Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quảng Bình: Chương trình 134 đạt thấp, vì sao ?
15 | 07 | 2007
Trong quá trình thực hiện Chương trình 134 tại Quảng Bình, ngoài vấn đề nhà ở, các mục tiêu hỗ trợ khác đều đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu: Ðất sản xuất đạt 21%, nước sinh hoạt đạt 36%, đất ở: không thực hiện.
Tỉnh Quảng Bình có 3.258 hộ (14.789 khẩu) là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, trong diện thụ hưởng Chương trình 134 của Chính phủ. Theo Ðề án của UBND tỉnh, 2.568 hộ cần hỗ trợ đất sản xuất; đất ở: 1.121 hộ; nhà ở: 2.675 hộ, và nước sinh hoạt là: 2.270 hộ. Qua gần hai năm triển khai thực hiện, Chương trình đã góp phần ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Nhiều hộ từ chỗ du canh, du cư hoặc định cư, du canh, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nay đã có cuộc sống ổn định, phần lớn đã khắc phục được cái đói, đẩy lùi cái nghèo, vươn lên khá. Tuy nhiên, với yêu cầu của Chương trình, một số mục tiêu đạt được còn thấp, vẫn chưa thật sự tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội đối với số bà con trong diện thụ hưởng nói riêng và vùng cao, biên giới nói chung.

Vấn đề nhà ở cho đồng bào được tỉnh và các huyện quan tâm đầu tiên, và đây cũng là mục tiêu có tỷ lệ đạt cao nhất: có 2.532 hộ được hỗ trợ (đạt 94,7%). Với mục tiêu này, ngoài ngân sách T.Ư, tỉnh hỗ trợ thêm mỗi nhà ba triệu đồng và cấp kế hoạch 3 m3 gỗ tròn (theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Một số huyện vận động các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn và nhiều nguồn hỗ trợ khác được hàng trăm triệu đồng, do đó giá trị hỗ trợ mỗi nhà đạt từ 15 đến 20 triệu đồng. Riêng huyện Bố Trạch, ngoài huy động số vốn lớn, huyện còn có sáng kiến trong thiết kế nhà ở, thay vì làm cột bằng gỗ, huyện cho làm cột bằng bê-tông cốt thép, vừa chắc chắn, không bị mối mọt, ẩm mục, vừa giảm lượng gỗ khai thác; mái lợp tôn đỏ, chung quanh thưng bằng ván gỗ chắc chắn, thoáng mát; mẫu nhà vừa mang tính hiện đại vừa giữ được nét bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Bố Trạch là huyện duy nhất có khả năng hoàn thành mục tiêu nhà ở vào cuối năm 2006.

Ngoài vấn đề nhà ở, các mục tiêu hỗ trợ khác đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu Ðề án: Ðất sản xuất đạt 21%, nước sinh hoạt đạt 36%, đất ở: không thực hiện. Nguyên nhân các chỉ tiêu này đạt thấp, hoặc không thực hiện, theo báo cáo của cơ quan chức năng cho biết: Ðối với đất sản xuất, do địa bàn cư trú của đồng bào rộng, nhiều hộ nằm rải rác ở vùng sâu, vùng xa, đồi núi chia cắt phức tạp; hơn nữa, Quảng Bình là nơi có lượng bom, mìn trong chiến tranh còn sót lại khá lớn, muốn khai hoang, sản xuất phải thực hiện rà phá, mà hoạt động này cần nhiều kinh phí (theo quy định của Chính phủ chỉ có 5 triệu/ha là không đủ). Mặc dù tỉnh đã có chủ trương, kế hoạch rà soát để thu hồi số diện tích các nông, lâm trường chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để cấp cho bà con, nhưng tiến độ thực hiện còn chậm.

Ðối với nước sinh hoạt cũng tương tự: do bà con sinh sống ở vùng cao, biên giới, điều kiện khai thác nước ngọt rất khó khăn, trong lúc ngân sách của tỉnh, huyện không thể đáp ứng yêu cầu. Phần lớn các công trình nước tập trung nằm trong kế hoạch đến thời điểm này vẫn chưa được xây dựng. Giải pháp trước mắt của tỉnh là trợ giúp đồng bào mua dụng cụ chứa nước hoặc xây các bể chứa theo từng hộ gia đình. Tuy nhiên, theo chúng tôi đây chỉ là giải pháp tạm thời và không thể duy trì bền vững, nhất là vào mùa khô đối với khu vực miền tây Quảng Bình.

Về đất ở, so với nhiều tỉnh, vấn đề đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn ở Quảng Bình chưa phải là vấn đề bức xúc, vì vậy, việc giải quyết đất ở của đồng bào chỉ thực hiện đối với các hộ được hỗ trợ làm nhà kết hợp với quy hoạch dân cư, tỉnh không giải quyết đất ở đối với các hộ làm nhà nơi ở cũ. Tuy nhiên, nhiều hộ đề nghị sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo đảm lâu dài và có điều kiện vay vốn sản xuất, chăn nuôi.

Như vậy, tiến độ thực hiện các mục tiêu thuộc Chương trình 134 ở Quảng Bình còn chậm so với quy định và không thể hoàn thành trong năm 2006, do một số nguyên nhân cơ bản:

Thứ nhất, về kinh phí: Mặc dù, chủ trương của Chính phủ là chỉ hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu, nhưng đối với địa phương như Quảng Bình vẫn rất khó, hầu hết các hộ chủ yếu dựa hoàn toàn vào nguồn hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh và huyện mà không có sự đóng góp nào, trong lúc ngân sách của tỉnh, huyện không thể đáp ứng yêu cầu. Một số hạng mục đòi hỏi kinh phí lớn như khai hoang đất sản xuất, xây dựng các công trình nước tập trung, khó thực hiện.

Thứ hai, quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế, vướng mắc như thủ tục, quy trình khai thác gỗ phải qua nhiều giai đoạn; công tác quản lý tài chính chưa hợp lý (kinh phí cấp về xã, các hộ còn chậm).

Thứ ba, một số huyện, xã chưa thật sự quan tâm đúng mức; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi chưa tập trung, còn lúng túng, vướng mắc; ý thức tự giác của một bộ phận người dân chưa cao, tình trạng trông chờ, ỷ lại khá phổ biến.

Ðể các mục tiêu của Chương trình 134 sớm hoàn thành, có chất lượng và hiệu quả, nguyện vọng của bà con dân tộc thiểu số cũng như lãnh đạo các cấp của tỉnh mong muốn Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chương trình, đồng thời xem xét điều chỉnh kinh phí cho mỗi mục tiêu, trong đó đáng quan tâm là kinh phí khai hoang đất sản xuất và xây dựng các công trình nước sinh hoạt.


(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường