Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bến Tre: Điệp khúc "vừa xuất khẩu dừa vừa kêu thiếu dừa", bao giờ chấm dứt?
09 | 09 | 2007
Theo báo cáo của Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre, 10 tháng năm 2006, Bến Tre đã xuất khẩu 77,2 triệu trái dừa, vượt kế hoạch 27,2 triệu trái, so với cùng kỳ tăng hơn 35% và chiếm gần 1/3 sản lượng dừa của tỉnh. Xuất khẩu dừa tăng đã làm cho giá dừa luôn đứng ở mức cao suốt từ đầu năm đến nay, trên 3.000 đồng/trái, tăng từ 500 đến 1.000 đồng/trái. Giá dừa tăng nông dân được lợi, ngược lại các doanh nghiệp chế biến dừa thì... "méo mặt", vì không mua được nguyên liệu, sản xuất đình trệ, khó lòng hoàn thành được kế hoạch năm 2006.

Cũng theo báo cáo của tỉnh, 10 tháng qua, các nhà máy mới sản xuất được 8.336 tấn cơm dừa nạo sấy (mặt hàng chủ lực chế biến từ dừa) đạt 33,3% kế hoạch năm 2006. Ông Lê Quang Sĩ, Phó tổng giám đốc Công ty chế biến dừa Phú Hưng, liên doanh với Xri Lanca cho biết: "Công ty chuẩn bị sản xuất lại, nếu không sẽ mất khách hàng. Việc hoàn thành kế hoạch rất khó khăn, vì chúng tôi đã ngưng sản xuất từ 4 tháng nay". Công ty chế biến dừa Phú Hưng là doanh nghiệp chế biến dừa lớn nhất hiện nay ở Bến Tre, tiêu thụ khoảng 300 ngàn trái dừa/ngày nhưng thiếu nguyên liệu trầm trọng, có lúc phải đề nghị tỉnh ngưng xuất khẩu dừa. Tuy nhiên, đề nghị này khó thực hiện, vì tỉnh không được phép dùng biện pháp hành chính không cho xuất khẩu dừa. Ông Sĩ cho biết, để sản xuất lại, Công ty phải mua loại dừa nhỏ, không xuất khẩu được...

Vì sao lại có chuyện "nghịch lý" trong khi các nhà máy đang thiếu nguyên liệu thì lại xuất khẩu trên 77 triệu trái dừa? Trước khi có các nhà máy chế biến, hàng năm Bến Tre xuất khẩu hàng chục triệu trái dừa sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia... Khi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dừa, Bến Tre vẫn duy trì song song việc chế biến và xuất khẩu, nhằm giữ giá có lợi cho nông dân (đây là chủ trương của tỉnh). Bởi vì, nếu để cho các doanh nghiệp chế biến dừa "một mình một chợ", thì còn ai để cạnh tranh! Lúc đó giá dừa xuống thấp, không có lợi cho hàng chục ngàn hộ trồng dừa và bà con buộc phải đốn dừa như đã từng xảy ra. Một mặt "bênh" nông dân nhưng tỉnh không bỏ doanh nghiệp mà khuyến khích và tạo điều kiện (hỗ trợ lãi vay ngân hàng) cho họ đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa và hạ giá thành sản phẩm, nhằm tăng sức cạnh tranh, xuất khẩu được giá hơn. Nhiều người cũng đặt câu hỏi: vì sao doanh nghiệp Trung Quốc đến Bến Tre mua dừa giá cao đem về chế biến, còn doanh nghiệp tại chỗ thì không mua được? Các doanh nghiệp trong tỉnh phải thừa nhận trình độ chế biến dừa của Trung Quốc cao hơn, sản phẩm của họ đa dạng và chất lượng hơn, tất nhiên giá trị xuất khẩu cao hơn... Muốn nâng trình độ sản xuất lên bằng họ, các doanh nghiệp chế biến dừa của Bến Tre chưa đủ lực để đầu tư, vì mới bỏ vốn xây dựng nhà máy và cũng chưa có thêm thị trường... Đây là bài toán rất khó cho các doanh nghiệp chế biến dừa muốn thoát khỏi tình trạng hiện nay và trong bối cảnh nước ta đã là thành viên WTO.

Về lâu dài, Bến Tre đang triển khai dự án trồng thêm 5.000 ha dừa nhằm nâng cao diện tích và sản lượng dừa. Tuy nhiên, phải mất 5 đến 7 năm nữa diện tích dừa trồng mới cho trái và đưa vào chế biến (với điều kiện giá mua phải hấp dẫn nông dân). Còn trước mắt, một số doanh nghiệp phải tự cứu mình, như Công ty TNHH thương mại- dịch vụ- xuất nhập khẩu BTCO, chế biến cơm dừa nạo sấy xuất khẩu mạnh dạn đầu tư chiều sâu xây dựng và đã được cấp chứng chỉ ISO 9001: 2000, GMP, HACCP... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo uy tín với khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có BTCO dám đột phá, còn phần lớn doanh nghiệp sản xuất cơm dưa nạo sấy vẫn đang loay hoay tìm hướng ra, trong khi doanh nghiệp Trung Quốc cứ đến Bến Tre mua dừa đem về chế biến.../.

(Nguon tin: TTXVN)



Báo cáo phân tích thị trường