Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Không có việc ngừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 6/2009"
09 | 04 | 2009
Việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam yêu cầu giãn thời gian xuất khẩu gạo đã gây không ít băn khoăn, lo lắng cho nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên.

Thưa ông, tại sao trong khi giá lúa xuất khẩu có xu hướng tăng thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam lại có công văn đề nghị các doanh nghiệp giãn thời gian xuất khẩu gạo?

Hiện nay, giá xuất khẩu của một số mặt hàng có xu hướng giảm, riêng gạo có mức tăng trưởng cao, cụ thể giá xuất khẩu tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2008.

Mặc dù mục tiêu của Chính phủ đề ra cho năm 2009 là sản lượng gạo xuất khẩu đạt 4,5 - 5 triệu 
  
tấn nhưng đến nay, các doanh nghiệp đã ký xuất khẩu trên 3,6 triệu tấn, giao hàng từ nay đến hết tháng 6/2009; riêng 2 tháng đầu năm, chúng ta đã giao trên 1 triệu tấn. Nếu cứ đà này, 6 tháng cuối năm nước ta sẽ chỉ được phép xuất khoảng 0,9 - 1,4 triệu tấn gạo, điều này ảnh hưởng tới việc phân bổ lượng gạo xuất khẩu. Một lý do đặc biệt quan trọng nữa là khả năng cung cấp lượng gạo hàng hoá dành cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 3,3 triệu tấn, khó có thể đáp ứng đủ lượng gạo đã ký trong các hợp đồng. Bên cạnh đó, chất lượng gạo vụ hè thu thường thấp hơn so với vụ đông xuân. Vì vậy, cần thiết phải để dành một lượng gạo trữ sang vụ sau, nhằm đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các hợp đồng xuất khẩu.

Nếu chúng ta không cân nhắc kỹ sẽ dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc các hợp đồng xuất khẩu hoặc tranh mua tranh bán, đẩy giá lúa gạo trong nước lên cao. Nếu không điều hành linh hoạt thì tình trạng “no dồn đói góp” sẽ xảy ra.

Vì vậy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có công văn gửi các doanh nghiệp đề nghị giãn thời gian xuất khẩu gạo. Cụ thể là chỉ ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo có thời hạn giao hàng từ tháng 7- 9/2009. Tuy nhiên, việc này lại khiến nhiều doanh nghiệp và nông dân hiểu lầm, cho rằng đây là yêu cầu ngừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 6/2009.

Do vậy, tôi xin khẳng định, không hề có chuyện chúng ta ngừng xuất khẩu đến tháng 6/2009 mà chỉ là điều chỉnh và giãn các hợp đồng xuất khẩu.

Chủ trương của Hiệp hội là giãn thời gian xuất khẩu gạo, việc này nói lên điều gì và bài học của năm 2008 có để lại trong công tác điều hành thời gian tới không, thưa ông?

Xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2009 đã tăng gấp đôi cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Và hiện nay, số lượng các hợp đồng đã ký vượt quá khả năng cung cấp của vụ đông xuân. Cho nên, Bộ Công Thương cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang theo dõi để đưa ra những chính sách hợp lý, kịp thời. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải căn cứ trên các hợp đồng xuất khẩu để làm sao đảm bảo tiến độ giao hàng nhưng không gây ảnh hưởng tới mặt bằng giá trong nước và không gây khó khăn trong vấn đề thực hiện các hợp đồng đã ký.

Mặc dù thời gian qua, cũng đã có một số doanh nghiệp thương thảo với các nhà nhập khẩu để lùi thời hạn giao hàng sang những tháng tiếp theo, tuy nhiên, số này không nhiều. Vì thế, việc điều chỉnh giãn các hợp đồng xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay là biện pháp tối ưu. 


Nếu sau thời gian đó giá gạo lại giảm thì sao? Như vậy có phải là làm khó cho nông dân?

Chúng ta phải nhìn nhận khách quan rằng, thời tiết có ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và chất lượng của vụ mùa, trong khi đó tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tập quán canh tác của bà con là không thích tích trữ lúa trong nhà, sau khi thu hoạch họ sẽ bán luôn tại ruộng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn cung luôn ổn định, ngoài việc Chính phủ chỉ đạo xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa thì Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang khẩn trương tính toán việc áp dụng mức giá sàn thu mua lúa gạo cụ thể cho từng vụ, từng vùng. Việc này sẽ góp phần hạn chế biến động về giá.

Một trong những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chính là phải chịu sự quản lý của nhiều đơn vị. Thứ trưởng có nhận xét gì về vấn đề này?

Đúng là hiện nay một số hoạt động xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu gạo vẫn chịu sự quản lý, điều hành của khá nhiều cơ quan. Thời gian tới chúng tôi sẽ sớm hoàn thành cơ chế phối hợp điều hành xuất khẩu gạo giữa cơ quan quản lý và các địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận và thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Thưa ông, nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính, Bộ Công Thương đã có những chính sách như thế nào để giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu?

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã cùng với các bộ, ngành thực hiện một số giải pháp cấp bách để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể là giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, trong đó chú trọng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến thương mại theo yêu cầu. Chúng tôi đang trình kế hoạch sửa đổi bổ sung chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2006 – 2010 theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mời các doanh nghiệp nước ngoài vào khảo sát giao thương tại thị trường Việt Nam, qua đó tạo ra các hợp đồng, đơn hàng xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường