Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tỉnh Tứ Xuyên xây dựng bình phong sinh thái
08 | 04 | 2008
Từ khi thực thi dự án phòng chống xói mòn trên vùng thượng du sông Trường Giang đến nay, diện tích đất xói mòn ở Quảng An, Đạt Châu Nam Sung, Ba Trung và Toại Ninh Tứ Xuyên đều giảm trên 30%, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh nâng lên tới 20%. Ngành dịch vụ với du lịch sinh thái làm chính phát triển mạnh, môi trường sống và thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao
Tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc nằm ở vùng thượng du sông Trường Giang, có nhiều con sông chi nhánh chảy qua địa bàn, là bức bình phong sinh thái cho vùng trung và hạ du sông Trường Giang. Là khu vực thí điểm bảo tồn rừng tự nhiên đợt đầu của Trung Quốc và thực thi dự án trả lại đất canh tác cho rừng sớm nhất của tỉnh Tứ Xuyên, thành phố Nhã An tỉnh Tứ Xuyên ngay từ năm 1998 bắt đầu từng bước thực thi ba dự án lớn là bảo tồn rừng tự nhiên, trả lại đất canh tác cho rừng và bảo tồn động vật hoang dã, hiện đã trở thành khu vực điển hình trong xây dựng sinh thái ở vùng thượng du sông Trường Giang.


Thành phố Nhã An hiện có 1,12 triệu héc-ta đất lâm nghiệp, chiếm 78% diện tích toàn thành phố, tỷ lệ che phủ rừng đạt tới 56%. Trong quá trình thực thi ba dự án lớn bảo tồn rừng tự nhiên, trả lại đất canh tác cho rừng và bảo tồn động vật hoang dã thì dự án trả lại đất canh tác cho rừng là thành công nhất trong xây dựng sinh thái của thành phố Nhã An. Ông Lý Kế Hồng, quan chức Sở Lâm nghiệp thành phố Nhã An cho biết:

"Tính đến cuối năm 2007 tất cả các xã và thị trấn trong toàn thành phố đều đã thực hiện dự án trả lại đất canh tác cho rừng. Tổng cộng có 1019 thôn làng với hơn 930 nghìn người thực hiện dự án này, chiếm khoảng 75% dân số toàn thành phố".
Vài năm sau khi thực hiện dự án trả lại đất canh tác cho rừng, diện tích đất xói mòn ở khu vực Nhã An đã giảm trên 32%. Năm 2006 tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh đã xảy ra nạn hạn hán trong mùa hè nghiêm trọng nhất trong hơn 50 năm qua, thế nhưng thành phố Nhã An do có bức bình phong thảm thực vật khá tốt nên không hề xảy ra hạn hán, có thể nói dự án trả lại đất canh tác cho rừng đã đóng góp công lao to lớn. Tuy nhiên, môi trường sinh thái cần phải bảo vệ song thu nhập của nông dân cũng cần phải được gia tăng. Thôn Hoành Nham thành phố Nhã An sau khi thự thi dự án trả lại đất canh tác cho rừng, bà con dân làng đã chuyển đổi cây trồng sang trồng tre, trồng chè trên đất canh tác, thu nhập ròng bình quân đầu người năm 2007 đạt tới 4700 nhân dân tệ.
Ngoài trả lại đất canh tác cho rừng ra, dự án bảo tồn rừng tự nhiên của thành phố Nhã An cũng thu được hiệu quả sinh thái rõ rệt, bà con nông dân vốn là người chặt phá rừng trước đây đã trở thành người chăm sóc và bảo vệ rừng. Tính đến cuối năm 2007 toàn thành phố đã trồng được hơn 40 nghìn héc-ta rừng, tiến hành chăm sóc quanh năm đối với hơn một triệu héc-ta rừng. Việc bảo tồn rừng tự nhiên đã góp phần quan trọng trong việc chống xói mòn và giảm thiểu khối lượng đất cát bị nước cuốn trôi xuống vùng trung và hạ du sông Trường Giang. Ông Triệu Xương Lâm, Giám đốc Sở Lâm nghiệp thành phố Nhã An cho biết: "Một hiện tượng rất nổi bật là mỗi khi nơi đây xảy ra lũ lụt nước sông đều vẩn đục hàng tháng trời, thế nhưng hiện nay chỉ sau 2-3 ngày là sông trong suốt trông thấy đáy. Đất cát không bị cuốn trôi theo nước sông nữa, đây là một hiệu quả trực quan nhất".

Rừng được bảo tồn tốt đã cải thiện điều kiện sống cho động vật hoang dã. Là nơi phát hiện con Gấu mèo hoang dã đầu tiên, ở Nhã An có rất nhiều loài động vật hoang dã. Người dân nơi đây rất quan tâm bảo vệ động vật hoang dã. Ông Triệu Xương Lâm, Giám đốc Sở Lâm nghiệp thành phố Nhã An cho biết:

"Khi chưa cấm chặt phá rừng tự nhiên, nơi sinh sống của các loài động vật bị phá hoại nghiêm trọng, số lượng của rất nhiều loài động vật giảm mạnh. Thế nhưng hiện nay, Nhã An đã được công nhận là khu di sản thiên nhiên thế giới-nơi sinh sống của Gấu mèo hoang dã. Chúng tôi cũng đã xây dựng mấy khu bảo tồn thiên nhiên cho các loài động vật hoang dã khác. Sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên đang dần dần được thể hiện tại Nhã An".
Thông qua thực thi ba dự án lớn, môi trường sinh thái ở thành phố Nhã An đã được bảo vệ rất tốt, bức bình phong rừng cơ bản hình thành, nền kinh tế lâm nghiệp đang đi lên sa lộ phát triển, số du khách đến đây du ngoạn hàng năm tăng gấp 11 lần so với trước ngày thực thi 3 dự án lớn nói trên.
Theo điều tra, ở tỉnh Tứ Xuyên còn có rất nhiều nơi như Nhã An. Từ khi thực thi dự án phòng chống xói mòn trên vùng thượng du sông Trường Giang đến nay, diện tích đất xói mòn ở Quảng An, Đạt Châu Nam Sung, Ba Trung và Toại Ninh Tứ Xuyên đều giảm trên 30%, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh nâng lên tới 20%. Ngành dịch vụ với du lịch sinh thái làm chính phát triển mạnh, môi trường sống và thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao, đã góp phần quan trọng cho việc xây dựng bức bình phong xanh trên vùng thượng du sông Trường Giang.


Liên hệ với người đăng tin này:
Dương Thuỳ Linh - Email: duongthuylinh@agro.gov.vn

Xem thông tin gốc tại đây:
http://vietnamese.cri.cn/133/2008/04/07/1@100701_1.htm



Báo cáo phân tích thị trường