Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao chương trình 134 ở Yên Bái chậm tiến độ?
04 | 09 | 2007
Năm 2006, chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (chương trình 134) ở Yên Bái triển khai rất ỳ ạch: qua chín tháng đầu năm chỉ đạt gần 25% giá trị thực hiện nguồn vốn đầu tư; có mục tiêu chỉ đạt 10% kế hoạch đề ra.
Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, (chương trình 134) được tỉnh Yên Bái đón nhận và triển khai khá đồng bộ.

Bằng nhiều cách làm linh hoạt, có vận dụng cơ chế hỗ trợ cho đồng bào vùng cao, nên năm 2005 với 13 tỷ đồng vốn cho chương trình đã đạt được yêu cầu đề ra: khai hoang 127 ha và chuyển nhượng 24,4 ha ruộng nước; xây 3.297 bể, téc nước; đào 2.180 giếng; xây dựng 28 công trình cấp nước tập trung...

Tuy nhiên, năm 2006 chương trình này triển khai rất ỳ ạch: qua chín tháng đầu năm chỉ đạt gần 25% giá trị thực hiện nguồn vốn đầu tư; có mục tiêu chỉ đạt 10% kế hoạch đề ra. Vậy đâu là nguyên nhân của sự chậm trễ này?

Tính ưu việt của chương trình 134 đã làm thoả "cơn khát", trúng với nhu cầu đồng bào Tây Bắc, đó là tạo sự hài hoà giữa các vùng với nhau. (Nên nhớ rằng trước đó, chương trình 135 ưu tiên phát triển cho vùng 3 qua tám năm thực hiện thế nhưng trong khi có xã không nằm trong diện này chỉ cách nhau đúng một khe núi, cuộc sống khó khăn như nhau lại không được hưởng lợi.) Mặt khác, đất sản xuất là tư liệu bền vững ngàn đời đối với đồng bào vùng cao, hiện đang xuất hiện sự phân hoá giữa người có nhiều đất và người nghèo không có đất sản xuất, nay được hỗ trợ thì vấn đề an ninh lương thực tại chỗ cơ bản sẽ được giải quyết, chấm dứt tình trạng du canh du cư.

Khi thực hiện chương trình 134, tỉnh Yên Bái đã tiến hành khảo sát cần hỗ trợ cho trên 42.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, trong đó tập trung giải quyết xây dựng 6.535 căn nhà; hỗ trợ đất ở cho 4.874 hộ; gần 1.500 ha đất sản xuất; nhiều công trình nước sinh hoạt, với tổng vốn đầu tư lên tới 160 tỷ đồng ( tỉnh đối ứng 30 tỷ đồng, còn lại là xin ngân sách TU). Năm 2005, khi triển khai với hai chương trình giải quyết đất sản xuất và nước sinh hoạt với tổng nguồn vốn kế hoạch 13 tỷ đồng, các chủ đầu tư là UBND huyện, thị xã đã thực hiện đạt 99% kế hoạch, số dư vốn chuyển sang năm 2006 là hơn 660 triệu đồng.

Một thực tế đặt ra là: nhu cầu cần đất sản xuất của đồng bào rất lớn, nhưng tiến độ chương trình rất chậm, nhiều địa phương xin được điều chỉnh sang hạng mục khác, chủ yếu là sang làm các công trình nước sinh hoạt tập trung. Nếu kế hoạch năm 2006 tỉnh dành 9,45 tỷ đồng để khai hoang và chuyển nhượng 1.890 ha đất sản xuất, hết chín tháng mới đạt 905 triệu đồng; nhiều huyện xin được điều chỉnh lớn như: Trấn Yên từ 200 ha xuống 67,6 ha; Văn Chấn từ 350 xuống 62 ha; Lục Yên từ 350 xuống 50 ha; Văn Yên từ 420 xuống 85 ha...nhưng vẫn không đạt đựơc kế hoạch đề ra.

Qua tìm hiểu ở các địa phương cho thấy tâm lý của các chủ dự án (là UBND cấp huyện) thích làm nước sinh hoạt tập trung, bởi có XDCB nên thanh toán nhanh hơn và có "chung chi" hơn. Còn khai hoang ruộng nước do làm nhỏ lẻ, địa điểm phân tán, mỗi mảnh ruộng nước chỉ đạt vài trăm m2 đất, thủ tục quyết toán rất chặt và dân hưởng lợi 100%, nên phần nào bị chểnh mảng. Ngoài thị xã Nghĩa Lộ, một địa phương làm tốt việc chuyển nhượng đất sản xuất cho các hộ dân nghèo, đã chuyển được 70,55 ha đất ruộng nước (vượt hơn 10 ha), còn hầu hết các nơi khác đều khó khăn không thực hiện được.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chương trình 134 của tỉnh, cho biết: mục tiêu của tỉnh là kiên quyết giúp dân có "cần câu" là đất sản xuất, nếu không được sẽ điều chỉnh nguồn vốn này cho một số đặc biệt khó khăn để làm nhà ở cho đồng bào nghèo. Tỉnh đã lập các đoàn công tác đi kiểm tra, xem xét cụ thể từng hạng mục đầu tư, nhất là nước sinh hoạt tập trung phải thực sự có hiệu quả mới cho làm, tránh tình trạng thất thoát vốn đầu tư. Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định 360/QĐ- UBND ngày 5-10, chỉnh kế hoạch hạ thấp việc hỗ trợ tạo quĩ đất sản xuất xuống còn 4,2 tỷ đồng; hỗ trợ tái định cư cho một số hộ đồng bào Mông ở xã Nậm Có huyện Mù Cang Chải trên 2,2 tỷ đồng; hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo 6,4 tỷ đồng... Phấn đấu trong đầu quí I-2007 sẽ quyết toán xong chương trình này.

Như vậy, từ những nhu cầu bức bách ở cơ sở của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chương trình 134 đã đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của họ. Nhưng nhu cầu đất sản xuất vẫn là yếu tố quyết định, bởi thực tế việc khai hoang và chuyển nhượng theo giá 5 triệu đồng/ha là chưa hợp lý, hiện tại có hộ ở Bản Mù huyện Trạm Tấu sở hữu tới 4 ha ruộng nước, nhưng người nghèo có nhu cầu thì không đủ kinh phí để chuyển nhượng. Nên chăng, Nhà nước cần có giải pháp ở những nơi không có khả năng làm thuỷ lợi thì chuyển diện tích nương rẫy sang khai hoang ruộng cạn, không nên máy móc phải có diện tích ruộng nước mới thanh toán. Mặt khác, chính sách hỗ trợ cho đồng bào ở các xã vùng cao, vùng sâu, địa hình đi lại khó khăn, chi phí quản lý để thực hiện chương trình 134 không có, vốn đối ứng của tỉnh nhỏ giọt, đây cũng là một tác nhân làm giảm tiến độ của chương trình, cần sớm được giải quyết để đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sớm được hưởng lợi.


Nhân dân
Báo cáo phân tích thị trường