Niềm vui trên đồng ruộng
Những ngày cuối tháng ba, suốt con đường từ TP Sóc Trăng về các huyện Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Ngã Năm, rồi trở ra xã An Hiệp, Phú Tân, Phú Tâm thuộc huyện Mỹ Tú, nhiều cánh đồng lúa đã ngả mầu vàng óng với những bông lúa nặng trĩu hạt. Nông dân đang thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân với niềm vui trúng mùa, được giá.
Gia đình anh Trần Nhanh, ấp Trà Ong, Xã Viên Bình (Mỹ Xuyên) trồng 5 ha lúa thơm ST5. Anh Nhanh cho biết: "Mọi năm làm lúa cao sản không trúng bằng giống ST5 này. Năng suất đạt 6,5 tấn/ha, bán giá 4.800 đồng/kg. Tôi làm giống lúa ST5 đã sáu vụ liên tiếp, so các giống lúa thường, lúa thơm bán được giá hơn do chất lượng gạo dẻo, thơm. Vụ này, chi phí sản xuất cho một kg lúa khoảng 2.000 đồng, mỗi công lời từ 2 - 2,5 triệu đồng, tính ra lợi nhuận gần 100 triệu đồng". Còn anh Sơn Chiên, ấp Vĩnh Phong, xã Vĩnh Quới (Ngã Năm) phấn khởi, nói: "Gia đình tôi trồng hai ha lúa giống OM 4900, năm nay trúng lớn với năng suất hơn sáu tấn/ha. Thú thật, lúc đầu cán bộ kỹ thuật nông nghiệp vận động trồng các giống lúa này, nhưng bà con chưa tin. Nay lúa trúng mùa, năm tới chắc chả cần vận động, bà con sẽ trồng lúa đặc sản, chất lượng cao".
Không chỉ bà con nông dân các huyện Mỹ Xuyên, Ngã Năm trúng mùa, trúng giá, các huyện Mỹ Tú, Kế Sách cũng tương tự. Ðiều đáng mừng, nhiều hộ nông dân ở khu vực ven biển như Long Phú, Vĩnh Châu được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, điều chỉnh thời vụ xuống giống sớm hơn mọi năm để tránh nước mặn xâm nhập cuối vụ nên đều trúng mùa, lúa bán được giá cao. Ðồng chí Trương Thanh Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, cho biết, vụ đông xuân 2008 - 2009, toàn tỉnh gieo trồng 138.659 ha, trong đó có 30.500 ha lúa thơm, còn lại lúa đặc sản chất lượng cao. Tuy lúc đầu vụ một vài địa phương trong vùng bị sâu rầy phá hại nhưng mạng lưới khuyến nông và bà con đã phun thuốc kịp thời. Hiện nay, nông dân đã thu hoạch 101.427 ha với năng suất bình quân gần 5,5 tấn/ha. Riêng đối với vùng chuyên canh lúa ở các huyện Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, năng suất đạt 6,4 - 6,5 tấn/ha, cao nhất từ trước tới nay... Ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi, kỹ thuật canh tác lúa của bà con nông dân được nâng lên, thì việc chuyển đổi cơ cấu giống đã góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất lúa, chất lượng gạo cũng như lợi nhuận cho nông dân. Nông dân phấn khởi vì lúa trúng mùa, trúng giá, trong khi giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu... đang có chiều hướng giảm dần nên nông dân có lãi cao. Nhất là từ đầu năm đến nay, thị trường gạo xuất khẩu đang có những chuyển biến tích cực theo hướng có lợi cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Ở Sóc Trăng hiện có rất nhiều người từ các nơi đổ về thu mua lúa của nông dân. Các giống chất lượng cao như OM 4900, OM 6162, OM 4059, OM 6561, MTL576... được tư thương mua tại ruộng với giá 4.200 - 4.800 đồng/kg; lúa thơm ST3, ST5 dao động ở mức 4.800 - 5.200 đồng/kg, tùy theo phẩm cấp lúa; riêng lúa Tài Nguyên được tiêu thụ mạnh với giá cao 6.000 - 6.200 đồng/kg (lúa ướt) và lúa khô 7.200 đồng/kg. Ông Trần Văn Thuận ở xã Vĩnh Quới, huyện Ngã Năm vừa thu hoạch xong ba ha, bán ngay cho thương lái, lãi bình quân 18 triệu đồng/ha. Ước tính đạt lợi nhuận 50%. Anh Trương Thanh Tâm, chủ nhà máy xay xát Hồng Hưng ở ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Mỹ Tú nhận định, sau khi các doanh nghiệp tìm được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo đã triển khai ngay việc thu mua gạo. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn cũng đã ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo thông qua Tổng công ty Lương thực miền nam. Ðặc biệt, mức hỗ trợ lãi xuất 4% của Chính phủ đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thu mua, tạm trữ lúa. Nhiều doanh nghiệp tin tưởng hoạt động xuất khẩu gạo năm nay sẽ nhịp nhàng hơn, hy vọng sẽ không có hiện tượng lúa tồn đọng, rớt giá như vụ hè thu năm 2008. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi vào thu hoạch rộ thì thường giá lúa giảm, nhưng năm nay sự điều tiết theo kế hoạch xuất khẩu gạo được phân bố đều các tháng trong năm, cho nên các doanh nghiệp không cạnh tranh thu mua quyết liệt như mọi năm. Do đó, giá lúa sẽ bình ổn và khó tăng thêm trong thời gian tới.
Vụ lúa đông xuân 2008 - 2009, vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống hơn 1,5 triệu ha. Dự kiến đến giữa tháng 4 này sẽ thu hoạch xong. Do thực hiện tốt việc xuống giống hàng loạt theo sự chỉ đạo né tránh rầy, nên đã cách ly có hiệu quả mầm bệnh lây lan từ vụ này sang vụ khác; tuy có lúc thời tiết bất lợi, sâu bệnh tiến công nhưng không phát thành dịch lớn; nhìn chung toàn vùng đều được mùa, năng suất bình quân từ 6,2 - 6,3 tấn/ha, sản lượng toàn vùng đạt gần 10 triệu tấn. Thắng lợi trong vụ lúa đông xuân ở ÐBSCL này, ngoài việc bố trí thời vụ hợp lý, né tránh được rầy, còn thắng lợi trong bước chuyển biến tích cực về cơ cấu giống lúa theo hướng ưu tiên xuất khẩu. Giống lúa IR50404 đã giảm đáng kể, nhiều nông dân mạnh dạn gieo sạ giống mới, dù năng suất không cao nhưng chất lượng tốt hơn, lúa bán được giá, và hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn năm trước.
Hầu hết các tỉnh trọng điểm lúa của ÐBSCL như Kiên Giang, An Giang, Ðồng Tháp đều trúng mùa, trúng giá, nông dân phấn khởi. Nhiều vùng như các huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang (Tân Châu, An Phú) đạt năng suất 7,8 tấn/ha, với giá lúa từ 4.000 đồng (lúa thường) đến 4.800 đồng (lúa xuất khẩu)/kg, nông dân lãi đến 50%. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Tháp, năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt 6,77 tấn/ha. Với giá lúa hiện nay nông dân có lãi khoảng 18 triệu đồng/ha. Tỉnh Vĩnh Long xuống giống gần 68.000 ha, đến nay, đã thu hoạch xong, với năng suất bình quân đạt 6,3 tấn/ha. Ước tính, nông dân có thể đạt lợi nhuận khoảng 13 triệu đồng/ha. Còn tại Trà Vinh cũng đã căn bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa, năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha. Riêng vùng kênh bê-tông nổi ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần có 110 ha đất trồng lúa của 122 hộ dân tộc Khmer đạt năng suất bình quân 6,74 tấn/ha. Theo tính toán, với giá bán 4.300 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ đi các khoản chi phí, bà con thu lãi từ 18 đến 20 triệu đồng/ha.
Ðể niềm vui được mùa trọn vẹn
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, điều đáng lo ngại hiện nay là, thắng lợi của vụ lúa đông xuân đã nảy sinh tâm lý chủ quan trong một bộ phận nông dân. Việc xuống giống vụ lúa hè thu đồng loạt, đúng theo lịch né, tránh rầy theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn không còn được nông dân tuân thủ triệt để như trước. Lúa có giá khiến nhiều nông dân tranh thủ thời gian xuống giống ngay vụ lúa hè thu sau khi thu hoạch lúa đông xuân mà bỏ qua khâu cày ải phơi đất, cho đất được nghỉ ngơi ít nhất một tháng mới vào sản xuất vụ hè thu. Việc tranh thủ thời gian xuống giống không chỉ làm cho đất không được nghỉ ngơi, mà nguy hại hơn là không có thời gian cắt nguồn lây lan dịch bệnh; nhất là không thực hiện xuống giống đồng loạt để né, tránh rầy. Việc xuống giống không đồng loạt ở nhiều vùng như hiện nay sẽ là cơ hội cho dịch bệnh bộc phát trong trà lúa hè thu tới; nhất là dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Việc giá lúa lên cao nên vụ đông xuân này tư thương không còn chê lúa IR50404 nữa. Tuy lúa giống này giá không cao bằng các giống khác, nhưng tính ra người sản xuất vẫn có lợi; vì nó dễ trồng, năng suất cao. Do đó vụ hè thu này, rất nhiều nông dân đi tìm mua giống IR50404 để sản xuất, dù cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo không nên trồng một giống lúa chiếm hơn 15% diện tích, và hạn chế trồng giống IR50404.
Trúng mùa, trúng giá trong vụ lúa đông xuân là việc đáng mừng, đáng phấn khởi. Tuy nhiên, từ thắng lợi này, chúng ta không được chủ quan, mà cần phải rút kinh nghiệm để tiếp tục gặt hái được nhiều thắng lợi hơn.