Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo Việt Nam vượt gạo Thái : lo nhiều hơn vui
19 | 08 | 2011
Lần thứ 2 trong năm nay giá gạo Việt Nam vượt giá gạo Thái Lan, nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành gạo lại đang lo lắng nhiều hơn là vui mừng vì chưa kịp hưởng giá bán cao thì giá gạo nguyên liệu lại tăng vùn vụt. Chưa kể, nhiều đơn hàng có khả năng sẽ “chảy ngược” từ Việt Nam sang các nhà xuất khẩu Thái Lan.

Lo nhiều hơn vui

Ông Lê Trường Sơn, Tổng giám đốc công ty cổ phần Docimexco, doanh nghiệp vừa được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ 8.000 tấn xuất khẩu cho thị trường Indonesia xác nhận giá gạo Việt Nam vừa qua mặt Thái Lan ở mức 560 đô la Mỹ và cũng cho biết với mức giá trên thì chỉ để tham khảo là chính chứ hầu như không có giao dịch do nhà nhập khẩu chưa chấp nhận giá này.

“Đa số doanh nghiệp phải thực hiện hợp đồng đã ký trước đây. Chứ giá cứ lên cao như vậy nên chẳng ai dám ký hợp đồng mới nào”, ông Sơn nói.

Giá gạo Việt Nam tăng vượt Thái Lan lần thứ 2 trong năm sau lần đầu tiên vào tháng 4 ở mốc 470 đô la Mỹ, tiếp tục làm đau đầu các nhà xuất khẩu do với mức tăng mạnh như vậy sẽ kéo theo giá lúa gạo nội địa tăng theo, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn còn phải giao gạo cho nhiều hợp đồng xuất khẩu đã ký giá thấp trong các tháng trước đó. Kể cả hợp đồng tập trung 500.000 tấn bán cho Indonesia, theo nhiều doanh nghiệp, có giá cũng không cao.

Ông Mẫn, quản lý của doanh nghiệp tư nhân Liên Hiệp ở Cái Bè, Tiền Giang cho biết, mấy ngày nay đang cho nhà máy hoạt động hết công suất để nhanh chóng giao cho xong các đơn hàng gạo 5% tấm bán cho Malaysia. Là một nhà cung ứng cho các công ty lương thực xuất khẩu trực tiếp trong tỉnh, ông Mẫn cho biết cũng đang đau đầu với giá gạo mấy ngày nay và mặc dù giá lúa gạo trong tuần đã có lúc quay đầu giảm nhẹ so với tuần trước.

Khi có hợp đồng, các công ty lương thực tùy năng lực mà giao lại cho các nhà cung ứng. Việc giao đơn hàng và ký chốt giá hầu như diễn ra đồng thời. Trong khi đó, từ khi doanh nghiệp ký hợp đồng đến lúc giao hàng cũng phải mất ít nhất 1 tháng. Như hợp đồng giao đi Malaysia, theo ông Mẫn chỉ ở mức trên dưới 500 đô la Mỹ/tấn. Trong khi đó, giá gạo lức làm từ lúa hè thu chưa lau bóng hiện có giá 9.200 đồng/kg, còn gạo đã qua lau bóng giao tại kho có giá 10.700 đồng/kg, quy đổi ra gần như ngang giá hợp đồng, chưa tính các chi phí bao bì, vận chuyển…

“Mấy ngày hôm nay tôi huy động gần hết nhân công cho máy móc hoạt động hết công suất để tập trung giao hàng, chứ không giá mà lên nữa thì lỗ nặng”,ông Mẫn than.

Mặc dù các doanh nghiệp từ đầu vụ hè thu đến nay đều cho rằng giá lúa gạo có thể tăng nhưng trữ gạo trong kho lại là một câu chuyện khác. Kho của công ty Liên Hiệp có sức chứa 3.000 - 4.000 đồng/tấn nhưng ông Mẫn cho biết chỉ dám trữ 1.000 - 2.000 tấn do đòi hỏi vốn lớn trong khi lãi suất ngân hàng lại đang ở mức cao.

Những bài học tiền tỉ

 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, châu Á - thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu mạnh từ nay đến cuối năm, cụ thể Indonesia có thể sẽ tiếp tục nhập trong quí 4 sau khi đã ký mua nửa triệu tấn của Việt Nam, tương tự là các thị trường Malaysia, Philippines cộng với kỳ vọng từ giá gạo Thái Lan nhiều khả năng sẽ tiếp tục đẩy giá gạo tăng mạnh.

Tính đến ngày 11/8, Việt Nam xuất khẩu trên 4,7 triệu tấn gạo, trị giá trên 2,2 tỉ đô la Mỹ.

Ông Mẫn kể lại một bài học trong tháng 6 khi lỡ chốt giá khi gạo ở mức 8.300 đồng/kg, định bán ra với giá 9.300 đồng/kg nhưng ai ngờ đến khi đi mua gom gạo để giao thì giá đã nhảy lên 10.300 đồng/kg, “là coi như mất đứt 2 tỉ”, ông Mẫn chua xót. Chuyện thua lỗ tiền tỉ xảy ra thường xuyên với các doanh nghiệp, đặc biệt khi thị trường biến động mạnh, vượt dự đoán của số đông doanh nghiệp.

Một nguồn tin cho biết trong tháng 8 có doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở Cần Thơ đã hủy giao hàng với khối lượng khá lớn do trước đó đã lỡ ký nhiều với giá thấp trong khi gạo trong kho còn khá mỏng, nhưng sau đó giá lúa gạo nội địa tăng vùn vụt, doanh nghiệp này trở tay không kịp, mua vào thì lỗ nặng nên đơn phương hủy hợp đồng, ngưng giao.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu ở Đồng Tháp nhận xét khi thị trường biến động liên tục thì thường xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười, đặc biệt là đối với các nhà thương mại không có điều kiện về kho bãi.

“Do không có kho bãi, họ chỉ quan tâm đến việc tìm kiếm đầu ra trước khi đi mua vào. Sau khi chốt giá, chưa giao hàng mà giá gạo đã lên, thấy lời còn ít quá họ sẽ ngưng không giao, mà quay sang những hợp đồng giá mới cao hơn. Thuận lợi không nói, chẳng may giá gạo quay đầu giảm thì họ cầm chắc lỗ nặng”, ông nói. Đó là chưa kể mất uy tín với nhà nhập khẩu. 

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường