Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dãn tiến độ xuất khẩu gạo: Lợi hay hại?
30 | 03 | 2009
Trái ngược với quy luật vào vụ giá giảm, đã qua giữa vụ thu hoạch đông xuân, giá thu mua gạo vẫn tăng, nông dân có lời từ 40-50%. Trong bối cảnh đó, mới đây Hiệp hội Lương thực Việt Nam (HHLT) lại có văn bản yêu cầu DN dãn tiến độ xuất khẩu, chỉ cho ký các hợp đồng có thời hạn giao hàng từ tháng 7.2009.
Doanh nghiệp bức xúc

HHLT vừa có văn bản yêu cầu các DN dãn tiến độ xuất khẩu gạo, chỉ cho đăng ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo có thời hạn giao hàng từ tháng 7 đến tháng 9.2009.

Trong khi đó ở thị trường "ngoại", giá gạo xuất khẩu của VN vẫn ổn định ở mức cao: Gạo 5% tấm giao dịch ở mức 435 - 460USD/tấn FOB, gạo 25% tấm bán 400 - 410USD/tấn.

Trong nước, nông dân trồng lúa đang phấn khích bởi bán được giá cao, thu lời tới 50%.
Thế nên, yêu cầu của HHLT đúng vào bối cảnh trên, khiến không ít DN đang "hăng" bị khựng lại.

Một DN xuất khẩu gạo ở ĐBSCL băn khoăn rằng, con số dự báo sản lượng lúa của Bộ NNPTNT chưa sát thực tế, thậm chí có khi... cũ. Trong vài năm gần đây, sản lượng lúa của Bộ NNPTNT "ước" theo chiều hướng tăng ở ngưỡng 36 đến 38 triệu tấn. Từ con số này, mới "ước" ra chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm nào cũng ở mức 4-5 triệu tấn. Năm nay cũng vậy, chỉ tiêu xuất khẩu cũng 4,5-5 triệu tấn gạo.

Trong khi đó, năm 2008, tại hội thảo về chiến lược an ninh lương thực quốc gia và chiến lược phát triển trồng trọt đến 2020 (do Bộ NNPTNT tổ chức tại TPHCM) chính Cục Trồng trọt cho hay từ năm 2000-2007, do tốc độ phát triển KCN , đô thị, sân golf... trung bình mỗi năm nước ta mất 51.000ha đất canh tác lúa, tương đương với giảm 400.000 - 500.000 tấn lúa/năm. Năng suất lúa tuy vẫn tăng, nhưng đang có xu hướng chững lại.

Vì vậy việc căn cứ "ước" thiếu thực tế để kìm hãm lợi nhuận đang tăng của DN là không thuyết phục. Hơn nữa, dễ dẫn tới DN "hãm" thu mua, khiến nông dân "vơi" lợi nhuận.

Hiệp hội vẫn giữ vững lập trường

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Minh Huệ (Q. Tổng Thư ký HHLT) vẫn thể hiện việc "giữ vững quan điểm" của HHLT: "Các DN chỉ lo thu lãi của cá nhân mình, càng nhiều càng tốt mà không quan tâm tới những ảnh hưởng khác về mặt an sinh xã hội, an ninh lương thực ở tầm nhìn rộng hơn chứ không chỉ chuyện đói, nên bức xúc cũng dễ hiểu!".

Theo phân tích của HHLT, năm nay, Việt Nam sau khi cân đối an ninh lương thực, chỉ đủ lượng xuất khẩu khoảng 4,5 - 5 triệu tấn gạo. Hiện các DN đã ký kết hợp đồng xuất khẩu đến tháng 6.2009 hơn 3,6 triệu tấn. Vì vậy, dù ngừng ký hợp đồng mới nhưng hiện các DN thành viên HH vẫn đẩy mạnh thu mua lúa để chế biến xuất khẩu, để đảm bảo hợp đồng đã ký. Giá thu mua lúa của dân vẫn ổn định và dân vẫn đảm bảo lợi nhuận cao tới 50%, mặc dù đã qua giữa vụ thu hoạch lúa đông xuân, trái với quy luật thông thường, vào vụ giá giảm.

Mặt khác, 6 tháng còn lại của năm 2009 chỉ cần xuất khẩu thêm hơn 1 triệu tấn nữa, trong khi với thời tiết phức tạp, chưa chắc vụ hè thu đã được mùa.

Hơn nữa, theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 3.2009, xuất khẩu gạo cả nước đạt hơn 1,742 triệu tấn - tăng hơn 76% so cùng kỳ năm ngoái . "Với lượng xuất vậy là mất cân đối rồi. Nếu DN không dãn tiến độ, thì không có đủ lúa gạo đâu mà đáp ứng. Không đáp ứng, phá vỡ hợp đồng, thì uy tín DN ở nơi xuất khẩu gạo thứ hai thế giới sẽ ảnh hưởng lớn, chưa nói là bị phạt như thế nào!" - ông Huệ nói.

Mặt khác, nếu không dãn tiến độ giao hàng, để xảy ra mua - giao "dồn cục" khối lượng lớn trong khoảng thời gian ngắn đến hết tháng 6.2009, các DN xuất sẽ phải gánh một sức ép lớn, rất có thể sẽ xảy ra tình trạng sốt giá hoặc "đè" giá, sẽ tác động không tích cực đến chỉ số giá tiêu dùng. Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình của Bộ NNPTNT.

Phó Vụ trưởng Vụ XNK Bộ Công Thương - ông Nguyễn Đăng Chi: Dãn hay không phải được xem xét kỹ lưỡng. Việc Hiệp hội Lương thực đưa ra một văn bản đề nghị dãn tiến độ XK gạo là cũng có thể dựa vào những căn cứ chứng minh việc cần thiết phải làm, nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia nhưng việc có dãn tiến độ XK gạo hay không thì việc làm này vẫn phải đạt mục tiêu tiêu thụ hết lúa cho nông dân và phải tạo điều kiện cho người trồng lúa có lãi. Vấn đề là Hiệp hội Lương thực phải chứng minh đề nghị dãn tiến độ XK gạo để đạt mục đích gì... Tuy nhiên, đây mới là ý kiến đề xuất của một hiệp hội mà thôi.

Để thực hiện việc có dãn tiến độ XK gạo hay không, điều này phải có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý và điều hành hoạt động XK mặt hàng này. Cụ thể là Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT phải có ý kiến về việc cân đối tình hình sản xuất lúa, nguồn cung gạo XK có đảm bảo nhu cầu và tình hình tiêu thụ lương thực hiện nay. Việc cân đối nguồn lương thực trong nước sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ NNPTNT, và đây là ý kiến quan trọng nhất để có thể quyết định việc nên dãn tiến độ XK hay không.

Chỉ dãn giao XK 300.000 tấn gạo. Về tiến độ XK gạo, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đã có cuộc họp bàn về vấn đề này từ đầu tháng ba. Theo đó, hai bộ thống nhất tiếp tục đẩy mạnh XK gạo, từ nay đến hết tháng 6.2009 sẽ XK khoảng 3,4 triệu tấn gạo trong tổng số hợp đồng đã ký là 3,7 triệu tấn, trong đó dành 300 ngàn tấn dãn giao để dự phòng cho vụ hè thu. Sáu tháng còn lại sẽ giao tiếp 1 triệu tấn gạo theo kế hoạch. Theo hai bộ, tiến độ trên sẽ đảm bảo thu mua được hết lúa vụ đông xuân cho nông dân ĐBSCL, đồng thời đảm bảo chỉ tiêu XK gạo năm 2009 đạt 4,5-5 triệu tấn.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng nhận định, vụ hè thu là thời điểm khó khăn trong việc XK gạo, bởi chất lượng gạo vụ này thấp hơn nhiều so với vụ đông xuân. Việc dãn giao 300 ngàn tấn gạo đông xuân là hợp lý, bởi trong trường hợp có đột biến về thời tiết, chất lượng gạo hè thu xuống thấp thì có thể điều chỉnh được chất lượng gạo để XK. Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt - cũng cho rằng việc dãn giao lúc này là cần thiết. Không ai dám chắc thời tiết không làm giảm năng suất và chất lượng vụ mùa.

Theo cơ quan chức năng, trong tổng số trên 3 triệu tấn gạo ký hợp đồng xuất khẩu tháng 6.2009 (ký trước), có hơn 2 triệu tấn là bán được giá cao, trung bình 430USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Còn lại, nhiều DN ký hàng trăm tấn bị dính giá thấp (do ký trước và không tiên liệu sự đột biến giá gạo), có lô gạo 5% tấm chỉ bán được 370-380USD/tấn".



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường