Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều vùng trồng lúa của Hà Nội bị hạn nặng: Giật mình các công trình thủy lợi
17 | 04 | 2009
Mực nước trên các sông tiếp tục xuống thấp, 20.000ha lúa Xuân của các huyện phía Bắc Hà Nội đang khô hạn, nhưng 3 trạm bơm Nhà nước đầu tư tới hơn 80 tỷ đồng vẫn không hoạt động được. Năng suất, sản lượng vụ lúa Xuân này phụ thuộc rất nhiều vào việc có nước tưới dưỡng hay không...

Ruộng khát nước, trạm bơm "đắp chiếu"

Ông Khuất Duy Hùng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phúc Thọ, có thâm niên hàng chục năm trong ngành thủy lợi cho biết: "Trạm bơm Xuân Phú đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng nay lại bỏ phí không bơm tưới được, máy để không, đồng lúa khát nước, xót hết cả ruột". Phóng viên báo Hànộimới đến công trình trạm bơm Xuân Phú, gặp những người dân ở đây họ đều than thở: Hàng nghìn héc-ta lúa Xuân đương thì đứng cái, làm đòng khô héo vì thiếu nước tưới dưỡng, thế mà kể từ khi trạm bơm này hoàn thành (đã hơn một năm), những cánh đồng này chưa được một giọt nước nào. Qua tìm hiểu được biết, trước năm 1994, tại xã Xuân Phú có một trạm bơm, nhưng dòng chảy từ thượng lưu sói vào bờ hữu Hồng đã cuốn trôi đi mất.

Theo ông Vũ Xuân Phiêu, Phó Trưởng ban Quản lý các dự án Nông nghiệp thủy lợi Hà Nội, để phục vụ sản xuất cho 1.600ha vùng bãi huyện Phúc Thọ, tại Xuân Phú được lắp đặt tạm 10 máy bơm dã chiến thay thế trạm bơm cũ. Đến năm 2002, Bộ NN&PTNT có dự án "Làm sống lại dòng sông Đáy". Cụm công trình đầu mối sông Đáy được xây dựng để lấy nước sông Hồng vào sông Đáy phục vụ sản xuất, riêng trạm bơm Xuân Phú mới được đầu tư 19 tỷ đồng, đây là một hợp phần của cụm công trình đầu mối sông Đáy. Ông Nghiêm Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) Hà Nội cho biết thêm, do phải tuân thủ đúng thiết kế kỹ thuật nên khi đưa vào sử dụng, trạm bơm Xuân Phú có lúc bơm được, lúc không. Còn như hiện nay thì đành "bó tay" vì mực nước sông Hồng quá cạn. Điều đáng nói, cụm công trình đầu mối sông Đáy vẫn đang trong quá trình xây dựng dở dang, nên cửa lấy nước vào cống Cẩm Đình bị bồi lắng, cống cũng hạn chế tác dụng.

Theo ông Đào Ngọc Sơn, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ, trước khi xây dựng hạng mục phần móng cụm công trình - phía thượng lưu cửa cống Cẩm Đình, cử tri huyện Phúc Thọ đã nhiều lần chất vấn khả năng cốt đáy (dương 3) cao hơn mực nước sông Hồng, nhưng lúc đó ít người quan tâm. Hậu quả là các công trình, trong đó có trạm bơm Xuân Phú bị ảnh hưởng. Ngoài trạm bơm Xuân Phú, một số trạm bơm ở các huyện phía Bắc thành phố cũng đang mất tác dụng trong việc bơm nước tưới cho vụ Xuân. Gặp khó khăn nhất là lưu vực tưới của trạm bơm Phù Sa (Sơn Tây), trạm bơm này được xây dựng từ lâu, có 4 máy công suất 10.000m3/giờ, vốn đầu tư cả chục tỷ đồng; do không đáp ứng nổi việc tưới nước nên năm 2003 được xây dựng thêm 1 trạm bơm dã chiến với 21 máy công suất 21.000m3/giờ tại cống tự chảy trạm bơm Phù Sa. Trên thực tế trạm bơm dã chiến này mới chỉ bơm được một nửa số máy với điều kiện mực nước sông Hồng ở trên 3,5m; nhưng cả tháng nay, mực nước sông Hồng xuống dưới 3,5m, nên trạm bơm dã chiến này cũng "nằm im", hậu quả hơn 13.000ha lúa của nhiều huyện phía Bắc thành phố thiếu nước tưới dưỡng.

Ông Phan Thế Hội, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Mê Linh cho biết: Công trình trạm bơm tiêu có tổng đầu tư là 53 tỷ đồng, trong đó phần máy bơm là 22 tỷ đồng, phần thiết kế bơm nước ở mực 2,6m thì hiện nay nước sông Hồng đang ở ngưỡng 2m, nên trạm bơm này đành nằm im.
 
Mong trời đổ mưa

Không chỉ người dân bức xúc lo lắng như "đứng trên tổ kiến lửa" mà ngay cả chính quyền địa phương cũng vô cùng bức xúc trước những trạm bơm không thể phát huy tác dụng. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Văn Đạt cho biết: "Chúng tôi chứng kiến cảnh thiếu nước tưới dưỡng cho lúa Xuân mà đau xót, nhưng không biết cách nào để khắc phục vì hầu hết các trạm bơm đều bị tê liệt, chỉ còn cách huy động bà con mang khau, gầu tát, máy bơm dầu, nhưng không thấm vào đâu. Nếu tình trạng hạn hán vẫn còn tiếp diễn, không chỉ lúa vụ Xuân bị thiếu nước tưới dưỡng mà nhiều diện tích cây rau màu khác của huyện Phúc Thọ khả năng cũng khô héo".

Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi Hà Nội: Nếu thời tiết nắng nóng 5 - 10 ngày nữa, thì hàng nghìn héc-ta lúa Xuân đang thời kỳ làm đòng cũng bị hạn nặng. Ông Nghiêm Xuân Đông cho biết: Trước đây các công trình đầu mối trong điều kiện bình thường đủ năng lực đáp ứng được việc tưới, tiêu. Nhưng từ năm 2001 đến nay, tình trạng hạn hán diễn ra khá gay gắt, chủ yếu do lượng nước các sông đều cạn và phụ thuộc vào sự điều tiết của hồ Hòa Bình. Nhiều năm qua nước sông, hồ chứa nước quốc gia chỉ đủ để phục vụ cho việc đổ ải, không đáp ứng được nước tưới dưỡng cho lúa, rau màu. Hàng nghìn héc-ta lúa đang khô hạn vì thiếu nước, nếu Chính phủ chưa cho xả nước hồ Hòa Bình thì người dân chỉ còn cách cầu trời đổ mưa.



Nguồn: www.hanoimoi.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường