Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng bằng sông Cửu Long: “Nóng” với giá lúa
18 | 08 | 2011
Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hoạch được gần 1 triệu ha trên tổng số 1,75 triệu ha lúa hè thu. Giá lúa đang ở mức cao kỷ lục, nhưng nông dân dè dặt bán lúa, còn thương lái thì có dấu hiệu đầu cơ để chờ giá.

Nông dân các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… đang trong đợt thu hoạch dứt điểm lúa hè thu. Lúa vừa thu hoạch được thương lái mua ngay tại ruộng với giá từ 5.400 - 5.800 đồng/kg (tùy theo chất lượng và gặt bằng tay hay máy gặt).

“Nóng” với giá lúa

Lão nông Năm Cần ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nói: “Từ trước tới giờ tui mới thấy giá lúa hè thu cao ngất ngưởng như vậy. Ngay từ đầu vụ thu hoạch, nông dân bán với giá 4.200 đồng/kg lúa tươi, tưởng đâu đã cao. Ai ngờ bây giờ đã tăng thêm hơn 1.500 đồng/kg nữa”. Nhiều nông dân đã mấy chục năm làm ruộng cũng không ngờ giá lúa hè thu năm nay lại “nóng” đến như vậy…

Ông Cần cho rằng đây là điều bất thường, bởi vì mọi năm lúa hè thu phẩm chất thấp, thương lái chê lúa dơ, bị ẩm... Nhưng nay thì hoàn toàn trái ngược lại.

Ở cánh đồng lúa xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, nông dân cũng đang thu hoạch rộ lúa hè thu để xuống giống vụ thu đông. Do lúa hè thu giá cao nên sau khi thu hoạch xong nông dân quyết định làm đất ngay để tiếp tục xuống giống.

Ông Nguyễn Văn Thu đang thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, cho biết: “Vùng này thu hoạch bằng máy nên lúa bán được giá hơn từ 200 - 300 đồng/kg so với gặt bằng tay. Vụ này nông dân không bị thương lái ép giá như trước đây vì thu hoạch xong là có người đến hỏi mua với giá cao”. So với vụ hè thu năm 2010, thì năm nay giá lúa đã tăng gấp đôi. Đây là điều rất bất thường và hiếm thấy ở vùng ĐBSCL.

Giao dịch thấp

Nghe thông tin giá lúa cao và sẽ còn tiếp tục tăng nên nhiều nông dân thu hoạch lúa hè thu muộn đã dè dặt không muốn bán lúa ngay. Dọc theo tuyến Quốc lộ 61 từ ngã ba Vĩnh Tường đến TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, nhiều nông hộ đã chủ động trữ lúa lại bằng cách phơi khô, vô bao rồi chất đống xung quanh nhà. Còn thương lái thì tỏa đến tận ruộng để thu mua, và khi có lúa thì họ cũng cố tình găm hàng lại để chờ giá.

Thương lái tên H - chuyên thu mua lúa bằng ghe miệt Hậu Giang, Kiên Giang, cho biết: “Hiện nay muốn có lúa thì phải đi sâu trong đồng, xuống tận ruộng của dân để mua lúa tươi. Tuy nhiên, muốn mua cũng khó vì giá liên tục thay đổi, nông dân cũng dè chừng, chờ giá”.

Ngay từ đầu vụ thu hoạch, nông dân bán với giá 4.200 đồng/kg lúa tươi, tưởng đâu đã cao. Ai ngờ bây giờ đã tăng thêm hơn 1.500 đồng/kg nữa.

Chủ một doanh nghiệp xay xát lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng cho biết, giá lúa hạt dài vẫn còn ở mức rất cao từ 6.600 - 6.700 đồng/kg. Tuy nhiên số lượng giao dịch, xay xát đã giảm đi. Thương lái có lợi thế xuống tận ruộng của nông dân để thu mua nên đã nắm một lượng lúa rất lớn. Vì vậy, giá mới có nhiều biến động như hiện nay.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu đang đối mặt với tình trạng thua lỗ để thực hiện những hợp đồng đã ký trước đó. Bởi vì giá lúa liên tục tăng, trong khi doanh nghiệp phải thực hiện hợp đồng đã ký với giá thấp.

Theo thông tin từ Cục Trồng trọt, nguồn cung lúa gạo ở ĐBSCL rất dồi dào vì đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Tuy nhiên, giá lúa liên tục tăng trong thời gian qua cho thấy thị trường đang biến động rất lớn. Lúa, gạo đang được giới đầu cơ làm giá ngay trong thời điểm thu hoạch rộ.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường