Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tính chuyện tăng giá trị cho gạo
29 | 08 | 2007
Vùng ĐBSCL hiện vẫn còn nhiều giống lúa thơm như Nàng thơm chợ Đào, Nàng nhen... hội đủ nhiều tiêu chuẩn để đem chào hàng khắp thế giới. Cơ hội là thế nhưng cách khai thác quá “non tay” đã khiến nông dân dần ngoảnh mặt, diện tích lúa thơm teo tóp dần

Trách phận lúa thơm!

Ở Long An, tiếng tăm của gạo Nàng thơm chợ Đào không chỉ lan tỏa khắp vùng ĐBSCL mà còn đến tận Hà Nội và nhiều vùng khác trên cả nước. Tuy nhiên, loại gạo dẻo, thơm này chưa chắc ai ở ngay vựa lúa miền Tây này cũng đã từng nếm qua. “Diện tích đã teo tóp dần. Hiện nay, chỉ còn khoảng 500 héc ta ở Long An còn dành cho giống lúa này”, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, cho biết. Tại An Giang, theo ông Xuân, nhiều người cũng xem giống lúa Nàng nhen như một loại đặc sản của địa phương. Nói là vậy, nhưng những người trồng giống lúa này lại chẳng mấy hăng hái nên diện tích cũng teo tóp dần, hiện còn chưa đến 1.000 héc ta...

Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Minh Cát Tấn - chuyên kinh doanh các loại gạo thơm - phân tích: “Các giống lúa thơm thường cho năng suất không cao, thời gian thu hoạch lại dài hơn các giống lúa khác nên nông dân nản lòng”. Ông dẫn chứng, giống Nàng thơm chợ Đào chỉ trồng được vào vụ đông xuân. Một số giống lúa thơm khác lại rất kén điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu... nên nếu trồng ở vùng khác thì hạt gạo cũng không hơn gì các giống lúa thường. “Trồng các giống lúa này, nếu trúng thì năng suất vụ đông xuân đạt khoảng 5 tấn/héc ta, trong khi các giống lúa cao sản khác có thể đạt hơn 6 tấn/héc ta, nhưng có khi cả vụ chỉ thu được... 0,5 tấn/héc ta”, ông Dũng kể thêm về sự “khó tính” của lúa thơm.

Và nguyên nhân quan trọng nhất, theo ông Xuân: “Giá thu mua lúa thường và lúa thơm bị cào bằng. Do đó, nông dân chẳng dại gì không bỏ lúa thơm mà trồng những giống lúa cao sản khác có năng suất cao hơn”. Theo ước lượng của ông Xuân, cả vựa lúa miền Tây hiện giờ còn không tới mười giống lúa thơm có mặt trên những cánh đồng.

Đó cũng là hệ lụy của một tư duy xuất phát từ thời kỳ đầu phát triển kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam. Theo ông Xuân, thời đó từ các nhà khoa học cho đến nông dân đều cùng quan niệm là cứ giống lúa nào năng suất không cao là không nghiên cứu, không trồng! Kết quả là từ “thiếu ăn”, Việt Nam đã vươn lên hàng thứ hai thế giới về lượng gạo xuất khẩu hàng năm. Nhưng vì sao gạo Việt Nam luôn bán thấp hơn gạo Thái Lan khoảng 20 đô la Mỹ/tấn và chỉ cung cấp cho các thị trường nghèo, dễ tính hoặc chỉ dùng làm nguyên liệu tinh bột để chế biến các loại thực phẩm khác? Một trong các nguyên nhân chính là vì Thái Lan đã làm ngược lại, họ chỉ chú trọng phát triển những loại gạo ngon chứ không đặt nặng về năng suất như ở Việt Nam...

Chậm, nhưng phải làm

Ông Xuân nói rằng, dù chậm nhưng bây giờ vẫn rất cần khuyến khích nông dân hạn chế trồng những loại lúa cho gạo xốp, nở và thay bằng những giống lúa thơm có giá trị cao. Không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam, người tiêu dùng cũng đã trở nên khó tính và có xu hướng ăn gạo ít hơn, nhưng phải có chất lượng cao. Tuy nhiên, muốn hạt gạo thơm hấp dẫn nông dân trồng thì phải có cơ chế thu mua, kinh doanh tách bạch để giá gạo thơm trội hơn hẳn so với gạo thường. Doanh nghiệp cũng phải từ bỏ kiểu làm “ăn xổi ở thì” mua gì bán nấy, mà phải tính đến các loại gạo cao cấp.

Công ty Minh Cát Tấn từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2003 đã tính đến phương cách ấy. “Gạo ngon, có thương hiệu đương nhiên sẽ bán được với giá cao hơn!”, ông Dũng tính toán và chọn thị trường TPHCM, nơi mặt bằng thu nhập của người dân khá cao để khai thác. Những hạt lúa thơm được đích thân ông đi chọn, mua. Sau khi xay xát, gạo được chuyển về nhà máy của công ty ở Củ Chi để loại trừ tạp chất, khử trùng, đóng gói và kiểm tra độ ẩm... Loại gạo nào ra loại gạo đó, chất lượng từng loại được bảo đảm rõ ràng và bán với giá khác nhau. Kèm theo đó, các thông tin hướng dẫn cách bảo quản và sử dụng gạo cũng được in trên bao bì để khách hàng nhận biết dễ dàng.

Với 50-60 nhân viên tiếp thị hàng ngày đến từng căn hộ giới thiệu gạo thương hiệu Kim Kê, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều người tiêu dùng ở thành phố đã quen dần với sự có mặt của những hạt gạo thơm trong bữa ăn hàng ngày. Từ con số 30-40 tấn/tháng, đến nay Minh Cát Tấn đã tiêu thụ được bình quân 100 tấn/tháng. Và bây giờ, gạo Kim Kê đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị trên cả nước với giá bán từ 9.500-16.000 đồng/ki lô gam. “Nông dân trồng lúa thơm cũng được lợi vì chúng tôi luôn thu mua lúa thơm với giá trên dưới 6.000 đồng/ki lô gam - gần gấp đôi các loại lúa thường”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, đầu tháng 8-2007, Minh Cát Tấn đã khai trương nhà hàng cơm tấm Kim Kê đầu tiên tại TPHCM. Nhà hàng này chế biến nhiều loại cơm khác nhau đều từ nguồn gạo tấm thu được trong quá trình xay xát lúa ở nhà máy của công ty. “Đây là một cách chúng tôi giới thiệu gạo thơm đến tận bàn ăn cho khách và nâng cao giá trị cho hạt gạo”, ông Dũng nói và cho biết thêm, những nhà hàng cơm tấm tương tự sẽ dần dần mọc ra thêm, đưa thương hiệu Kim Kê vươn xa.

Nhưng để khép kín quy trình sản xuất và kinh doanh gạo thơm, theo ông Dũng, phải làm sao nhanh chóng có được nguồn nguyên liệu ổn định. “Ngoài một số diện tích nông trường đã ổn định từ trước tới nay, chúng tôi đang bàn bạc với một số nông dân và ngay cuối năm nay, sẽ hợp tác để sản xuất thí điểm lúa thơm trên 5- 10 héc ta đất ở Tiền Giang. Nông dân sẽ được cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm và sẽ là những “công nhân nông nghiệp kỹ thuật cao” được trả lương hẳn hoi, ngoài thu nhập có được trên mảnh đất của mình”, ông phác thảo về dự án mở rộng chuỗi nông trường của công ty mà Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân đảm nhận vai trò tư vấn và hỗ trợ về kỹ thuật.

Hiện nay, một số loại gạo thơm của Việt Nam cũng được xuất khẩu, nhưng do chưa được công nhận các tiêu chuẩn quốc tế, chưa có thương hiệu riêng nên giá xuất khẩu chẳng chênh lệch bao nhiêu so với lúa thường. Như ở Công ty Me Kong (Cần Thơ), bình quân mỗi năm xuất được khoảng 3.000 tấn lúa thơm, nhưng theo ông Lê Việt Hải, Giám đốc công ty, thì: “quy ra, giá xuất khẩu chỉ cao hơn gạo thường khoảng 50 đồng/ki lô gam”!



Nguồn: kinhtenongthon
Báo cáo phân tích thị trường