được một lúc là đã hết nước, dẫn đến nhiều khu ruộng cuối nguồn và cao nước không đến nơi được. Hơn nữa, toàn bộ 267ha đất nông nghiệp còn lại của thị trấn đều nằm trong dự án khu đô thị của Tập đoàn Hoà Phát nên chúng tôi không được phép đầu tư, nâng cấp hệ thống kênh mương dẫn nước cho bà con”.
Và trong khi đợi dự án triển khai, chính quyền và người dân thôn Văn Nhuế đành bất lực trước những thửa ruộng nứt nẻ, khô cằn?!